Thị trường trái phiếu Mỹ vừa phát ra tín hiệu cực kỳ đáng sợ
Thị trường trái phiếu Mỹ vừa phát ra tín hiệu cực kỳ đáng sợ
Lời khẳng định nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong tuần này đang phải đối mặt với những phản ứng tiêu cực từ phía thị trường trái phiếu – vốn phát đi một tín hiệu suy thoái vào sáng ngày thứ Sáu (22/03 – giờ Mỹ).
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ ngắn hạn giờ đã vượt lợi suất trái phiếu dài hạn hơn, tức xảy ra hiện tượng đường cong lợi suất bị đảo ngược, qua đó phát đi chỉ báo suy thoái mạnh và chưa từng xảy ra kể từ năm 2007.
Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm vừa chuyển sang âm. Đây thường được xem là chỉ báo đáng tin cậy về chuyện suy thoái sắp xảy ra trong tương lai gần.
Khi xảy ra hiện tượng đường cong lợi suất bị đảo ngược, điều này không có nghĩa là suy thoái ngay trước mắt mà có thể xảy ra trong năm tới hoặc sau đó.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 tháng ở mức 2.468% vào lúc 10h sáng ngày thứ Sáu (22/03 – giờ Mỹ), còn kỳ hạn 10 năm ở mức 2.44%.
Các chuyên gia kinh tế xem động thái của lợi suất trái phiếu là tín hiệu u ám về nền kinh tế - vốn vừa ghi nhận năm có thành quả tốt nhất kể từ giữa năm 2009.
“Đường cong lợi suất đang phản ứng với những gì chúng ta thấy, với những gì mà tôi tin là đà giảm tốc kinh tế toàn cầu”, Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, nhận định.
Lợi suất trái phiếu ngắn hạn vượt mặt lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài hơn được xem là một tín hiệu cho thấy tăng trưởng tại thời điểm này sẽ cao hơn tăng trưởng trong tương lai. Nghiên cứu của Fed khu vực New York – vốn được xem là có sức ảnh hưởng nhất về chênh lệch lợi suất – phát hiện ra rằng mối quan hệ đáng xem nhất là giữa trái phiếu kỳ hạn 3 tháng và 10 năm, mặc dù nhiều thành phần tham gia thị trường vẫn theo dõi chênh lệch giữa trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm – vốn cách nhau chỉ 10 điểm cơ bản vào sáng ngày thứ Sáu (22/03).
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – cơ quan thiết lập chính sách tiền tệ của Fed – cho biết họ sẽ không sớm nâng lãi suất – có khả năng là không nâng trong cả năm 2019 – trừ khi các điều kiện kinh tế thay đổi quá nhiều.
Ông Powell cho biết nền kinh tế Mỹ đang trong trạng thái tốt mặc dù phải đối mặt với đà giảm tốc từ châu Âu và Trung Quốc. Ông và các đồng nghiệp đã hạ dự báo về tăng trưởng GDP tại Mỹ, dự báo tăng trưởng GDP chỉ 2.1% trong cả năm 2019 và 1.9% trong năm 2020.
Lời cảnh báo từ thị trường trái phiếu
“Tất cả những gì cần làm là đọc đoạn đầu tiên trong tuyên bố của Fed để nhận thấy rằng NHTW đã hạ đánh giá về tình hình kinh tế - những từ ngữ còn nói lên nhiều điều hơn chỉ là việc thay đổi những con số dự báo”, David Rosenberg, Chuyên gia kinh tế trưởng và chiến lược gia tại Gluskin Sheff, cho biết trong báo cáo ngày thứ Năm (21/03).
Cũng giống như những nhà quan sát thị trường tài chính khác, ông Rosenberg lưu ý tới sự phản ứng khác biệt giữa thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán – lợi suất trái phiếu suy giảm, cho thấy tăng trưởng thấp hơn, còn thị trường chứng khoán lại đi lên.
“Thị trường chứng khoán có thể không đồng tình với thông điệp suy thoái từ thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ, nhưng sẽ là dại khờ khi ngó lơ hoàn toàn động thái của đường cong lợi suất”, ông viết. “Lợi suất thực (sau khi trừ đi lạm phát) của trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức đáy 14 năm tại 0.56% - chúng chưa bao giờ thấp đến như thế này trong suốt Đại Suy thoái năm 2008-2009”.
Như một lẽ đương nhiên, lời cảnh báo tàn khốc từ thị trường trái phiếu đã xuất hiện nhiều lần trong 12 tháng qua, nhưng vẫn chưa thấy suy thoái đâu cả. Một số chuyên gia thị trường kỳ cựu tin rằng điều này thể hiện có thể thị trường chứng khoán phản ứng đúng và thị trường trái phiếu có thể đã quá thận trọng.
“Liệu đường cong lợi suất đang báo hiệu tăng trưởng toàn cầu yếu ớt và lạm phát thấp mà không nhất thiết ngụ ý là suy thoái sắp diễn ra ở Mỹ hay không? Chúng tôi nghĩ vậy và thị trường chứng khoán Mỹ rõ ràng đang ủng hộ lập luận của chúng tôi”, Ed Yardeni của Yardeni Research cho biết trong ngày thứ Sáu (22/03). “Vậy tại sao thị trường chứng khoán toàn cầu đang diễn ra quá tốt đẹp? Có lẽ tâm lý bi quan về triển vọng kinh tế toàn cầu đã hơi quá trớn”.
FiLi