Năm câu hỏi “phác thảo” mô hình tăng trưởng kinh tế 2021-2030
Năm câu hỏi “phác thảo” mô hình tăng trưởng kinh tế 2021-2030
Hành trình Việt Nam trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao chỉ mới bắt đầu. Và những thành tựu trong 30 năm qua không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai.
Hội thảo về mô hình tăng trưởng tổ chức sáng 20/3 tại Hà Nội.
|
5 câu hỏi "phác thảo"
Tại Hội thảo về mô hình tăng trưởng tổ chức sáng 20/3 tại Hà Nội, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định mức tăng trưởng kinh tế đạt gần 7%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp 5 lần, tỷ lệ nghèo giảm xuống dưới 7% so với mức hơn 60% vào cuối những năm 1980, là những thành tựu nổi bật của nền kinh tế Việt Nam.
"Nhưng hành trình Việt Nam trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao chỉ mới bắt đầu. Và những thành tựu trong 30 năm qua không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai", ông Ousmane nhận định.
Trong đó, dưới góc nhìn của WB, tác động của những cải cách thể chế và cấu trúc giai đoạn đầu dường như đã tới hạn là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng kinh tế trong tương lai khó thành công.
"Vì vậy, việc điều chỉnh và thay đổi mô hình tăng trưởng mang tính cấp thiết nếu Việt Nam mong muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao thành công vào năm 2030 và là nước có thu nhập cao vào năm 2045", đại diện WB chia sẻ.
Khuyến nghị về mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới, ông Ousmane cho rằng mô hình mới được "phác thảo" ra phải trả lời được 5 câu hỏi quan trọng.
Thứ nhất, có cần thực hiện những điều chỉnh và cần thiết thì đó là những thay đổi nào?
Thứ hai, mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu với khu vực FDI mạnh mẽ có còn phù hợp không?
Thứ ba, Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào những nhân tố quan trọng đối với tăng trưởng bền vững - bao gồm cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực - như thế nào?
Thứ tư, làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước để khu vực này có thể thành nhân tố chủ lực dẫn dắt việc đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp 4.0 và tăng trưởng?
Và cuối cùng, làm thế nào để có thể tiếp tục thúc đẩy cải cách thể chế thị trường để hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn?
Giai đoạn "bứt phá"
Trình bày báo cáo về mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng 2021 - 2030 là giai đoạn cực kỳ quan trọng, có tính quyết định đến việc Việt Nam có thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hay không. Do đó, đây là giai đoạn được xác định là "bứt phá" với tốc độ tăng trưởng GDP dự tính phải đạt 7 - 7,5%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,3% của giai đoạn 2011 - 2020.
Nhưng với mức 7-7,5%, theo vị chuyên gia, là một áp lực rất lớn nếu vẫn giữ nguyên mô hình tăng trưởng cũ và bẫy tăng trưởng vẫn luôn "rình rập". Bởi giai đoạn 2011 - 2020 dựa chủ yếu vào đầu vào. Đến nay, mô hình này đã đến ngưỡng, các lợi thế so sánh dựa vào thâm dụng lao động, xuất khẩu hàng hoá gia công đang giảm dần. Trong khi đó, cách mạng công nghệ mang tính đột phá đang phát triển mạnh, buộc các nền kinh tế phải điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Dẫn số liệu từ Barry và cộng sự (năm 2017), ông Ngoạn chỉ ra rằng điều làm nên sự khác biệt giữa các quốc gia thành công và không thành công là năng suất tổng hợp (TFP). Cụ thể, các nền kinh tế mắc bẫy thu nhập trung bình có TFP trung bình là 0,4%, trong khi đó các nền kinh tế vượt bẫy thành công có TFP lên tới 1,2%.
Trong khi đó, TFP của Việt Nam hiện nay thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia thành công. Và để thành công trong giai đoạn 2021 - 2045, TFP của Việt Nam phải tăng 2,67%.
"Do đó, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới chính là sự đột phá về tăng năng suất. Mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030 sẽ dịch chuyển dần từ thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn và tri thức; chuyển dần từ lượng sang chất; thúc đẩy công nghệ, sáng tạo, tinh thần doanh nhân chiếm vị trí trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng", ông Ngoạn khẳng định.
Để hiện thực hoá mô hình này, theo vị chuyên gia, hai yếu tố quan trọng thúc đẩy TFP chính là xây dựng chiến lược công nghệ với các tiếp cận hiện đại và xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ngân Hà