Bóng ma khủng hoảng thấp thoáng xuất hiện ở NHTW châu Âu
Bóng ma khủng hoảng thấp thoáng xuất hiện ở NHTW châu Âu
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ mới phục hồi từ cuộc suy thoái kép (double-dip recession) trong thời gian gần đây, vậy mà giờ đây khu vực này đang đối mặt với câu hỏi: Họ đã chuẩn bị những gì để đối phó với cuộc khủng hoảng mới.
Mọi ánh mắt đổ dồn vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) – vốn được xem là tuyến phòng thủ vững chắc nhất trước khả năng giảm tốc kinh tế. Mặc dù những người bi quan lo ngại rằng ECB chỉ còn lại một vài công cụ để thúc đẩy tăng trưởng (vì lãi suất của họ đã chạm tới mức âm), nhưng có lẽ nỗi lo này đã hơi quá trớn. Một rủi ro còn nguy hiểm hơn thế là: Ai sẽ thay thế ông Mario Draghi lên ghế Chủ tịch ECB trong năm nay. Liệu tân lãnh đạo ECB có sẵn lòng sử dụng mọi công cụ có sẵn để giúp Liên minh tiền tệ thoát khỏi khủng hoảng (như ông Mario Draghi đã từng làm)? Mọi thứ vẫn còn chưa mấy rõ ràng.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi
|
ECB đang tụt lại phía sau khá nhiều so với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi xét về phương diện bình thường hóa chính sách tiền tệ. Fed đã 9 lần nâng lãi suất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, nâng phạm vi lãi suất mục tiêu từ 0-0.25% lên 2.25-2.5%. Ngoài ra, Fed cũng bắt đầu bán một số tài sản mà họ mua vào theo các gói “nới lỏng định lượng”, trong một quá trình được biết tới là “thắt chặt định lượng”.
Ở chiều ngược lại, ECB chỉ mới chấm dứt chương trình mua tài sản ròng vào cuối năm 2018, sau Fed khoảng 4 năm. Lãi suất vẫn đang ở mức cực thấp: Lãi suất tái tài trợ chính đang mắc kẹt ở mức 0 và lãi suất tiền gửi là âm 0.4% (có nghĩa các tổ chức cho vay phải trả tiền để được gửi phần dự trữ dư ra với ECB). Trong tháng 3/2019, ông Draghi nói với các nhà đầu tư rằng họ không nên hy vọng ECB sẽ thực hiện bất kỳ đợt nâng lãi suất nào cho tới đầu năm 2020 (sớm nhất), trong một nỗ lực thúc đẩy hoạt động cho vay và giúp đỡ Eurozone thông qua các biện pháp hỗ trợ nhẹ nhàng. Ông cũng thông báo về vòng cung cấp các khoản vay giá rẻ cho các ngân hàng.
Những điều trên không có nghĩa là ECB không còn gì để đối phó với suy thoái. Đầu tiên, họ có thể tái kích hoạt chương trình mua tài sản ròng để đẩy lợi suất trái phiếu đi xuống. Điều này sẽ dành ra một khoảng trống để các Chính phủ hành động – có khả năng là chi tiêu nhiều hơn và hạ lãi suất cho vay (giúp đỡ các công ty và người tiêu dùng). ECB cũng có thể cân nhắc giảm lãi suất tiền gửi ngay cả khi lãi suất này đã trong phạm vi âm. Điều này sẽ khuyến khích các ngân hàng cho vay tiền thay vì trữ tiền ở Ngân hàng Trung ương và làm giảm giá đồng Euro, qua đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Các nhà hoạch định chính sách đang kiểm định xem liệu lãi suất âm trong dài hạn có thể gây tổn thương cho các ngân hàng thay vì tạo lợi ích hay không. Ngay cả khi đúng là như thế, chúng vẫn có thể giảm thiểu được tác động từ khủng hoảng. Chẳng hạn, họ có thể tạo ra một hệ thống theo cấp bậc, theo đó các ngân hàng sẽ không phải trả phí khi gửi phần dự trữ vượt trội cho ECB cho đến khi họ chạm đến một ngưỡng nhất định.
Dĩ nhiên, các biện pháp này có thể tác động yếu hơn so với trước đây. Thế nhưng, một mối đe dọa lớn hơn là lỡ như ECB không sẵn lòng triển khai toàn bộ công cụ bất thường thì sao. Khu vực Eurozone sẽ rơi vào thế rối loạn về chính sách tiền tệ. Chưa hết, chính sách tài khóa mỗi nước lại mỗi khác. Đó quả là một bi kịch thật sự.
Không may là rủi ro đã được thể hiện quá rõ ràng. Danh sách những ứng viên thay thế cho ông Draghi bao gồm một số nhà lãnh đạo NHTW – những người đã phản đối một số biện pháp không chính thống (unorthodox measures). Chẳng hạn, Jens Weidmann, Chủ tịch của Ngân hàng Trung ương Đức, từ lâu đã hoài nghi về tính hữu dụng của chương trình mua trái phiếu.
Tuy vậy, ông Weidmann không phản đối các biện pháp bất thường khác, bao gồm lãi suất âm. Có khả năng là ông ấy có thể trở nên ít diều hâu hơn nếu được chọn làm Chủ tịch ECB. Hoặc các nhà lãnh đạo Eurozone có thể chọn một ứng viên khác – những người nghiêng về hướng bảo tồn bộ công cụ của ông Draghi. Những ứng viên có thể bao gồm Benoit Coeure, thành viên của ban điều hành ECB, hoặc Benoit Coeure, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp. Olli Rehn, Thống đốc đương nhiệm của Ngân hàng Trung ương Phần Lan (BoF) và Erkki Liikanen, cựu Thống đốc của BoF, là những phương án lựa chọn khác.
Như ông Draghi đã mô tả, tính hiệu quả của ECB trong các đợt suy thoái phụ thuộc nhiều hơn vào khả năng lèo lái chứ không phải là các công cụ tài chính. Khi các nhà lãnh đạo Eurozone nghiền ngẫm về người thay thế ông Draghi, họ phải đảm bảo ECB có khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hợp lý.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Ferdinando Giugliano trên Bloomberg
FiLi