Chứng khoán châu Á trồi sụt liên tục
Chứng khoán châu Á trồi sụt liên tục
Chứng khoán châu Á trồi sụt liên tục trong buổi sáng ngày thứ Ba (09/04) khi nhà đầu tư xem xét các diễn biến mới ở Libya – một nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới.
Tính tới lúc 11h ngày thứ Ba (09/04 – giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Trung Quốc đang tăng nhẹ, chỉ số Shanghai Composite cộng 4.39 điểm (tương đương 0.14%), Shenzhen Component tiến 0.17% và Shenzhen Composite tăng nhẹ.
Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến 89.52 điểm (tương đương 0.3%).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 11h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 trồi sụt qua lại ngưỡng tham chiếu, quay đầu tăng 0.04% mặc dù cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung Softbank giảm 0.5%. Chỉ số Topix cũng hạ 0.12%.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi lùi 0.06% khi cổ phiếu Samsung Electronics giảm hơn 0.3%.
Chỉ số ASX 200 của Australia tăng nhẹ 0.11% khi các lĩnh vực rơi vào trạng thái trái chiều.
Cổ phiếu Crown Resorts ở Australia tăng hơn 21% sau thông tin nhà điều hành casino này đang đàm phán với Wynn Resorts (có trụ sở ở Las Vegas) về một thỏa thuận thâu tóm tiềm năng trị giá 7.1 tỷ USD.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) giảm nhẹ xuống 540.88 điểm.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Hai (08/04) khi Phố Wall tiếp nhận đà tăng mạnh từ tuần trước và hướng về mùa báo cáo lợi nhuận chuẩn bị bắt đầu.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones rớt 84 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 nhích 0.1% lên 2,895.75 điểm, có nguy cơ chấm dứt mạch 7 phiên tăng liền, khi lĩnh vực công nghiệp giảm 0.4%. Chỉ số Nasdaq Composite tiến 0.2% vào ngày thứ Hai.
Cổ phiếu Boeing và General Electric (GE) dẫn đầu đà sụt giảm. Theo đó, cổ phiếu Boeing sụt hơn 4% sau khi Bank of America Merrill Lynch hạ bậc xếp hạng đối với gã khổng lồ ngành hàng không vũ trụ từ “mua” xuống “trung lập”. Ngân hàng này cũng dự báo việc sản xuất máy bay 737 Max sẽ bị trì hoãn từ 6 đến 9 tháng.
Chứng khoán Mỹ suy yếu vào ngày thứ Hai (08/04) sau khi 3 chỉ số chứng khoán chính tăng 2 tuần liên tiếp. Tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung và báo cáo việc làm tháng 3 tích cực đã thúc đẩy Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite cho đến cuối phiên ngày thứ Sáu tuần trước (05/04).
Thị trường tiền tệ
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 97.035 sau khi giảm từ mức trên 97.2 trong ngày hôm qua.
Đồng JPY – vốn được xem là đồng tiền trú ẩn an toàn – được giao dịch ở mức 111.3 đổi 1 USD sau khi chạm mức 111.57 đổi 1 USD trước đó, còn đồng AUD được “sang tay” ở mức 0.7121 USD sau khi tăng trở lại từ mức dưới 0.711 USD trong ngày hôm qua.
Giá dầu tăng vọt giữa lúc Libya bất ổn
Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục tăng mạnh lên đỉnh 5 tháng mới vào ngày thứ Hai (08/04), trong đó dầu WTI khép phiên trên mốc 64 USD/thùng lần đầu tiên kể từ cuối tháng 10/2018, khi xung đột tại Libya làm tăng kỳ vọng nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn.
Các dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại đang dịu bớt giữa Mỹ và Trung Quốc cũng cung cấp hỗ trợ cho giá dầu.
Trong giờ giao dịch châu Á ngày thứ Ba (09/04), giá dầu dường như mất đà, giá dầu Brent giảm 0.14% xuống 71 Usd/thùng và giá dầu WTI giảm nhẹ xuống 64.38 USD/thùng.
“Trong khi động thái ở Tripoli không đe dọa trực tiếp đến xuất khẩu dầu và nguồn cung, thì mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt khiến rủi ro gia tăng đáng kể, đặc biệt khi thị trường phải đối mặt với các điều kiện thắt chặt nguồn cung trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đối với Venezuela và Iran”, Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa toàn cầu tại Schneider Electric, nhận định.
Tình hình này kết hợp với việc cắt giảm sản lượng đang diễn ra từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên Venezuela và Iran, tạo ra “sự cô đơn đối với những người tìm kiếm giá dầu thấp hơn, đặc biệt là Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn hiện đang đối mặt với chi phí xăng cao nhất ở Mỹ kể từ năm 2014”, Ole Hansen, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, cho hay. Ông Hansen cũng cho biết rằng một cuộc thăm dò của Bloomberg cho thấy sản lượng dầu thô của Libya đạt 1.1 triệu thùng/ngày hồi tháng trước.
FiLi