Chợ mạng cạnh tranh phí thanh toán
Chợ mạng cạnh tranh phí thanh toán
Khi nền tảng dịch vụ đã hoàn chỉnh và lượng người sử dụng đủ lớn, các sàn thương mại điện tử tính đến ngừng miễn phí thanh toán để bớt lỗ
Shopee vừa thông báo chính thức ngừng miễn phí, thu phí thanh toán từ 1%-2%/đơn hàng thì ngay lập tức, Tiki công bố áp dụng chính sách miễn phí thanh toán dành cho nhà bán hàng nhưng chỉ trong 2 năm, kể từ ngày 4-5-2019.
Miễn phí để hút khách
Cách đây ít ngày, Sendo tranh thủ công bố chiến lược duy trì chính sách miễn phí thanh toán cho các nhà bán hàng với mọi phương thức thu hộ tiền mặt, thanh toán qua thẻ và ví điện tử, thay vì thu phí 1%-2% như một số sàn khác. Diễn biến trên cho thấy các nhà đầu tư chủ động xác định chiến lược định vị tên tuổi và lôi kéo khách hàng.
Tiki công bố miễn phí thanh toán cho nhà bán hàng trong 2 năm
Giải thích cho thông báo được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt sàn thương mại điện tử (TMĐT) bắt đầu thu phí người bán hàng, ông Lê Anh Huy, Phó Tổng Giám đốc Sendo, cho rằng sức ép cạnh tranh ngày càng tăng của ngành TMĐT là một trong những lý do khiến Sendo phải liên tục đưa ra các chính sách ưu đãi cho cả người bán lẫn người mua. "Miễn phí thanh toán đồng nghĩa với việc Sendo sẽ hỗ trợ thêm 10.000-20.000 đồng cho mỗi đơn hàng 1 triệu đồng. Ngoài ra, Sendo còn áp dụng các chương trình hỗ trợ người bán khuyến mãi, kích cầu nhằm đẩy mạnh doanh số bán hàng cũng như kết hợp các chương trình marketing thích hợp" - ông Lê Anh Huy nói.
Dù TMĐT bùng nổ tại thị trường Việt Nam đã 2 năm nhưng doanh số bán hàng qua hình thức này vẫn chưa lớn như kỳ vọng. Do vậy, việc miễn thu phí thanh toán trên sàn được nhà bán hàng đánh giá cao trong việc tạo giá tốt để lôi kéo, khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang mua sắm online.
Chị Hoàng Anh, chủ một gian hàng trên sàn TMĐT Tiki.vn, nhận xét mức miễn 1%-2% phí thanh toán đối với nhà bán hàng trên sàn là không quá nhiều. Tuy nhiên, với lượng giao dịch như chị, nhà bán hàng có thể tiết kiệm được vài chục triệu đồng mỗi năm. Số tiền này có thể dành để chia sẻ với người mua hàng, giúp gian hàng có giá tốt hơn, tạo hứng thú mua hàng trực tuyến cho người tiêu dùng. Trong khi đó, miễn phí thanh toán có thể không khiến sàn TMĐT bị thiệt hại quá lớn bởi họ sẽ thu hút được nhiều nhà bán hàng đăng ký tài khoản cao cấp, tài khoản thường xuyên và tăng nguồn thu từ đó.
Khó duy trì ưu đãi
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành nhận định cuộc đua miễn, giảm phí cho nhà bán hàng khi hoạt động trên sàn TMĐT sẽ không thể duy trì lâu. Shopee khi quyết định thu phí từ ngày 1-4 cũng đã xác định đây là thời điểm thích hợp. "Mặc dù việc tính phí thanh toán và phí cố định là tiêu chuẩn của ngành TMĐT nhưng Shopee chỉ bắt đầu áp dụng khi nền tảng và dịch vụ của sàn này đã hoàn thiện, người dùng đã sẵn sàng. Việc áp dụng các khoản phí đánh dấu bước tăng trưởng của Shopee, thay đổi từ việc phát triển nền tảng theo chiều rộng sang đầu tư vào chất lượng" - đại diện Shopee giải thích.
Chuyên gia Lưu Thanh Phương, người từng sở hữu một sàn TMĐT tại Việt Nam, đánh giá: "Các doanh nghiệp lớn trong mảng TMĐT Việt Nam đều đang chịu lỗ lũy kế từ vài trăm tỉ đến hàng ngàn tỉ đồng. Nguyên nhân bởi các sàn TMĐT sẵn sàng đốt tiền để câu kéo người sử dụng thông qua hàng loạt khuyến mãi, giảm giá, miễn phí…, bù vào đó, họ sẽ tạo dựng được hệ thống người dùng ổn định. Tất nhiên, đến một lúc nào đó, khi doanh nghiệp không chịu lỗ được nữa hoặc khi đã hoàn thiện hệ thống dịch vụ, họ sẽ thu phí, thậm chí mức thu còn cao hơn hiện nay".
Ông Lưu Thanh Phương khuyên nhà bán hàng và người tiêu dùng nên chuẩn bị tâm lý trong trường hợp các sàn TMĐT chấm dứt miễn phí, bởi điều này chắc chắn sẽ diễn ra. "Việc tận dụng lợi thế trên sàn bán lẻ trực tuyến tất nhiên mang lại hiệu quả tốt, song việc chủ sàn thu phí là hợp lý và không tránh khỏi bởi đây là tiêu chuẩn của ngành TMĐT. Ngoài ra, các nhà bán lẻ trực tuyến còn phải dành nguồn lực để đầu tư cho chiến lược lâu dài của họ" - ông Phương dự báo.
Ông Trương Võ Tuấn, sáng lập viên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mua bán nhanh (chủ sàn Muabannhanh.com), nhắc lại bài học của một sàn TMĐT Việt từng rất mạnh nhưng ngay sau khi chuyển sang thu phí với người bán hàng thì sàn này "xuống" luôn, giờ chỉ hoạt động cầm chừng và thường xuyên lỗ.
"Đây chính là bài học cho các sàn TMĐT, dù lớn đến đâu. Thói quen của người tiêu dùng khi đã định hình thì rất khó thay đổi, nếu đã quen không thu phí thì không dễ buộc họ chịu trả phí. Chưa kể, nếu thu phí nhiều, các nhà bán hàng quy mô nhỏ khó theo được. Ngay như nhà bán lẻ lớn của thế giới là Amazon cũng không thu phí tất cả tài khoản mà bù đắp bằng nguồn thu phí từ các tài khoản cao cấp đăng ký bán hàng trên sàn này" - ông Tuấn phân tích.
Theo ông Tuấn, TMĐT là cuộc chơi dài hơi. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc chiến lược hợp lý với tiềm lực của mình để được thị trường chấp nhận. "Grab từng chiếm thế độc quyền khi Uber rời khỏi Việt Nam. Khi đó, ứng dụng gọi xe này có động thái tăng giá mạnh thì Go-viet xuất hiện khiến Grab lại phải giảm cước để cạnh tranh. Doanh nghiệp TMĐT cũng phải "chiến đấu" lâu dài như vậy" - ông Tuấn nói.
Bài và ảnh: Phương Nhung