Cuộc chiến thương mại của ông Trump: Sau Trung Quốc sẽ là Nhật Bản?
Cuộc chiến thương mại của ông Trump: Sau Trung Quốc sẽ là Nhật Bản?
Cuối cùng cũng đã đến lúc Nhật Bản phải bước lên võ đài cho một cuộc chiến mà nước này cố gắng tránh trong hai năm qua...
Cuối cùng cũng đã đến lúc Nhật Bản phải bước lên võ đài cho một cuộc chiến mà nước này cố gắng tránh trong hai năm qua: đàm phán thương mại song phương với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo hãng tin Bloomberg, Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - có nhiều thứ để mất trong cuộc đàm phán dự kiến bắt đầu vào tuần tới ở Washington, đúng vào thời điểm cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung có vẻ như đang đi đến hồi kết.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Bloomberg.
|
Toan tính mỗi bên
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang cố hết sức để tránh việc ông Trump áp thuế quan hoặc hạn ngạch lên xuất khẩu xe hơi Nhật, trong khi ông Trump muốn mở cánh cửa Nhật cho hàng nông sản Mỹ và giảm bớt thâm hụt thương mại Mỹ-Nhật từ mức 60 tỷ USD mỗi năm hiện nay.
Kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, ông Abe đã có nhiều cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhà lãnh đạo Mỹ, nhằm duy trì quan hệ chiến lược giữa Tokyo với Washington - mối quan hệ giúp bảo vệ nước Nhật trước những mối nguy tiềm tàng từ Triều Tiên và Trung Quốc.
Nhưng điều này không có nghĩa là Nhật Bản sẽ nhượng bộ Mỹ về thương mại: Chính phủ của ông Abe đã hạ quyết tâm không trao cho Mỹ một thỏa thuận thương mại song phương tốt hơn những thỏa thuận đa phương mà Tokyo đã ký với châu Âu và các nước ở vành đai Thái Bình Dương, theo Bloomberg.
"Chính Mỹ đòi đàm phán song phương", ông Ichiro Fujisaki, cựu đại sứ Nhật tại Mỹ và hiện là Chủ tịch Viện nghiên cứu Hòa bình Nakasone, phát biểu. "Bởi vậy, Mỹ phải nói với chúng tôi họ muốn điều gì, thay vì chúng tôi phải đưa ra các đề xuất khác nhau trước khi họ có đề nghị".
Cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Nhật làm gia tăng mối lo đối với các nhà đầu tư khi ông Trump chuyển trọng tâm từ Trung Quốc sang các đối tác thương mại khác của Mỹ. Ông Trump - người sẽ phải đối mặt với những câu hỏi về thành công mà ông đạt được trong việc cân bằng cán cân thương mại của Mỹ trong chiến dịch tái tranh cử vào năm tới - đã phát tín hiệu sẵn sàng tiếp tục những lời đe dọa về thuế quan bất chấp mối lo suy giảm tăng trưởng kinh tế ngày càng lớn.
Chỉ sau khi ông Trump áp thuế quan trừng phạt lên thép và nhôm nhập khẩu và tiếp đó đe dọa áp thuế quan lên tới 25% đối với tất cả xe hơi nhập khẩu vào Mỹ, thì ông Abe mới chấp nhận đàm phán thương mại với Mỹ. Đến tháng 5, ông Trump sẽ phải ra quyết định có áp thuế lên xe hơi nhập khẩu hay không.
"Nhật Bản sẽ đàm phán", ông Trump nói với các nhà báo hồi tháng 3. "Họ đã không muốn đàm phán trong suốt nhiều năm, nhưng giờ họ sẽ đàm phán. Đó là nhờ thuế quan".
Nhật Bản sẽ không vội
Nhưng dù sao, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng đã có thể theo dõi các cuộc đấu thương mại đã diễn ra giữa chính quyền ông Trump với Hàn Quốc, Canada, Mexico và Trung Quốc để rút ra một vài kinh nghiệm trước khi ngồi vào bàn đàm phán với Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer vào tuần tới. Trong mỗi cuộc đấu, Mỹ đều áp dụng lập trường cứng rắn đe dọa làm đảo lộn mối quan hệ kinh tế đã có với đối phương, nhưng rốt cục chỉ khiến đối phương có những thay đổi nho nhỏ.
Về phần mình, ông Abe cũng đã củng cố lập trường của Nhật Bản bằng cách ký kết thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Những thỏa thuận này đặt nông dân Mỹ, bao gồm các nhà sản xuất thịt bò và thịt lợn, trước nguy cơ để mất thị phần 22% mà họ hiện nắm trên thị trường thực phẩm nhập khẩu của Nhật Bản vào tay đối thủ đến từ các quốc gia khác khi hàng hóa từ các nước này được Nhật hạ thuế quan.
"Đối với Nhật Bản, Chính phủ nước này không có lý do gì để vội vã hoàn tất cuộc đàm phán với Mỹ", giáo sư Junji Nakagawa thuộc Đại học Chuogakin nhận xét. "Sự thôi thúc hoàn tất nhanh cuộc đàm phán đến từ phía Mỹ, nhất là từ các nhà vận động hành lang về hàng nông sản".
Mỹ liệu có cứng rắn với Nhật?
Phạm vi của cuộc đàm phán sẽ là một vấn đề then chốt. Nếu Mỹ chấp nhận sự tương đồng như châu Âu và các nước CPTPP về vấn đề nông nghiệp, như hai bên đã gợi ý trong một tuyên bố chung vào ngày 26/9 năm ngoái, thì ông Abe có thể nhanh chóng kết thúc đàm phán.
Theo dự kiến, ông Trump sẽ có chuyến thăm chính thức Nhật Bản vào tháng tới, hội kiến tân Hoàng đế của Nhật Bản, người hiện là thái tử Naruhito, và Tokyo chắc chắn không muốn mâu thuẫn thương mại giữa hai nước phủ bóng lên một sự kiện như vậy.
Vấn đề nằm ở chỗ, tuyên bố chung ngày 26/9 cũng kêu gọi giảm thặng dư thương mại Nhật-Mỹ, và đối xử tương tự châu Âu và các nước CPTPP mà Nhật Bản dự kiến dành cho Mỹ có thể sẽ là chưa đủ đối với ông Trump. Trong khi đó, ông Abe có thể sẽ không chấp nhận nhượng bộ lớn hơn, nhất là khi Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của ông đang đứng trước cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7.
Ngoài ra, Nhật Bản - quốc gia vẫn hy vọng Mỹ trở lại CPTPP - có thể sẽ đòi Mỹ trao cho quyền tiếp cận thị trường tương tự như trong thỏa thuận TPP đã đàm phán trước đây với Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ xóa thuế quan đối với phụ tùng ôtô Nhật, mặt hàng chiếm 6% xuất khẩu của Mỹ sang Nhật.
Ông Wendy Cutler, người dẫn đầu nỗ lực đàm phán giai đoạn cuối của chính quyền Tổng thống Barack Obama với Nhật Bản về TPP, nói rằng hiện chưa rõ liệu ông Trump có áp dụng với Nhật Bản cùng một cách tiếp cận cứng rắn như ông đang phát tín hiệu với EU. Tuần này, ông Trup đã gọi EU là một "đối tác thương mại hung ác".
"Đó là một câu hỏi quan trọng", ông Cutler nói. "Nhưng cũng có những động lực khác nhau có thể khiến chính quyền Mỹ nhận ra rằng chiến thuật mà họ đã áp dụng với các quốc gia khác có thể không mang lại lợi ích cho họ trong lần này".
An Huy