Nikkei 225 giảm hơn 3%, Hang Seng mất hơn 500 điểm
Nikkei 225 giảm hơn 3%, Hang Seng mất hơn 500 điểm
Chứng khoán châu Á lao dốc mạnh vào gần cuối phiên sáng ngày thứ Hai (25/03) sau hàng loạt dữ liệu kinh tế đáng thất vọng từ châu Âu và một tín hiệu cảnh báo về suy thoái ở Mỹ.
Tính tới lúc 11h35 ngày thứ Hai (25/03 – giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản sụt 683.7 điểm (tương đương 3.16%), khi cổ phiếu của ba ông lớn Fast Retailing, Softbank Group và Fanuc đồng loạt giảm mạnh. Chỉ số Topix giảm 2.71%.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt mạnh vào cuối phiên sáng, trong đó Shanghai Composite hạ 42.5 điểm (tương đương 1.37%), còn Shenzhen Component lùi hơn 1%. Shenzhen Composite giảm 0.908%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á lúc 11h35 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông “bốc hơi” 517.43 điểm (tương đương 1.78%) khi cổ phiếu của gã khồng lồ công nghệ Trung Quốc, Tencent, giảm hơn 2.5%.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 36.47 điểm (tương đương 1.67%) khi cổ phiếu SK Hynix lao dốc hơn 3.5%.
Chỉ số ASX 200 của Australia giảm hơn 1% khi phần lớn lĩnh vực đều nhuốm sắc đỏ.
Thị trường cổ phiếu Thái Lan nhuốm sắc đỏ, cụ thể chỉ số SET hạ 0.8% sau khi giảm 1% trong phiên sáng, theo Reuters.
Nỗi lo về suy thoái
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh vào ngày thứ Sáu (22/03), khi những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu cùng với dự báo kinh tế thận trọng hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến nhà đầu tư lo lắng vào cuối tuần. Hàng loạt dữ liệu đáng thất vọng từ châu Âu được tung ra trong ngày thứ Sáu (22/03), qua đó càng gia tăng thêm nỗi lo ngại.
Các động thái trong phiên ngày thứ Sáu diễn ra sau khi Fed gây ngạc nhiên cho nhà đầu tư bằng cách áp dụng lập trường “bồ câu” rõ rệt hôm thứ Tư (20/03), dự kiến sẽ không nâng lãi suất trong năm nay và kết thúc chương trình cắt giảm bảng cân đối kế toán. Mặc dù nhà đầu tư thường không thích chi phí vay tăng cao và nâng lãi suất, nhưng động lực thúc đẩy sự kiềm chế từ Fed đã làm dấy lên lại lo ngại về đà giảm tốc tăng trưởng GDP. Fed chứng minh cho một triển vọng ôn hòa hơn bằng cách hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2019.
Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm đã chuyển sang âm lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ vào ngày thứ Sáu (22/03). Nhà đầu tư xem đây là tín hiệu báo trước về suy thoái.
Sự đảo ngược của đường cong lợi suất được một nhóm chuyên gia mô tả là “diễn biến lớn nhất trên thị trường tài chính trong một khoảng thời gian dài”.
“Mặc dù chúng tôi thích chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu 10 năm và 2 năm hơn (để dự báo suy thoái trước khoảng 12-18 tháng), nhưng sự đảo ngược của đường cong lợi suất kỳ hạn 3 tháng và 10 năm cũng là một điềm không lành”, các chiến lược gia tại Commonwealth Bank (Australia) cho biết trong một báo cáo.
“Tại giai đoạn này, chúng tôi không dự báo về suy thoái tại Mỹ, nhưng chúng tôi đã kết luận rằng chu kỳ thắt chặt của Fed đã kết thúc”, họ cho hay.
Sự đảo ngược của đường cong lợi suất diễn ra khi lợi suất của trái phiếu kỳ hạn ngắn vượt mặt kỳ hạn dài, qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận cho vay của ngân hàng.
Chỉ số đồng USD – thước đo theo dõi diễn biến đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 96.620 sau khi phục hồi từ mức 96.3 trong phiên trước.
Đồng JPY – vốn được xem là một đồng tiền trú ẩn an toàn – được giao dịch ở mức 109.84 đổi 1 USD sau khi dao động trên mức 110.6 đổi 1 USD vào cuối tuần trước. Đồng AUD được “sang tay” ở mức 0.7078 USD sau khi lên trên mốc 0.714 USD trong tuần trước.
Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer – người dẫn dắt các cuộc đàm phán với Trung Quốc – và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin sẽ tới Bắc Kinh để đàm phán vào ngày 28-29/03/2019. Sau đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ đến Washington để tiếp tục đàm phán, dựa trên nguồn tin thân cận.
Mỹ và Trung Quốc được dự báo tiến tới một thỏa thuận vào một thời điểm nào đó trong tháng 4/2019, khi những bất ổn xoay quanh cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế đè nặng lên tâm lý của nhà đầu tư trong năm 2018.
Giá dầu giảm giá vào phiên giao dịch châu Á buổi sáng ngày thứ Hai (25/03), trong đó hợp đồng dầu Brent tương lai giảm 0.66% xuống 66.59 USD/thùng, hợp đồng dầu WTI tương lai hạ 0.85% xuống 58.54 USD/thùng.
FiLi