ĐHĐCĐ CII: "NBB là cơ hội đầu tư tuyệt vời, không lý do gì bỏ qua"
TRỰC TUYẾN
ĐHĐCĐ CII: "NBB là cơ hội đầu tư tuyệt vời, không lý do gì bỏ qua"
Đánh giá khoảng đầu tư vào NBB, HĐQT CII cho biết đây là cơ hội tuyệt vời, không lý do gì CII bỏ qua.
Sáng ngày 18/04/2019, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2019. “Mục tiêu chính trong năm 2019 của CII là lấy lại hình ảnh Công ty và niềm tin của cổ đông một cách toàn diện”, ông Lê Vũ Hoàng - Chủ tịch HĐQT chia sẻ khi mở đầu Đại hội.
Nói về kết quả kinh doanh năm 2018, ông Lê Quốc Bình - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc chia sẻ: “Chưa có đại hội nào mà buồn rười rượi như đại hội này. Và cũng chưa có đại hội nào nóng như đại hội hôm nay. Chúng ta bước vào năm 2018 với tâm thế kế hoạch nắm chắc trong tay nhưng rồi Chính phủ ra thông báo tạm dừng thanh toán các dự án BT. Bất lợi thứ hai là dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ so với kế hoạch do vướng vay vốn ngân hàng. Nếu bỏ sẽ bị phạt hợp đồng hoặc là kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2018 gần như tuần nào tôi cũng bay ra Hà Nội”.
Đại hội kết thúc vào lúc 10 giờ 56 phút, các tờ trình đều được thông qua.
Thảo luận
Năng lực cạnh tranh cốt lõi của CII là gì khi lợi nhuận 2019 đến chủ yếu từ bất động sản và tầm nhìn trong thời gian tới?
Ông Lê Quốc Bình: Chúng ta phải khẳng định CII không có năng lực bất động sản và không đi theo con đường phát triển dự án bất động sản. Nhưng chúng ta có thể tạo ra quỹ đất, sau đó hợp tác với các nhà bất động sản chuyên nghiệp. CII sẽ chốt lợi nhuận bằng cách định giá đất, quá trình hợp tác phát triển có lời sẽ chia thêm.
Riêng chi phí xây nhà mẫu, quảng cáo đã 618 tỷ đồng nhưng CII không đủ can đảm làm. Và nếu bỏ ra số tiền đó, CII cũng không thể làm tới cùng như người ta.
Quay trở lại, năng lực cốt lõi của CII là các dự án BT, BOT, xử lý các tình huống phát sinh từ dự án này. Một câu chuyện CII chưa làm được từ nhiều năm trước mà chúng tôi đang kỳ vọng ở dự án 315 ha ở Đồng Nai đó là CII đầu tư các quỹ đất tại các tỉnh, làm cơ sở hạ tầng để nhận chênh lệch địa tô từ phát triển cơ sở hạ tầng, biến đất nông nghiệp thành đất đô thị.
Thế nhưng cuộc chơi phải trường kỳ, mua miếng đất nông nghiệp 10 năm chưa chắc đã thành đất đô thị và thứ hai là dòng vốn phải ổn định.
Chiến lược của CII khi dự kiến mua NBB để đầu tư vào bất động sản hay chỉ để lấy dòng tiền về?
Ông Lê Quốc Bình: Cả hai. Trước đây chúng ta chọn mua NBB để xây dựng CII Land. Thế nhưng thương hiệu NBB sụt giảm nhiều khi xảy ra sự cố vụ cháy chung cư Carina trong năm 2018. Về phía CII, các dự án bị dừng lại do vướng mắc chính sách. CII không có quỹ đất đẹp tại vùng ven sông nên các nhà đầu tư nước ngoài không tham gia vào. Do đó, mục đích ban đầu này không thành công nên HĐQT chuyển đổi sang phương án khác.
CII định sử dụng một công ty con của CII để chuyển một số dự án bất động sản NBB về và chuyển dự án CII qua. Khi CII làm việc với các đối tác nước ngoài lại có 2 câu chuyện. Thứ nhất, nếu lựa chọn CII để phát triển bất động sản, người ta sẽ hợp tác đầu tư từng dự án chứ không đầu tư vào CII Land. Thứ hai, nếu CII đang phát triển theo định hướng BT, BOT để phát triển quỹ đất mà chuyển sang bất động sản, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá CII không có kinh nghiệm bằng NVL, KDH,… Do đó, HĐQT quyết định lựa chọn nhà đầu tư hợp tác từng dự án.
NBB là cơ hội đầu tư tuyệt vời, không lý do gì CII bỏ qua
Rủi ro chính sách bất khả kháng, năm vừa rồi không đạt kế hoạch. Kế hoạch năm 2019 kèm “điều kiện”, vậy xác xuất đạt được kế hoạch là bao nhiêu?
Ông Lê Quốc Bình: Nếu giờ này ngồi đây nhìn câu chuyện chính sách đang có tính tới thời điểm này, chúng tôi có thể chắc chắn đạt được, thậm chí là vượt. Trên 90% lợi nhuận đến từ bất động sản, hiện nay đã được thanh toán BT, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lợi nhuận rất lớn sẽ đến từ NBB.
Ông Lê Vũ Hoàng: Dự án khu Thủ Thiêm làm đến đâu bán đến đó, bây giờ chưa tiện công bố thôi. Chúng tôi chưa dám đặt vấn đề ở NBB, mặc dù mình đã sở hữu 49% nhưng vài ngàn tỷ đồng mình có thể có được.
Tại sao CII lại liên tục nâng tỷ lệ sở hữu tại NBB, đầu tháng 4 đã nâng lên 49%, mục đích của CII là gì?
Ông Lê Quốc Bình: Chúng tôi đã thống nhất được với HĐQT NBB, NBB sẽ đóng góp một phần lợi nhuận rất lớn vào CII từ năm 2019. NBB là một cơ hội đầu tư tuyệt vời. Nói về định giá, quan điểm của CII là 71,900 đồng/cp. Với giá 20,000 đồng/cp trên sàn thì không có lý do gì CII không đầu tư mua cổ phần NBB.
Trong dự thảo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2019 của NBB dự kiến diễn ra vào ngày 24/04 sắp tới có câu “Giao nhiệm vụ HĐQT NBB thoái vốn các dự án đầu tư” với tổng số tiền theo CII ước tính NBB sẽ thu về 5,000 tỷ đồng. Với việc thoái vốn này, CII sẽ nhận được 64% trong số đó, theo tỷ lệ sở hữu 64% sẽ nâng lên sắp tới.
Trong năm 2018, NBB đã thoái vốn 2 dự án với tổng số tiền thu về gần 2,000 tỷ đồng và năm nay sẽ là năm thu tiền về. Đó là lý do chúng tôi nâng tỷ lệ sở hữu tại VBB, với cơ hội đầu tư quá rẻ như vậy, không có lý do gì CII bỏ qua.
Đại diện SSI có ý kiến về lợi nhuận 932 tỷ đồng trong năm 2019 đến từ những dự án nào, tính khả thi như thế nào? Cổ tức năm 2019 dự kiến trả thành mấy đợt?
Ông Lê Quốc Bình: Cuối năm nay sẽ chi một nửa. Từ đây đến tháng 7 chúng ta phải vượt khó khăn. Sau tháng 7 sẽ thu về rất nhiều tiền, cũng không tiện nói nguồn tiền thu được từ đâu. Và có thể trước ĐHĐCĐ năm sau sẽ chi phần còn lại.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 CII diễn ra sáng ngày 18/04.
|
Tạm dừng thanh toán các dự án BT
Ngày 28/03/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, UBND thành phố các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương “yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 01/01/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành”. Đến ngày 28/12/2018, Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 160/NQ-CP, việc thanh toán của các hợp đồng BT được ký kết trước ngày 01/01/2018 vẫn tiếp tục thực hiện. |
Do ảnh hưởng của các quyết định liên quan đến việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT nên trong suốt năm 2018, CII không được thanh toán bất kỳ hợp đồng BT nào đã ký kết. Chính vì lẽ đó, dòng tiền của CII bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kết quả kinh doanh không đạt kế hoạch, các dự tính trước đó đều bị phá vỡ.
BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nhiều lần tưởng đổ vỡ
Trong lúc dòng tiền cực kỳ eo hẹp, CII lại phải đứng ra huy động và góp thêm 1,000 tỷ đồng vào dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nhằm đáp ứng điều kiện cho vay của ngân hàng.
Theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng yêu cầu nâng vốn chủ lên 30% tổng mức đầu tư của dự án, tương đương 2,500 tỷ đồng thay vì chỉ 15% ở trước đó. Tuy nhiên, các nhà đầu tư liên danh chủ yếu là các công ty xây dựng không có khả năng góp thêm vốn nên CII phải “gánh” thêm 1,000 tỷ đồng góp thêm để dự án không đổ vỡ.
Không những thế, hợp đồng tín dụng của dự án phải trải qua 18 tháng mới được ký kết cũng không hề suôn sẻ. Do chênh lệch giữa lãi suất tính toán hoàn vốn theo phương án tài chính được duyệt và lãi suất vay thực tế rất lớn nên CII và các bên liên quan đã phải kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cho phép dự án được áp dụng lãi suất thực tế của các ngân hàng thương mại.
Khó khăn chưa dừng lại ở đó, CTCP Tập đoàn Yên Khánh - cổ đông sở hữu 30% tại doanh nghiệp dự án đã sai phạm pháp lý ở một số dự án khác do đơn vị này làm chủ đầu tư. Do đó, phía ngân hàng yêu cầu phải thay thế Yên Khánh thì mới giải ngân vốn, trong khi phía cơ quan có thẩm quyền lại chưa cho phép thay thế.
Cuối cùng đến ngày 20/02/2019, Thường trực Chính phủ đã họp và đồng ý giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện để dự án được tiếp tục triển khai.
Riêng dự án BOT Xa lộ Hà Nội do chưa tháo gỡ được vướng mắc pháp lý nên đến nay vẫn chưa triển khai thu phí hoàn vốn được.
Năm 2018 chỉ thực hiện được 8% kế hoạch lợi nhuận
Trong năm 2018, doanh thu thuần của CII đạt 2,686 tỷ đồng, thực hiện được 46% kế hoạch năm. Nếu loại trừ kết quả 86 tỷ đồng ở năm 2013 thì năm 2018 là năm CII có lợi nhuận thấp nhất trong 11 năm trở lại đây, tính từ năm 2007. Với lãi ròng thu được 95 tỷ đồng, CII chỉ mới thực hiện được 8% kế hoạch lợi nhuận năm và bằng 6% so với năm 2017.
Không phát hành ESOP và phân phối lợi nhuận 2018
Do kết quả kinh doanh năm 2018 của CII không đạt kế hoạch đề ra nên Công ty không phát hành ESOP 2018.
Trước đó, CII đã hoàn thành việc phát hành cổ phiếu ESOP 2016 và 2017 vào ngày 27/12/2018. Theo đó, kể từ ngày 01/02/2019, số lượng cổ phiếu niêm yết của CII sẽ tăng lên hơn 283 triệu cp.
Bên cạnh đó, CII sẽ tạm thời không phân phối lợi nhuận của năm 2018.
Liên quan đến khoản tiền 13 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi CII41401 thành cổ phiếu, ông Bình nói thêm có khả năng hạch toán khoản này vào lợi nhuận do “những người sở hữu trái phiếu giờ đi đâu mất tiêu hết rồi, không ai đến nhận cổ tức hay liên hệ nhận chuyển đổi”.
Cổ tức 2019 tối đa 32%
Bước sang năm 2019, những vướng mắc pháp lý từ các dự án BT đến BOT đã được tháo gỡ. Trong đó, dự án BOT Xa lộ Hà Nội đã hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan và chờ quyết định để đưa vào thu phí. Đồng thời, các dự án bất động sản đã hoàn thành pháp lý cần thiết và đi vào xây dựng.
Trên cơ sở đó, CII đặt kế hoạch doanh thu 2019 tiến tới 5,400 tỷ đồng và lãi ròng 717 tỷ đồng (sau khi trừ lợi thế thương mại), lần lượt gấp 2 lần và 8 lần so với kết quả đạt được ở năm 2018. Tuy nhiên, khoản giảm trừ lợi thế thương mại do định giá lại giá trị đầu tư và chỉ hạch toán về mặt kế toán chứ không phát sinh dòng tiền chi ra. Do vậy, lợi nhuận thực tế dự kiến đạt được trong năm 2019 là 932 tỷ đồng. Công ty dự kiến chia cổ tức dự kiến tối đa 32%, “phải trả cổ tức bằng tiền mặt chứ không trả cổ tức gió như 2 năm vừa rồi nữa,” ông Thanh nói.
HĐQT cũng đặc biệt lưu ý rằng, kế hoạch lợi nhuận nếu trên chỉ có thể hoàn thành nếu không xảy ra tình huống thay đổi chính sách theo hướng bất lợi so với tình hình hiện nay.
Theo chiến lược phát triển của CII từ nay đến năm 2020, Công ty sẽ tập trung phát triển các dự án trọng điểm, gồm: Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, BT Thủ Thiêm, mở rộng Xa lộ Hà Nội, mở rộng Quốc lộ 60, 152 Điện Biên Phủ.
Đối với các dự án mới, CII chỉ dừng lại ở bước nghiên cứu khả thi, chuẩn bị nguồn lực và chờ cơ hội đầu tư từ năm 2021 trở đi.
CII cho biết, Công ty sẽ mở rộng hình thức huy động vốn, trong đó chú trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho các quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí được bảo lãnh bởi các tổ chức tài chính quốc tế như Guarantco, CGIF, ADB,…
Tại Đại hội, bên cạnh các chỉ tiêu cũng như kế hoạch kinh doanh, HĐQT CII sẽ trình các cổ đông thông qua việc bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT độc lập. Sau khi chấp thuận đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Dominic Scriven, HĐQT CII đã thống nhất bổ nhiệm ông Dương Trường Hải vào vị trí thành viên HĐQT độc lập thay thế. Ông Dương Trường Hải hiện là Giám đốc Mizuho Asia Partners Pte Ltd.
FILI