Tranh nhau thị phần xuất khẩu trực tuyến
Tranh nhau thị phần xuất khẩu trực tuyến
Sự xuất hiện cùng lúc của 2 ông lớn về bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới tại Việt Nam khiến cuộc cạnh tranh hết sức gay gắt trong việc thu hút các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tổng số 517.900 DN đã đăng ký kinh doanh, có tới 98,1% là doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Thậm chí, 66% trong số này là DN siêu nhỏ, khó có thể xuất khẩu trực tiếp. Thực tế này đòi hỏi sự hỗ trợ lớn từ các nền tảng xuất khẩu cũng như cơ quan nhà nước để tận dụng hiệu quả tiềm năng xuất khẩu.
Gần đây, Amazon và Alibaba - 2 đại gia bán lẻ trực tuyến lớn nhất nhì thế giới - đã rất nhanh nhạy khi liên tục tung ra các chương trình hỗ trợ, đào tạo kỹ năng, kiến thức về thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới nhằm nâng cao năng lực chào hàng trực tuyến cho DN Việt trên nền tảng Amazon.com và Alibaba.com. Qua đó, giúp DN Việt có thể tiếp cận hàng triệu khách hàng sỉ, lẻ ở khắp thế giới, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản mà không cần tốn các chi phí liên quan đến xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu… "Mỹ là thị trường số 1 thế giới hiện nay song Trung Quốc cũng là thị trường lớn lâu đời. Tận dụng được cả Amazon và Alibaba tức DN Việt có thể có cơ hội tiếp cận với 2 thị trường lớn nhất với chi phí rẻ" - một chuyên gia nói.
Dư địa xuất khẩu trực tuyến của các DN Việt Nam rất lớn nếu tận dụng hết lợi thế từ nền tảng TMĐT của Amazon và Alibaba. Ảnh: Hoàng Triều
Tuy nhiên, sự xuất hiện cùng lúc của 2 ông lớn về bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới tại Việt Nam khiến cuộc cạnh tranh hết sức gay gắt trong việc thu hút các nhà xuất khẩu Việt Nam. Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc thị trường Việt Nam của Alibaba, thừa nhận Alibaba gặp những khó khăn nhất định khi cạnh tranh với Amazon về mặt thị trường xuất khẩu, bởi Amazon gần như độc chiếm tại Mỹ và châu Âu - 2 thị trường được các nhà xuất khẩu Việt Nam ưa thích. Tuy nhiên, Alibaba có thể mạnh tại thị trường Trung Quốc, trong khi đây cũng là thị trường rất lớn và giàu tiềm năng mà Việt Nam đang hướng tới. "Thị trường Mỹ có sức hút đặc biệt nên Amazon hưởng nhiều lợi thế trong cuộc chiến giành nhà xuất khẩu. Chúng tôi phải cố gắng tận dụng ưu thế về kinh nghiệm phát triển toàn cầu sớm hơn Amazon để mở ra tất cả thị trường xuất khẩu chứ không riêng Trung Quốc để cạnh tranh với đối thủ" - ông Trần Xuân Thủy chia sẻ thêm.
Việc cạnh tranh giữa Alibaba và Amazon được xem là cơ hội lớn với DN Việt nhưng không đồng nghĩa với việc có thể dễ dàng nắm bắt. Ông Trần Đình Toàn, Phó Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư và Công nghệ OSB (chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật số tại Việt Nam), nhận xét nhiều chủ DN Việt chưa nhận thấy lợi ích tiềm năng của xuất khẩu trực tuyến; coi nền tảng TMĐT xuyên biên giới chỉ là một trong nhiều kênh bán hàng và không quen sử dụng các chức năng hữu ích như phân tích dữ liệu về hiệu suất bán hàng, hành vi mua hàng… để phục vụ cho mình. DN cũng thiếu kỹ năng công nghệ cần thiết để xây dựng gian hàng, thiết kế đồ họa, kỹ năng tiếng Anh yếu, thiếu nguồn nhân lực và tài chính cần thiết để áp dụng TMĐT...
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lưu ý các DN nên tích cực đầu tư về hạ tầng công nghệ, đẩy mạnh việc ứng dụng các kỹ năng giao dịch trực tuyến. Về phía nhà nước, cần bổ sung chính sách, chương trình hỗ trợ để DN tiếp cận, điều chỉnh chiến lược ứng dụng TMĐT hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa.
Phương Nhung