Lo giá cả tăng theo điện
Lo giá cả tăng theo điện
Dù không bất ngờ với việc giá điện tăng từ ngày 20.3, song doanh nghiệp, người dân lẫn chuyên gia vẫn canh cánh nỗi lo giá các mặt hàng khác tăng theo.
Không chỉ giá điện mà lương tối thiểu cũng tăng tạo áp lực cho nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, với mức tăng giá điện thêm 8,36% từ 20.3, thì CPI năm 2019 tăng trong khoảng 3,3 - 3,9%, vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4% |
Doanh nghiệp “đau đầu”
Giám đốc một doanh nghiệp (DN) thép đang niêm yết trên sàn chứng khoán HNX cho biết, chi phí về điện hiện đang chiếm khoảng 8 - 9% giá thành sản phẩm thép, trong khi lợi nhuận ngành này chỉ đạt khoảng 6%. Đó là chưa kể do chiến tranh thương mại, ngành thép đang gặp rất nhiều khó khăn tại thị trường nước ngoài. Do vậy, việc giá điện tăng tác động không nhỏ đến hoạt động của công ty.
Ông Phạm Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc CTCP thép Việt Ý, cho biết đợt tăng giá điện ngày 20.3, 1 tấn phôi thép được sản xuất theo dây chuyền điện lò cao của DN này ước tính sẽ tăng thêm 61.000 đồng, tương ứng giá thành tăng thêm khoảng 2%.
Ở các DN sản xuất xi măng, chi phí cho năng lượng chiếm 60% nên giá điện tăng cũng là bài toán hết sức đau đầu. Theo Tổng công ty xi măng Việt Nam, nếu áp khung giá điện cũ, với năng lực sản xuất 24 - 25 triệu tấn sản phẩm/năm, tổng công ty phải chi khoảng 300 tỉ đồng/tháng. Nếu áp dụng giá điện mới, mỗi tháng, tổng công ty phải chi tăng thêm khoảng 20 tỉ đồng tiền điện.
Ông Bạch Thăng Long, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết dù đã có một kịch bản khá chi tiết từ những việc cần làm ngay tới những việc phải làm trong thời gian tới để giảm thiểu những tác động với chi phí này như sử dụng các thiết bị tiêu tốn ít năng lượng, tiết kiệm điện, tính toán đầu tư lắp đặt dự án điện mặt trời để tự cung. Dẫu vậy, ông Long thừa nhận vẫn rất lo vì không chỉ giá điện mà việc lương tối thiểu cũng đã tăng 5,3% từ đầu năm 2019, khiến DN có nhiều lao động như May 10 đang chịu nhiều áp lực, nhất là trong bối cảnh giá gia công lại giảm.
Xăng trước áp lực tăng giá ?
Chuyên gia Cấn Văn Lực thì cho rằng giá điện và giá xăng là 2 mặt hàng mà có lẽ không người dân nào mong muốn tăng lên. Vì vậy, chia sẻ với việc nhà nước đã tăng giá điện thì tới đây khi điều hành giá các mặt hàng khác phải cân nhắc thời điểm, liều lượng thật kỹ lưỡng. Thế nhưng, riêng với giá xăng, áp lực tăng giá sau điện là rất rõ. Tại điều hành gần nhất hôm 18.3, cơ quan điều hành đã phải tiếp tục xả Quỹ bình ổn rất mạnh, thêm hơn 800 đồng cho mỗi lít xăng E5RON95 để kìm việc tăng giá bán lẻ. Mỗi lít xăng E5RON92 đã phải dùng đến hơn 2.800 đồng từ Quỹ bình ổn để bù vào phần chênh lệch so với giá cơ sở. Tính đến hết năm 2018, Quỹ bình ổn đã giảm 1.600 tỉ so với
1 năm trước đó, khi chỉ còn khoảng 3.500 tỉ đồng. Cộng với việc tiếp tục xả mạnh trong những lần điều hành từ đầu năm nay khiến con số này đang dần cạn kiệt. Trong khi đó, giá dầu thế giới vẫn tiếp đà tăng nên đang tạo áp lực lên cho giá dầu ở kỳ điều hành đầu tháng 4 tới.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên hôm qua (21.3) về việc tính toán việc tăng giá điện đặt trong bối cảnh giá các mặt hàng cũng có nguy cơ tăng theo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), cho biết Bộ đã tính toán khá chi tiết mức tác động của tăng giá điện đến với hộ sinh hoạt, hộ sản xuất cũng như với DN thép, xi măng, hóa chất và đã phối hợp với Tổng cục Thống kê để tính toán rộng hơn gồm cả tăng giá điện, giá xăng dầu tác động đối với nền kinh tế như lạm phát, tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp. “Tôi được biết mỗi tháng Tổng cục Thống kê phải tính toán đến 3 lần cả một rổ các mặt hàng này”, ông Tuấn nói.
Riêng với tác động của chi phí mua điện, ông Tuấn cho hay, hiện cả nước có khoảng 1,413 triệu hộ sản xuất và tính bình quân số tiền điện mỗi hộ đang trả khoảng 12,39 triệu đồng/tháng. Với việc tăng giá điện như trên, trong trường hợp sản lượng tiêu thụ của các hộ này vẫn giữ nguyên thì số tiền trung bình mỗi hộ phải trả thêm là 870.000 đồng/tháng. Cụ thể hơn, với một số khách hàng tiêu thụ điện lớn, như khảo sát một số DN xi măng cho thấy, có hộ thấp thì phải trả thêm 13 triệu đồng/tháng, DN lớn số tăng thêm là 95 triệu đồng/tháng. Hay với khối sản xuất thép, DN có số tiền tăng thêm ít nhất là 50 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng thêm 7,3%. Cũng có DN cao hơn thì tăng thêm 8,28%.
Tiêu Phong - Trung Đức