Trung Quốc thông qua luật đầu tư nước ngoài mới
Trung Quốc thông qua luật đầu tư nước ngoài mới
Trung Quốc đã thông qua luật đầu tư nước ngoài mới trong ngày thứ Sáu (15/03), truyền đi một thông điệp rằng Bắc Kinh muốn tạo ra một sân chơi công bằng cho nhà đầu tư nước ngoài và trấn an cộng đồng toàn cầu rằng Trung Quốc vẫn là “bến đỗ” đầu tư hấp dẫn.
Bản phác thảo cuối cùng của luật đầu tư nước ngoài đã được thông qua bởi 2929 nhà làm luật thuộc Quốc hội Trung Quốc, trong đó chỉ có 8 người phản đối và 8 phiếu trắng.
Luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Bắc Kinh gấp rút thông qua luật này trong một nỗ lực giải quyết các phàn nàn từ phía Mỹ và châu Âu về những hành vi thương mại không công bằng. Luật mới lần đầu tiên được đưa ra trong năm 2015 dưới dạng bản phác thảo, nhưng tiến trình đã được đẩy nhanh đáng kể từ giữa năm 2018 để giải quyết các vấn đề mà Mỹ đưa ra trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
* Luật đầu tư nước ngoài mới của Trung Quốc có gì cần chú ý?
Luật mới nỗ lực giải quyết những nỗi lo từ nhà đầu tư nước ngoài, như việc đối xử không công bằng về phương diện tiếp cận thị trường và thủ tục Chính phủ, chuyển giao công nghệ bắt buộc cho các đối tác Trung Quốc và việc đánh cắp bí mật thương mại từ các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc.
Luật này đã được chỉnh sửa trong tuần này để làm rõ rằng các quan chức sẽ phải tuân thủ để bảo vệ các thông tin tuyệt mật về thương mại mà họ có được từ các doanh nghiệp nước ngoài. Theo luật mới, sẽ là bất hợp pháp khi các quan chức lạm dụng các thông tin quan trọng hoặc để cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước.
Cùng lúc đó, nội dung của luật đầu tư nước ngoài mới khá chung chung, từ đó dẫn tới nhiều chi tiết sẽ được giải quyết ở những quy định và quy trình triển khai khác. Sau khi có hiệu lực, luật mới này sẽ thay thế ba luật vốn nước ngoài hiện hành đã được thông qua trong giai đoạn 1979-1990 trong những năm đầu Trung Quốc cải cách và mở cửa.
“Chúng tôi đã xem xét qua phiên bản cuối cùng của luật đầu tư nước ngoài và cảm thấy vui lòng với việc thêm nội dung vào phút chót về việc tăng cường bảo vệ thông tin thương mại và bí mật thương mại của các công ty nước ngoài”, Jake Parker, Phó Chủ tịch phụ trách các nghiệp vụ Trung Quốc tại Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung, nhận định.
“Việc thêm vào nội dung áp dụng hình phạt hình sự đối với việc chia sẻ những thông tin nhạy cảm của các công ty nước ngoài đã đưa ra lời răn đe cứng rắn hơn chống lại các hành vi làm giả và đánh cắp sở hữu trí tuệ và sẽ tạo ra con đường mới để triển khai bảo vệ sở hữu trí tuệ. Việc triển khai sẽ là thước đo chính để đánh giá thành công, nhưng cộng đồng doanh nghiệp từ lâu đã ủng hộ Chính phủ Trung Quốc áp các hình phạt hình sự đối với vi phạm sở hữu trí tuệ, chúng ta cần phải công nhận sự tiến triển tích cực này”, Jake Parker nhận định.
Ông nói thêm: “Chúng tôi hy vọng việc trì hoãn triển khai luật mới tới ngày 01/01/2020 sẽ đưa ra thêm các cơ hội để các công ty nước ngoài phối hợp với các nhà điều hành nhằm giải quyết những lo ngại của chúng tôi về các hợp đồng liên doanh, rà soát an ninh quốc gia và việc tham gia vào các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn”.
Luật mới nhận được sự hờ hững từ nhiều chuyên gia, trong đó Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc phàn nàn về sự thiếu thông tin chi tiết và tham vấn”.
“Chúng tôi lo ngại bộ luật quan trọng và tác động sâu rộng này sẽ được triển khai mà không có sự tham khảo ý kiến từ những bên liên quan trong ngành”, Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết trong tuần này.
Luật này không đề cập cụ thể tới khoản đầu tư từ Hồng Kông, Đài Loan và Macau, nhưng sẽ được áp dụng và sẽ không thay đổi trạng thái pháp lý của các khoản đầu tư từ Hồng Kông, Macau và Đài Loan – cụ thể là chúng vẫn được xem là khoản đầu tư nước ngoài.
FiLi