Đến bao giờ các con số trước và sau kiểm toán mới tiệm cận với nhau?
Đến bao giờ các con số trước và sau kiểm toán mới tiệm cận với nhau?
Báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán là được xem như là kết quả chốt hạ của doanh nghiệp sau một mùa vụ gặt hái. Trước đó, các doanh nghiệp buộc phải có BCTC tự lập để trình diện. Thế nhưng thật đáng buồn khi vẫn có chênh lệch đáng kể giữa 2 loại BCTC trước và sau kiểm toán.
Điều gì khiến cho BCTC trước kiểm toán và sau kiểm toán có sự chênh lệch? Phần lớn là do các công ty phải điều chỉnh lại việc ghi nhận doanh thu trong năm đồng thời điều chỉnh giá vốn hàng bán hoặc bất cứ loại chi phí nào đó.
Theo thống kê của Vietstock, tính đến ngày 02/04 có 451 doanh nghiệp niêm yết trong số 733 doanh nghiệp niêm yết đã công bố BCTC kiểm toán ghi nhận sự chênh lệch BCTC tự lập và sau kiểm toán.
Tăng lãi gấp 7 lần sau kiểm toán
CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: ABI) lại ghi nhận tăng thêm gần 76 tỷ đồng sau kiểm toán nâng mức lãi ròng cả năm 2018 thực hiện được là gần 172 tỷ đồng. Theo như giải trình từ phía ABI thì sau kiểm toán lại, doanh thu được ghi nhận tăng lên hơn 178 tỷ đồng, tương ứng tăng đến 14% bên cạnh đó thì một số chi phí đã được Công ty cắt giảm trong năm, kết hợp những yếu tố đó làm cho lợi nhuận tăng đáng kể.
Với trường hợp của CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) thì lãi ròng tăng đến 37% lên con số 251 tỷ đồng từ mức 183 tỷ đồng mà Công ty đã lập trước đây.
Giải trình cho vấn đề này, BRS cho hay sự thay đổi tăng này là do thay đổi các khoản trích lập dự phòng. Cụ thể là trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho giảm 56 tỷ đồng do giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho (dầu thô, sản phẩm) tại thời điểm lập BCTC sau kiểm toán cao hơn so với thời điểm lập BCTC trước kiểm toán, và trích lập dự phòng giảm giá dài hạn giảm 16 tỷ đồng do lỗ trong 6 tháng cuối năm của CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF – Công ty con của BSR) thấp hơn số trước kiểm toán.
Tiếp đến là một ‘đại gia phố núi’ CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) có lãi ròng tăng gấp đôi so với báo cáo tự lập nhờ điều chỉnh giảm một số khoản như chi phí quản lý doanh nghiệp, giảm lỗ từ hoạt động khác và tăng doanh thu hoạt động tài chính.
Xét về tỷ lệ phần trăm tăng lãi ròng nhiều phải kể đến CTCP Viễn Liên (HNX: UNI) khi lãi ròng sau kiểm toán tăng đến 724% so với tự lập, tương ứng mức tăng từ 22 triệu đồng lên con số 181 triệu đồng.
Ngoài ra còn một số cái tên tăng lãi với tỷ lệ chênh lệch trên 200% như: OIL, SDU, TNI.
Giảm lãi khủng sau kiểm toán
Sau kiểm toán ông lớn ngành dầu khí Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS) giảm lãi hơn 648 tỷ đồng, tương ứng giảm 5.4%. Có thể thấy giá vốn hàng bán tăng là nguyên nhân dẫn đến việc lợi nhuận của GAS giảm sau kiểm toán. Cụ thể, khoản mục giá vốn hàng bán sau kiểm toán tăng hơn 798 tỷ đồng làm cho lợi nhuận gộp của GAS chỉ còn 17,491 tỷ đồng, giảm 4% so với số liệu trước đó.
Được biết nguyên do là khi lập BCTC thì GAS tiến hành khóa sổ, trong đó có khoản nhiệt trị khí Cửu Long để tính toán số tiền GAS phải trả cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ là số liệu tạm tính.
Sau đó, GAS và Tập đoàn đã làm việc và thống nhất ký kết bổ sung số 1 Hợp đồng mua bán khí Cửu Long để cập nhật số liệu về nhiệt trị khí Cửu Long, đảm bảo phù hợp với nhiệt trị khí Cửu Long thực tế đã giao nhận. Khi kiểm toán thì GAS đã chính xác hóa chi phí mua khí Cửu Long từ Tập đoàn.
2 ‘nhà băng’ sau khi kiểm toán cũng bị giảm lãi như Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE: VCB) với con số giảm lần lượt là 77 tỷ đồng và 35 tỷ đồng. Nhưng so với quy mô lãi ngàn tỷ thì mức giảm này không quá nhiều chỉ giảm tương ứng 1.2% và 0.2%.
CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) cũng ghi nhận giảm lãi gần 92% sau kiểm toán, từ con số lãi gần 19 tỷ đồng thụt lùi về con số cuối cùng chỉ vỏn vẹn 1.5 tỷ đồng. HVG là doanh nghiệp có tiếng chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán.
Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 khi được hỏi về vấn đề này, chủ tịch HĐQT Dương Minh Ngọc chia sẻ rằng vì đơn vị kiểm toán của Công ty - EY là đơn vị có tiếng và họ luôn làm theo nguyên tắc nên có sự chênh lệch là lẽ đương nhiên. Ý kiến chủ quan của vị chủ tịch này dường như chưa làm hài lòng những người quan tâm đến tình hình tài chính của HVG!
Xét về con số chênh lệch tương đối thì PXL và PGT bốc hơi lãi lần lượt 99% và 93% sau kiểm toán.
Những doanh nghiệp thay đổi số phận sau kiểm toán
Trong năm 2018 này, có đến 6 doanh nghiệp từ lãi gang tấc hóa lỗ và duy nhất 1 doanh nghiệp được cứu vớt có lãi.
Đáng chú ý là trường hợp của CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: FDC) tưởng rằng có lãi đến 35 tỷ đồng nhưng sự thật phũ phàng là lỗ hơn 35 tỷ đồng sau kiểm toán.
Được biết nguyên nhân là do Công ty đã điều chỉnh giảm khoản mục doanh thu hoạt động tài chính với số tiền gần 51 tỷ đồng phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng một phần vốn góp trong một dự án Khu dân cư Cần Giờ mà FDC đã ghi nhận trong BCTC chưa kiểm toán năm 2018.
Với doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng và bất động sản - CTCP Thương mại Hà Tây (HOSE: HTT) cũng đã bị chuyển từ lãi sang lỗ trong chốc lát. Sau kiểm toán HTT đành ghi nhận lỗ năm 2018 gần 24 tỷ đồng, trong khi số liệu tự lập trước kia HTT có lãi vỏn vẹn 26 triệu đồng. Theo phía HTT cho hay, kiểm toán viên cho rằng chưa đủ điều kiện để ghi nhận các khoản doanh thu nên buộc HTT phải điều chỉnh giảm gần 460 triệu đồng sau kiểm toán, bên cạnh đó thì HTT kết chuyển sót các chi phí công trình xây lắp.
4 doanh nghiệp còn lại cũng chuyển từ lãi sang lỗ như: LO5, V21, VTS và TNS.
Trường hợp hy hữu chuyển từ lỗ gần 2.7 tỷ đồng sang lãi 675 triệu đồng là của CTCP Bất động sản Điện lực Miền Trung (HOSE: LEC). Vì sau kiểm toán, LEC đã điều chỉnh một số khoản như: điều chỉnh tăng doanh thu tài chính hơn 1.3 tỷ đồng chủ yếu do tính lại lãi suất cho vay đối với khoản vay của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại An Thịnh Quế Sơn từ 5.5%/năm lên 8.5%; điều chỉnh tăng chi phí quản lý do tăng trích lập dự phòng phải thu khó đòi cho khoản phải thu từ ông Phạm Thái Lĩnh cho kỳ 6 tháng cuối năm với số tiền trích lập gần 1.3 tỷ đồng; điều chỉnh giảm chi phí của bộ phận sàn giao dịch năm 2018 từ chi phí quản lý sang tăng giá vốn hàng bán và điều chỉnh giảm chi phí khác tăng chi phí quản lý.
Con số lỗ tăng thêm
Nhóm các doanh nghiệp lỗ càng lỗ sau kiểm toán có CTCP Nhiệt điện Cẩm Phả - TKV (UPCoM: NCP) với số lỗ tăng thêm là hơn 38 tỷ đồng kéo theo cả năm NCP ghi nhận lỗ hơn 414 tỷ đồng.
Công ty của bầu Đức - CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) sau khi kiểm toán tăng lỗ thêm gần 13 tỷ đồng, do vậy lỗ của HNG cả năm 2018 gần 660 tỷ đồng, bên cạnh đó, BCTC kiểm toán của HNG cũng bị kiểm toán viên nhấn mạnh đến các yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm Công ty.
CTCP Tài Nguyên (HOSE: TNT) cũng là trường hợp đáng để nhà đầu tư lưu tâm khi sau kiểm toán lỗ của Công ty tăng đến 149,894% nhưng xét về con số tuyệt đối thì không quá nhiều, cụ thể số lỗ của TNT năm 2018 tăng lên 2 tỷ đồng từ con số lỗ 1 triệu đồng trước kiểm toán.
20 doanh nghiệp tăng lỗ sau kiểm toán 2018 (Đvt: Triệu đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Ngoài ra có CTCP Đầu tư Thương mại Thủy sản (HOSE: ICF) giảm lỗ đến 560% sau kiểm toán, ghi nhận lỗ gần 25 tỷ đồng. ICF giải trình có tình trạng giảm lỗ là tại vì giá vốn hàng bán tăng từ trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho chậm luân chuyển, doanh thu tài chính lại giảm do điều chỉnh số liệu, các chi phí tài chính lại tăng từ trích lập dự phòng khoản đầu tư tài chính dài hạn, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng,...
Giảm bớt lỗ nhờ kiểm toán
CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (HOSE: AGF) là doanh nghiệp may mắn thoát án hủy niêm yết trong niên độ 2018 do sau kiểm toán lãi ròng giảm gần 12 tỷ đồng do vậy AGF chỉ còn lỗ hơn 178 tỷ đồng, con số lỗ này dẫn đến lỗ lũy kế nhỏ hơn vốn điều lệ nên không thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc.
AGF giải trình rằng doanh thu thuần tăng song song đó thì giá vốn lại giảm (hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, phân loại lại khuyến mãi và chiết khấu thuốc thủy sản vào thu nhập khác chuyển sang giá vốn, được bồi thường cont hàng chìm xà lan,…). Doanh thu tài chính của AGF lại tăng, chi phí tài chính giảm do đánh giá lại chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện của các khoản mục nợ phải thu/phải trả ngoại tệ.
Trong nhóm này còn có CTCP Sông Đà 7.02 (UPCoM: S72) giảm lỗ đến 36% về mức lỗ gần 2.5 tỷ đồng, nguyên cớ giảm lỗ vì do S72 đã hạch toán điều chỉnh tăng doanh thu tiền điện thương phẩm tháng 12/2018 do đã ký xác định được sản lượng điện năng tháng 12/2018 với Công ty điện (bên mua điện).
Các doanh nghiệp giảm lỗ sau kiểm toán 2018 (Đvt: Triệu đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
FILI