Tại sao cần phải quan tâm tới hiện tượng đường cong lợi suất bị đảo ngược?
Tại sao cần phải quan tâm tới hiện tượng đường cong lợi suất bị đảo ngược?
Nếu bạn đang tự hỏi rằng đường cong lợi suất là gì và tại sao nhiều người lại tỏ ra buồn phiền khi đường cong này trở nên phẳng hơn, thì đừng lo không chỉ có bạn băn khoăn về điều này đâu!
Vào cuối năm trước, số lượng truy cập tìm kiếm cụm từ “yield curve inversion” trên Google (sự đảo ngược của đường cong lợi suất) lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Sau đây, Bloomberg sẽ giúp trả lời cho bạn những câu hỏi ở trên.
1. Đường cong lợi suất là gì?
Đường cong lãi suất là đồ thị mô tả mối quan hệ giữa lãi suất và kỳ hạn của một công cụ nợ (cùng mức và chất lượng tín dụng). Đồ thị này bắt đầu với mức lãi suất ở kỳ hạn thấp nhất và mở rộng ra theo thời gian, thường là đến kỳ hạn 30 năm.
Đây là một cách để cho thấy sự khác biệt trong lợi suất mà nhà đầu tư nhận được khi lựa chọn mua trái phiếu ngắn hạn hay dài hạn. Thông thường, nhà đầu tư yêu cầu lợi suất cao hơn khi mua trái phiếu có kỳ hạn dài hơn vì mức độ bất ổn cao hơn. Do đó, đường cong lợi suất có xu hướng dốc lên.
2. Đường cong lợi suất phẳng là gì?
Đường cong lợi suất trở nên phẳng khi khoảng chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu dài hạn và ngắn hạn xuống mức 0%. Nói cách khác, đó là khi lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 30 năm chẳng khác gì lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm. Còn nếu như khoảng chênh lệch rơi xuống phạm vi âm, thì đường cong được xem là bị đảo ngược (có xu hướng dốc xuống).
3. Tại sao điều này quan trọng?
Trong quá khứ, đường cong lợi suất thường phản ánh cảm nhận của thị trường về nền kinh tế, đặc biệt là về lạm phát. Nếu những nhà đầu tư nghĩ rằng lạm phát tăng lên trong tương lai thì họ sẽ đòi hỏi lợi suất cao hơn để bù đắp cho ảnh hưởng từ lạm phát tăng lên (bởi lãi suất thực bằng lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát). Vì lạm phát thường được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế mạnh, một đường cong lợi suất dốc lên thường có nghĩa là nhà đầu tư có kỳ vọng tốt về nền kinh tế. Trong khi đó, đường cong lợi suất “ngược” (dốc xuống) thường là chỉ báo đáng tin cậy cho thấy rủi ro nền kinh tế sắp suy yếu, giống như sự kiện đã xảy ra cách đây 10 năm (khủng hoảng năm 2007-2008). Thật vậy, trong 7 cuộc khủng hoảng trước đây, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kỳ hạn 10 năm và trái phiếu kỳ hạn 3 tháng đã bị âm.
4. Điều gì đang xảy ra với đường cong lợi suất Mỹ?
Xu hướng bằng phẳng hóa đường cong lợi suất đã diễn ra vào cuối năm 2017 và tiếp tục trong năm 2018, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất ngắn hạn. Thế nhưng, trong tháng 3/2019, các nhà hoạch định chính sách Fed đã hạ dự báo tăng trưởng và dự báo lãi suất, trong đó đa số quan chức dự báo không nâng lãi suất trong năm nay. Trước đó, tại cuộc họp chính sách tháng 12/2018, các quan chức Fed dự báo nâng lãi suất 2 đợt trong năm 2019. Nỗi lo ngại về khả năng giảm tốc và triển vọng Fed hạ lãi suất ngắn hạn đã khiến chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kỳ hạn 10 năm và trái phiếu kỳ hạn 3 tháng rơi vào phạm vi âm, tức xảy ra hiện tượng đường cong lợi suất bị đảo ngược.
FiLi