9 vụ IPO lớn nhất mọi thời đại
9 vụ IPO lớn nhất mọi thời đại
2019 có vẻ là một năm nhộn nhịp cho ngành công nghệ khi liên tục xuất hiện những vụ IPO “khủng”. Thứ Sáu vừa qua, nền tảng nhắn tin Slack đã nộp đơn xin phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng. Cùng ngày, Uber cũng đặt mục tiêu đạt khoảng 80 -90 tỷ USD trong lần ra mắt sắp tới. Trước đó, vào đầu tháng 4, Lyft, Pinterest và Zoom đều đã tiến hành IPO, còn AirBnB và Palantir thì dự kiến sẽ ra mắt sau trong năm nay.
Theo Renaissance Capital, 2019 có thể là một năm phá kỷ lục đối với IPO nói chung, thậm chí có khả năng vượt qua những năm bùng nổ dot-com. “Chúng tôi nghĩ rằng năm 2019 có thể là một năm kỷ lục về số vốn huy động được trên thị trường IPO, với lượng cổ phiếu phát hành trị giá hơn 100 tỷ USD, vượt cả số tiền huy động được vào năm 1999 và 2000”, Kathleen Smith, người đứng đầu Renaissance, cho biết.
Tuy nhiên, điều thú vị là chỉ có một trong những vụ IPO của năm nay giành được một vị trí trong top 9 IPO lớn nhất mọi thời đại của Mỹ!
Alibaba, 25 tỷ USD
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này bất ngờ xuất hiện trên thị trường IPO của Mỹ vào năm 2014. Cổ phiếu của họ đã tăng 190% kể từ khi IPO với mức định giá 484 tỷ USD. Tuy nhiên, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc hiện khiến một số nhà đầu tư lo lắng.
Visa, 19.7 tỷ USD
Dù diễn ra chỉ vài ngày sau khi ngân hàng Bear Stearns sụp đổ, nhưng sự kiện Visa tiến hành IPO vẫn khiến nhà đầu tư tỏ ra phấn khích. Công ty thẻ tín dụng này đã lập kỷ lục vào tháng 03/2008 khi huy động được 19.7 tỷ USD. Đến nay, Visa vẫn tiếp tục là một cổ phiếu thắng lợi cho các nhà đầu tư, khi mang lại lợi nhuận đến 1,363% kể từ khi ra mắt.
General Motors, 18.1 tỷ USD
Cái tên đứng sau một trong những vụ phá sản lớn nhất của Mỹ cũng gắn liền với một trong những vụ IPO lớn nhất nước này. General Motors đã đệ đơn xin huy động 18 tỷ USD khoảng một năm sau khi Chính phủ Mỹ đồng ý bảo lãnh cho họ khi họ bị phá sản theo Chương 11. Cổ phiếu này đã tăng 18% kể từ khi IPO.
Enel SpA, 17.4 tỷ USD
Là một công ty điện lực của Ý, Enel đã lần đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng vào tháng 09/1999 như một phần của chương trình tư nhân hóa do Chính phủ nước này thực hiện. Vụ IPO này được đưa ra sau khi CEO của công ty khi đó là Franco Tato mạnh tay cắt giảm chi phí. Dù vậy, cổ phiếu của công ty này không còn được giao dịch ở Mỹ do khối lượng giao dịch thấp.
Facebook, 16 tỷ USD
Vụ IPO diễn ra vào tháng 05/2012 này gắn liền với những rắc rối ngay ngày giao dịch đầu tiên. Kể từ đó, công ty này tiếp tục có thêm lượng người dùng và làm “sửng sốt” Phố Wall bằng các báo cáo thu nhập ngay cả khi phải vật lộn với các vấn đề về PR và quyền riêng tư. Cổ phiếu này đã tăng 408.6% kể từ đó, với mức vốn hóa thị trường hiện tại là 547 tỷ USD.
Deutsche Telekom, 13.1 tỷ USD
Một vụ IPO cực kỳ lớn của châu Âu: Gã khổng lồ Telekom của Đức đã được tư nhân hóa, và sau đó được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán ở Frankfurt, Tokyo và Mỹ vào năm 1996. Vào thời điểm đó, kế hoạch của họ là sử dụng nguồn tiền thu được để mở rộng trên các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, công ty này hiện không còn giao dịch trên các sàn giao dịch lớn của Mỹ.
AT&T, 10.6 tỷ USD
Vụ IPO diễn ra vào năm 2000 này đã giúp tạo ra công ty con chuyên về mảng không dây của AT&T, dù cuối cùng nó trở lại thành một phần của AT&T chỉ vài năm sau đó. Tính đến thời điểm đó, đó là vụ IPO lớn nhất của Mỹ.
Uber, 9 tỷ USD
Người khổng lồ trong lĩnh vực gọi xe này kỳ vọng sẽ đạt được khoảng từ 44 - 50 USD/cổ phiếu trong lần IPO rất được mong đợi, nghĩa là họ sẽ huy động được khoảng 9 tỷ USD. Trước đây, có tin đồn Uber đang tìm kiếm mức định giá 120 tỷ USD nhưng với tầm giá hiện tại, họ sẽ có mức định giá như American Express (96 tỷ USD), Starbucks (95 tỷ USD), Costco (108 tỷ USD) hay Nvidia (114 tỷ USD). Tuy nhiên, câu hỏi khiến mọi người quan tâm vẫn là: Uber sẽ tăng trưởng lợi nhuận khi nào và bằng cách nào?
Kraft Foods 8.6 tỷ USD
Ít ai nhớ rằng nhà sản xuất Oreos và Oscar Mayer weiners từng thuộc sở hữu của một công ty thuốc lá. Tính ra đã là một thập niên rưỡi kể từ khi Phillip Morris (giờ đây là Altria) tiến hành IPO cho Kraft Foods, thương vụ IPO lớn thứ hai của quốc gia này. Sau đó, Kraft Foods được bắt đầu giao dịch trên Nasdaq với mã giao dịch là “KFT” vào năm 2001. Công ty này được định giá khoảng 53.8 tỷ USD vào thời điểm đó, mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận 146.6% kể từ khi IPO gần hai thập kỷ trước đó. Mức tăng trưởng cổ phiếu tương đối yếu của công ty này (khi so sánh với S&P 500) có thể một phần là do cơ cấu người tiêu dùng bị thay đổi.
FILI