Tệ hơn cả một canh bạc
Tệ hơn cả một canh bạc
Thời điểm Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) chính thức đầu tư vào Venezuela (năm 2010) cũng là lúc truyền thông quốc tế chỉ ra những dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng về nền kinh tế và đồng tiền của quốc gia này.
Đáng lưu ý là thời điểm khi ấy có đến hơn 18.000 nhân viên mà hầu hết là chuyên viên và nhà quản lý chuyên nghiệp của Công ty Dầu khí quốc doanh Venezuela (PDVSA) bị sa thải, để thay thế vào đó gần 100.000 người chỉ biết chuyên tâm ủng hộ chính phủ.
Từ năm 2006, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế từ chối xếp hạng tín nhiệm PDVSA vì không công bố báo cáo tài chính.
Nhìn lại quá khứ, chỉ cần lướt sơ qua một vài dữ liệu thô như trên thì thật khó tin rằng một nhà đầu tư nào lại dám đầu tư liên doanh với PDVSA. Lý trí tối thiểu mách bảo rằng chỉ cần dựa trên các chỉ số căn bản này cũng đủ để bác bỏ toàn bộ các số liệu phù phép về thời gian hoàn vốn 7 năm và các mức sinh lợi cao đến từ dự án đầu tư với PDVSA mà PVN trình Chính phủ.
Chưa đến tận cùng của sự phi lý, PVN còn chi thêm hàng trăm triệu đôla tiền hoa hồng cho đối tác chỉ để được tham gia canh bạc. Ngay cả khi gọi là canh bạc, năng lực người chơi PVN còn thua xa các đối thủ dầu khí sừng sỏ đến từ Mỹ và các tay chơi khác đang hoạt động ở thị trường này. Còn tệ hơn cả một canh bạc với xác suất thắng thua 50-50, cú đầu tư của PVN giống như một cuộc lao đầu tập thể vào lửa.
Người chơi mất kiểm soát. Nhưng còn các bộ ngành tham mưu ở đâu lúc đó? Các Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính cũng có đưa ra những cảnh báo cần thiết. Nhưng những cảnh báo này nhẹ tựa lông hồng nếu đặt lên bàn cân hàng tỉ đôla hiếm hoi mà cả nền kinh tế chắt chiu tìm kiếm được lúc bấy giờ.
Giai đoạn 2009-2011 là thời điểm dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ khoảng 12 tỉ đôla, ở mức thấp nhất trong lịch sử từ năm 1997. Vậy mà chỉ riêng 1 trong tổng số 13 dự án đầu tư ra nước ngoài của PVN đã ăn hết 20% trong tổng số ngoại tệ quốc gia.
Phản ứng của các bộ ngành thật không xứng đáng với vai trò là kiến trúc sư trưởng nền kinh tế và quản lý rủi ro mà nhân dân kỳ vọng.
Nhiều vụ việc tham nhũng gần đây cho thấy các bộ ngành dường như ra vẻ có tiếng nói ít nhiều trong các vụ mua bán, đầu tư của các tập đoàn kinh tế. Họ làm vậy cũng chỉ để phần nào giảm nhẹ trách nhiệm công vụ về sau, hơn là thực hiện chức trách thiêng liêng được giao phó.
Mãi đến năm 2013, khi không có bất kỳ dấu hiệu một thùng dầu nào được khai thác, GDP của Venezuela sụt giảm đến 50% và xuất hiện siêu lạm phát, Chính phủ mới quyết định tạm dừng dự án. Điều mà đáng lý phải thực hiện ngay khi triển khai nếu mọi thứ đều minh bạch và trách nhiệm giải trình được thực thi ngay từ đầu.
Cần làm rõ những điều phi lý này để nghiêm trị những ai làm sai trái. Nhưng tất nhiên chúng cũng sẽ sản sinh ra hàng loạt điều phi lý khác trong tương lai, nếu như không trị ngay từ gốc rễ của vấn đề. Những vụ tương tự như PVN vẫn sẽ còn xảy ra, nếu như tham vọng đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng vẫn chỉ là mơ ước xa vời trên hành trình đưa Việt Nam hóa rồng.
* Bộ Công an điều tra vụ PVN mất trắng hàng ngàn tỉ đồng tại Venezuela
* PVN đầu tư ra nước ngoài kiểu gì mà 11/13 dự án lỗ khủng nhiều tỉ USD?
* Tổng giám đốc PVN xin từ chức
Trần Ngọc Thơ