Trung Quốc chứng kiến làn sóng vỡ nợ chưa từng thấy
Trung Quốc chứng kiến làn sóng vỡ nợ chưa từng thấy
Đà giảm tốc về kinh tế và các điều kiện tín dụng thắt chặt đến cực độ đã thúc đẩy nợ doanh nghiệp tại Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục trong năm 2018.
Số lượng vụ vỡ nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc – phát hành bằng cả đồng USD và đồng Nhân dân tệ – tăng vọt trong năm 2018, dựa trên số liệu từ hai ngân hàng.
Trái phiếu định danh bằng đồng Nhân dân tệ tăng lên mức chưa từng thấy 119.6 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 17.8 tỷ USD), cao gấp 4 lần so với năm 2017, dựa trên báo cáo tháng 2/2019 của ngân hàng DBS.
Ước tính của ngân hàng Nhật Bản Nomura thậm chí còn cao hơn, đặt quy mô của các vụ vỡ nợ bằng trái phiếu Trung Quốc – trái phiếu định danh bằng đồng Nhân dân tệ – ở mức 159.6 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 23.8 tỷ USD) trong năm 2018. Con số này cao gần gấp 4 lần so với ước tính năm 2017.
Trái phiếu doanh nghiệp định danh bằng đồng USD do các công ty Trung Quốc phát hành cũng có xu hướng tương tự. Nomura cho biết, khoản nợ bằng đồng USD tăng lên 7 tỷ USD trong năm 2018, từ mức gần như chẳng có gì trong năm ngoái.
“Trung Quốc chứng kiến làn sóng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp chưa từng thấy trong năm ngoái, trong một dấu hiệu mới về những tác động tới thị trường tài chính khi kinh tế giảm tốc mạnh hơn”, các chuyên viên phân tích DBS cho biết trong báo cáo.
Theo DBS, lĩnh vực năng lượng không thể thanh toán khoản nợ 46.4 tỷ Nhân dân tệ trong năm 2018, chiếm gần 40% tổng quy mô của các vụ vỡ nợ bằng trái phiếu định danh bằng đồng Nhân dân tệ. Các công ty tiêu dùng cũng là những đối tượng bị tác động mạnh, theo báo cáo của DBS.
“Làn sóng vỡ nợ đang nới dài sang năm 2019… Xét tới sự suy giảm của tâm lý yêu thích rủi ro và khối lượng trái phiếu đến hạn khổng lồ, triển vọng là khá ảm đạm”, DBS cho biết, đồng thời nói thêm có khoảng 3.5 ngàn tỷ Nhân dân tệ trái phiếu doanh nghiệp sẽ đến hạn trong năm nay.
Chi phí đi vay cao
Các công ty đang đối mặt với điều kiện tiền tệ ngày càng thắt chặt hơn, họ cảm thấy choáng ngợp bởi chi phí đi vay cao, DBS cho biết, đồng thời cho biết lãi suất thực tăng vọt lên 4.35% trong tháng 1/2019, từ mức thấp đến mức -3.1% tại đầu năm 2017.
“Sự sẵn có về khoản tín dụng để tái tài trợ vẫn đang trong trạng thái thắt chặt, bất chấp nỗ lực nới lỏng tiền tệ từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC)”, DBS cho biết. Cùng lúc đó, Ngân hàng này nói thêm: “Các ngân hàng thương mại duy trì tâm thái thận trọng trong việc cho vay tới các công ty tư nhân và các doanh nghiệp Nhà nước đang gặp khó khăn về tài chính”.
Trong bối cảnh điều kiện tiền tệ khó khăn hiện nay, các công ty Trung Quốc lại càng căng thẳng hơn về tài chính, DBS cảnh báo, cho rằng điều này chẳng hề “báo trước điềm tốt lành về khả năng trả nợ của họ”.
DBS nhấn mạnh tới lĩnh vực bất động sản và cho biết “một lượng lớn khoản vay gần đây được thực hiện dưới dạng trái phiếu ngắn hạn”. Áp lực tài trợ đối với các công ty bất động sản lại càng được khuếch đại bởi đà giảm tốc của thị trường nhà ở.
Các vụ vỡ nợ của năm 2018 tác động phần lớn tới các công ty trong khu vực tư nhân (so với chu kỳ gần nhất trong năm 2016), theo Edmund Goh, Chuyên gia quản lý đầu tư trái phiếu châu Á tại Aberdeen Standard Investments.
“Môi trường lãi suất ngày càng tăng trong năm 2017 và đầu năm 2018 cùng với tăng trưởng kinh tế yếu ớt trong nửa cuối năm 2018 là những ‘thủ phạm’ chính gây ra những vụ vỡ nợ. Thế nhưng, tại sao chúng lại tập trung vào các công ty tư nhân? Vì Trung Quốc thực hiện các chính sách hỗ trợ mạnh để cung cấp vốn cho các doanh nghiệp Nhà nước trong vài năm qua”, Goh lý giải.
Khi nền kinh tế Mỹ khỏe mạnh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất để tránh đẩy nền kinh tế vào trạng thái quá nhiệt. Thế nhưng, khi lãi suất đi lên, giá trá phiếu giảm và lợi suất trái phiếu định danh bằng đồng USD lại gia tăng.
Khi đồng Nhân dân tệ giảm từ từ so với đồng bạc xanh trong năm 2018, các công ty Trung Quốc có thu nhập bằng đồng nội tệ gặp khó khăn khi phải trả nợ bằng đồng USD.
Kiểm soát ngân hàng ngầm
Đề cập tới nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ vỡ nợ cao kỷ lục, các chuyên viên phân tích cho là do hoạt động kiểm soát chặt chẽ hệ thống ngân hàng ngầm (shadow banking).
Ngân hàng ngầm ý muốn nói tới các hoạt động của các công ty tài chính nằm bên ngoài lĩnh vực ngân hàng chính thống và do đó họ chịu sự giám sát ít chặt chẽ hơn nhưng rủi ro sẽ cao hơn.
“Chúng ta buộc phải nhớ, trong quá khứ, các quy định có vẻ thoải mái hơn đối với hệ thống ngân hàng ngầm. Các công ty tư nhận phụ thuộc vào các khoản vay từ ngân hàng ngầm khi họ không thể phát hành trái phiếu. Thế nhưng, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu kiểm soát chặt chẽ kênh vay vốn này trong năm 2017”, ông Goh nói rõ.
Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn vì hệ thống ngân hàng ngầm là “nguồn cung cấp tín dụng chủ yếu cho các doanh nghiệp chất lượng thấp ở Trung Quốc”, Tiansi Wang, Chuyên viên phân tích tín dụng cấp cao tại công ty quản lý tài sản Robeco, nhận định.
Các ngân hàng Nhà nước thường thích cho vay tới các công ty có sự hậu thuẫn của Chính phủ - vốn được xem là an toàn hơn so với các công ty tư nhân. Kết quả là nhiều doanh nghiệp tư nhân phải cậy nhờ vào hệ thống ngân hàng ngầm.
Tình trạng vỡ nợ có thể tiếp tục trong năm nay nhưng sẽ được kiểm soát nhiều hơn, các chuyên gia nhận định.
Thế nhưng, điều này cũng không hề đưa ra tín hiệu tốt lành về mức nợ vốn đã cao ngất ngưỡng ở Trung Quốc. Các chuyên viên phân tích nhận định, nợ tại Trung Quốc có thể sắp tăng trong năm nay, khi Bắc Kinh muốn thúc đẩy hoạt động cho vay giữa lúc thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách để thúc đẩy nền kinh tế.
FiLi