Bộ Công Thương muốn thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, tăng thêm nhiều biên chế
Bộ Công Thương muốn thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, tăng thêm nhiều biên chế
Khi thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, tổng biên chế, nhân sự dự kiến của các đơn vị khoảng 130 biên chế công chức và 25 biên chế viên chức
Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo Nghị định quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia để lấy ý kiến các bên liên quan. Theo đó, bộ này muốn thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (gọi tắt là Ủy ban) trên cơ sở hợp nhất Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng với Hội đồng Cạnh tranh.
Theo dự thảo, Bộ Công Thương dự kiến bộ máy giúp việc cho Ủy ban gồm 8 đơn vị: Cục Điều tra và Giám sát cạnh tranh (dự kiến 25-30 biên chế); Cục Bảo vệ người tiêu dùng (dự kiến 25-30 biên chế); Vụ Thư ký xử lý vụ việc cạnh tranh: 10-15 biên chế; Vụ Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp: 10-15 biên chế; Vụ Hợp tác quốc tế: 10-15 biên chế; Vụ Thanh tra pháp chế: 10-15 biên chế; Văn phòng Ủy ban Cạnh tranh quốc gia và bảo vệ người tiêu dùng: 10-15 biên chế; Văn phòng Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tại TP HCM: 8-10 biên chế. Ngoài ra còn có 1 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Thông tin tư vấn và đào tạo: 20-25 biên chế.
Bộ Công Thương muốn thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.
|
Theo Bộ Công Thương, tổng biên chế được giao hiện nay của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng là 50 biên chế công chức và Văn phòng Hội đồng cạnh tranh 8 biên chế (tổng biên chế sau khi hợp nhất 2 đơn vị là 58 công chức); viên chức là 10 biên chế.
Trong giai đoạn 2020-2025, tổng biên chế, nhân sự dự kiến của các đơn vị của Ủy ban có trung bình 130 biên chế công chức và 25 biên chế viên chức (tăng trung bình khoảng 70-80 biên chế công chức; 15 biên chế viên chức).
Số lượng biên chế, nhân sự còn thiếu, thực hiện rà soát, sắp xếp, điều chuyển từ các đơn vị của Bộ Công Thương hoặc các bộ, ngành khác nhằm bảo đảm các nguyên tắc: Không tăng biên chế trong tổng số biên chế của bộ và biên chế hành chính nhà nước nói chung; việc bổ sung sẽ triển khai theo lộ trình 5 năm.
Dự thảo cũng nêu rõ, Chủ tịch Ủy ban do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Chủ tịch ủy ban là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và trước pháp luật về tổ chức hoạt động của ủy ban.
Phó Chủ tịch ủy ban có trách nhiệm giúp chủ tịch thực hiện nhiệm vụ theo phân công của chủ tịch.
Ủy ban có tối đa 15 thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, bao gồm ủy viên thường trực là chủ tịch và các phó chủ tịch cùng các ủy viên không thường trực khác.
Về nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, dự thảo nghị định nêu rõ gồm: Xây dựng và trình bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc để bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; phát hiện và kiến nghị cơ quan có liên quan giải quyết theo thẩm quyền về những văn bản đã ban hành có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Về cạnh tranh, nhiệm vụ và quyền hạn là: Thụ lý, tổ chức điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật; thụ lý, tổ chức điều tra và xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật; kiểm soát tập trung kinh tế; xây dựng, quản lý hệ thống thông tin về các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, các doanh nghiệp độc quyền… Về bảo vệ người tiêu dùng: Thanh tra chuyên ngành, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động quản lý cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kinh doanh theo phương thức đa cấp; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia đàm phán các nội dung về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các điều ước quốc tế về thương mại theo phân công của bộ trưởng Bộ Công Thương… |
Tin - ảnh: Minh Chiến