10 năm nâng tầm hàng Việt

20/04/2019 14:20
20-04-2019 14:20:00+07:00

10 năm nâng tầm hàng Việt

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã tác động đến nhận thức và khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc của người dân trong mua sắm hàng tiêu dùng

Từ năm 2010, UBND TP HCM đã triển khai Chương trình hành động thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (viết tắt là Cuộc vận động) với 5 nhóm giải pháp: thông tin tuyên truyền vận động; kết nối doanh nghiệp (DN) với thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam; kiểm tra, kiểm soát và QLTT.

Bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp

10 năm qua, chương trình hành động thực hiện Cuộc vận động luôn gắn với các kế hoạch, nhiệm vụ và chương trình phát triển kinh tế TP, trong đó có chương trình bình ổn thị trường. 100% hàng hóa thuộc 4 nhóm: lương thực - thực phẩm, các mặt hàng phục vụ mùa khai trường, sữa và dược phẩm thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường đều được sản xuất trong nước. Từ đó đến nay, chương trình duy trì xuyên suốt trong năm; chủng loại, số lượng và chất lượng hàng hóa tăng qua từng năm; điểm bán hàng bình ổn thị trường phát triển mạnh; vốn cho chương trình được xã hội hóa. Nhờ "bà đỡ" là chương trình, nhiều DN mở rộng sản xuất, đầu tư trang thiết bị hiện đại, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm. DN tham gia chương trình trở thành một thương hiệu, là cơ sở để người dân tin dùng sản phẩm; hoạt động bình ổn thị trường không chỉ gói gọn trong phạm vi TP HCM mà đã lan tỏa ra nhiều địa phương khác.

Nhiều DN nhìn nhận Cuộc vận động là thời cơ vàng, điều kiện thuận lợi để họ nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh và từng bước xây dựng, vun đắp sự tin cậy ở người tiêu dùng. Kết quả là nhiều sản phẩm tham gia chương trình đạt danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao", phát triển vững chắc trong nhiều năm qua. Trong đó, nổi bật như Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã góp phần bình ổn mặt hàng sữa nội, không để các DN kinh doanh sữa ngoại thao túng thị trường như các năm trước. Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) bảo đảm nguồn thực phẩm sạch - an toàn, đủ sức phục vụ nhu cầu trong nước, từng bước khôi phục lại thị trường nước ngoài. Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op không ngừng phát triển hệ thống phân phối, nâng tổng số điểm bán hàng lên gần 700… Nhiều thương hiệu như bóng đèn Điện Quang, phích nước Rạng Đông, dây cáp điện Cadivi, pin ắc-quy Miền Nam, quạt Asia, nước giải khát Chương Dương, Vinacafé Biên Hòa, nhựa Bình Minh, nhựa Đại Đồng Tiến, may Việt Tiến, nước chấm Cholimex, dầu Tường An, bút bi Thiên Long, cao su Casumina... đã trở thành những sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, đánh giá Cuộc vận động đã thúc đẩy nâng cao nhận thức của DN về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường nội địa; chủ động vượt khó, chú trọng đầu tư cải tiến sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng dần uy tín thương hiệu.

Hàng Việt luôn chiếm hơn 90% trong hệ thống phân phối hiện đại. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tiếp tục chinh phục người tiêu dùng

Mới đây, làm việc với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, các DN bán lẻ lớn ở TP HCM như Saigon Co.op, SATRA, Central Group (thương hiệu Big C), MM Mega Market, LOTTE Mart... nhìn nhận tỉ lệ hàng Việt tại các hệ thống này đang chiếm hơn 90%. Trong một chừng mực nhất định, hàng Việt đang nuôi sống nhà bán lẻ; ngược lại, các DN bán lẻ cũng đã tích cực hỗ trợ phát triển hàng Việt thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, kết nối DN với thị trường tiêu thụ, hỗ trợ nâng cao năng lực DN và triển khai các chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam. Các nhà bán lẻ đã làm tốt vai trò tiên phong, dẫn dắt thị trường và định hướng sản xuất, đưa hàng Việt đến gần người tiêu dùng, đồng thời mở rộng xuất khẩu. Một số mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, đồ dùng gia đình... đã được các nhà bán lẻ xuất sang thị trường lân cận như Singapore, Thái Lan...

Là một trong những nhà phân phối đầu tiên tham gia quá trình sản xuất và bao tiêu những mặt hàng nông sản đạt chuẩn VietGAP cho các HTX nông nghiệp, công ty, hộ nông dân và cơ sở sản xuất các tỉnh - thành, tính đến nay, Saigon Co.op đã có hơn 450 hợp đồng thương mại nhằm tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, cho biết ngoài những hoạt động thường xuyên như kết nối, hỗ trợ các HTX, cơ sở sản xuất đưa hàng vào Co.opmart, quảng bá hàng Việt trên ứng dụng, mạng xã hội..., sắp tới Saigon Co.op sẽ có chính sách thanh toán ưu tiên cho nhà sản xuất trong nước, hỗ trợ chi phí trưng bày hàng hóa, tăng thời gian bán thử nghiệm, ưu tiên bao tiêu sản phẩm cho các HTX nông nghiệp đạt chuẩn, xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng cho mặt hàng rau củ quả.

Ngoài các hoạt động quảng bá trực tiếp cho khách hàng, hệ thống Big C còn tích cực hỗ trợ nhà sản xuất bằng việc thu mua sản phẩm của địa phương, chương trình sinh kế cộng đồng, hỗ trợ DN nhỏ và vừa đưa hàng vào siêu thị; tổ chức kết nối cung cầu với nhà sản xuất…

Thị trường TP HCM không ngừng chuyển động, nhu cầu tiêu dùng không ngừng thay đổi, nâng cao. Người tiêu dùng luôn sẵn sàng ủng hộ, tiêu dùng hàng Việt với điều kiện hàng trong nước phải bảo đảm chất lượng và cạnh tranh. Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (SATRA), nhận định qua khảo sát cho thấy người tiêu dùng đã ưu tiên chọn hàng Việt. Tuy vậy, hàng ngoại vẫn có bao bì, chất lượng "nhỉnh" hơn, giá đôi lúc rẻ hơn nên rất cạnh tranh. Một thực tế khác là người tiêu dùng vẫn còn có xu hướng chọn mua hàng giá rẻ, như mua gạo xá có giá thấp hơn hàng bình ổn thị trường hay chọn mua rau không an toàn thay vì nông sản VietGAP… Vì vậy, cần thêm thời gian để thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng như sự vươn lên của DN trong nước. 

Làm mới Cuộc vận động

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, đúc kết: Cuộc vận động đã gặt hái được nhiều thành công, tác động đến nhận thức và khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc của người dân trong lựa chọn, mua sắm hàng Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả mới dừng ở mức độ phong trào, vận động, kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ, mua sắm các nhóm hàng công nghệ phẩm mà chưa đi vào chiều sâu.

Với hơn 10 triệu dân và là đầu mối giao thương lớn của cả nước, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tại chỗ cũng như kinh doanh, xuất khẩu của TP HCM là rất lớn. Vì vậy, giai đoạn tới cần có cách làm mới nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của Cuộc vận động, chuyển từ vận động sang hướng nâng chất, đi vào chiều sâu, nâng cao trách nhiệm nhà sản xuất, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, tiến tới "hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam".

Cải thiện năng lực cạnh tranh

Theo ông Nguyễn Phúc Khoa, DN trong nước nói chung và DN TP HCM nói riêng đa số có quy mô vừa và nhỏ, vốn ít, trình độ công nghệ thấp, chưa có chiến lược sản xuất - kinh doanh bài bản từ khâu nghiên cứu phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu đến hậu mãi... nên còn hạn chế về năng lực cạnh tranh. SATRA đã làm việc rất nhiều với các tỉnh - thành để kết nối đưa hàng vào hệ thống phân phối của tổng công ty nhưng việc hợp tác còn nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là quy mô DN tại các địa phương rất nhỏ, chủng loại và số lượng hàng hóa không ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu thu mua. Không chỉ vậy, nhiều hộ nông dân, HTX nông nghiệp ngại làm hồ sơ công bố năng lực để bán hàng vào siêu thị, nhà bán lẻ phải giúp họ làm hồ sơ lẫn thiết kế bao bì, nhãn mác. Ngoài ra, DN, nông dân không mạnh về vốn trong khi điều kiện thanh toán của nhà bán lẻ ít nhất là 15 ngày sau khi giao hàng.

THANH NHÂN

Người Lao động





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Cấp 'tín chỉ xanh' đối với các nhà máy sử dụng năng lượng sạch

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch.

Còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết

Tính đến cuối tháng Ba, vẫn còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết, thậm chí 15 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%.

Vì sao ngành điện muốn áp giá hai thành phần?

Với cách tính hiện nay, hai khách hàng dùng cùng lượng điện, tiền trả như nhau, nhưng chi phí nhà đèn bỏ ra cho họ chưa được phản ánh chính xác, theo chuyên gia.

Thủ tướng đề nghị Apple mở rộng kinh doanh và xác định Việt Nam là một cứ điểm của Apple trên toàn cầu

Sáng 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple của Hoa Kỳ - công ty công nghệ lớn nhất thế giới và là nhà đầu tư nước ngoài lớn...

Điện mặt trời mái nhà dư thừa: Phát lên lưới giá 0 đồng, không được tính tiền

Điện mặt trời mái nhà chỉ được tự dùng, không được bán cho cá nhân, tổ chức khác. Nếu không dùng hết, phát lên lưới chỉ được ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng...

Chủ tịch Tập đoàn Thuận An bị bắt: DN vài tỷ vốn tăng gấp 200 lần, nổi lên nhờ cầu đường

Từ một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng, trong 10 năm trở lại đây Thuận An đã lớn nhanh như thổi, vốn điều lệ tăng gấp 200 lần lúc mới...

Nhiều tiệm vàng tại TP HCM bất ngờ đóng cửa

Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết sẽ tiếp tục đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn thành phố

Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng...

Ứng phó thế nào trước làn sóng thép ngoại tràn vào?

"Việc suy giảm thị phần nội địa của ngành sản xuất thép cuộn cán nóng trong nước là có. Việc mất 1/3 thị phần trong chưa đầy 1 năm là một trong những tín hiệu đáng...

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam bằng máy bay riêng

CEO Apple Tim Cook dự kiến có nhiều hoạt động trong 2 ngày 15 và 16-4 tại Việt Nam, trong đó sẽ gặp mặt một số nhà sáng tạo nội dung


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98