ĐHĐCĐ Eximbank lần 1 bất thành
BÀI CẬP NHẬT
ĐHĐCĐ Eximbank lần 1 bất thành
Sáng ngày 26/04/2019, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (HOSE: EIB) tổ chức ĐHĐCĐ 2019. Đây có lẽ là Đại hội ngân hàng được nhiều cổ đông mong đợi nhất do có quá nhiều vấn đề cần được làm rõ, nhất là vị trí Chủ tịch HĐQT và ghế trống Tổng Giám đốc.
Ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng Ban kiểm tra tư cách cổ đông thông báo đến 9h20, số cổ đông có mặt là 198 cổ đông, đại diện 57.62% cổ đông có quyền biểu quyết. Số cổ đông dự họp thấp hơn 65%, không đủ điều kiện tiến hành ĐHĐCĐ. Ông thông báo Đại hội không thể tiến hành. Thời gian và địa điểm lần 2 sẽ thông báo trong thời gian gần nhất.
Cả ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú đều đã xuất hiện ở Đại hội. Ảnh: Thanh Thủy
|
Mở đầu Đại hội, mới chỉ có 42% cổ phần tham dự có quyền biểu quyết nên ông Lê Minh Quốc thông báo tạm hoãn đến 9h. Đến 9h10, Đại hội thông báo chờ thêm 30 phút nữa vì chỉ có 175 cổ đông tham dự, chiếm tỷ lệ 57% cổ phần có quyền biểu quyết.
Bà Lương Thị Cẩm Tú có mặt tại Đại hội từ sớm. Ảnh: Thanh Thủy
|
ĐHĐCĐ thường niên 2019 của EIB. Ảnh: Thanh Thủy
|
Kế hoạch lãi trước thuế 1,077 tỷ đồng năm 2019
Năm 2019, HĐQT EIB dự kiến huy động vốn đạt 143,500 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với năm 2018. Dư nợ cấp tín dụng tăng 11%, đạt 115,570 tỷ đồng, song trong điều kiện thuận lợi, EIB sẽ xin NHNN để tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng.
EIB dự kiến lãi trước thuế trước trích lập dự phòng bổ sung trái phiếu VAMC là 2,000 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước. Lãi trước thuế sau trích lập 1,077 tỷ đồng, tăng 30% và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Năm 2019, EIB đặt trọng tâm vào công tác huy động vốn từ thị trường 1. Tập trung huy động vốn không kỳ hạn (CASA) từ phân khúc khách hàng lớn đối với những khu vực có tiềm năng. Triển khai các chính sách, sản phấm huy động vốn hướng đến nhóm khách hàng có quy mô trung bình và nhỏ nhằm đảm bảo sự ổn định về nguồn vốn.
Về hoạt động tín dụng, EIB tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán,...
Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ tồn đọng, tập trung xử lý nợ đã bán cho VAMC, đặt mục tiêu mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC vào năm 2020 theo định hướng tái cơ cấu ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.
HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua tổng mức thù lao của HĐQT năm 2019 là 2% lợi nhuận trước thuế hợp nhất nhưng không thấp hơn 15 tỷ đồng (bằng năm 2018).
Đã thu hồi 20 tỷ đồng thù lao HĐQT, BKS chi thừa năm 2013-2015
HĐQT Eximbank cũng cập nhật một số nội dung chính tại các Kết luận thanh tra tại Hội sở. Hồ sơ Eximland đã chuyển cho cơ quan chức năng có thẩm quyền và đề nghị xem xét trách nhiệm cụ thể.
Đối với khoản thu hồi thù lao HĐQT, BKS đã chi thừa qua các năm từ 2013 – 2015, theo kiến nghị của Thanh tra, Eximbank phải thu hồi tổng số tiền gần 81 tỷ đồng, đến nay đã thu hồi được hơn 20 đồng và Eximbank đã ký hợp đồng tư vấn với Luật sư để tiếp tục thực hiện việc thu hồi.
HĐQT EIB cũng trình ĐHĐCĐ chấp thuận đầu tư dự án tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm theo phương thức Eximbank góp giá trị quyền sử dụng đất, nhà đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng và thực hiện phân chia sản phẩm phù hợp với quy định của pháp luật.
Thời gian qua, Eximbank đã có văn bản gửi NHNN xin ý kiến phương thức Eximbank góp giá trị quyền sử dụng đất và phân chia sản phẩm nhưng NHNN chưa có ý kiến. Vì vậy, trong trường hợp NHNN không đồng ý cho Eximbank đầu tư với phương thức trên thì chấp thuận cho đầu tư bằng nguồn vốn của ngân hàng. Phần diện tích không dùng hết sẽ được ngân hàng cho thuê theo quy định của pháp luật.
Giao cho HĐQT Eximbank được quyết định đầu tư, chủ động triển khai dự án theo đúng quy định pháp luật, điều lệ ngân hàng.
Sửa đổi bổ sung điều lệ Ngân hàng
Eximbank đưa ra 4 nội dung sửa đổi, bổ sung gồm Khoản 4 Điều 2, Điều 33, Khoản 6 Điều 35 và các nội dung khác của Điều lệ ngân hàng.
Theo Điều lệ hiện hành, người đại diện theo pháp luật của EIB chỉ là Tổng Giám đốc (TGĐ). Tuy nhiên, thực tế tại Eximbank đang xảy ra trường hợp TGĐ bị miễn nhiệm và ngân hàng chưa hoàn tất thủ tục bổ nhiệm nhân sự thay thế.
Do đó, HĐQT EIB trình kiến nghị sửa đổi Khoản 4, Điều 2 Điều lệ Eximbank, theo hướng người đại diện theo pháp luật là Tổng Giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT trong thời gian khuyết tổng giám đốc mà chưa hoàn tất việc thay thế.
Ngoài ra, Eximbank cũng đề xuất sửa đổi Điều 33 và khoản 6, Điều 35 của Điều lệ ngân hàng về điều kiện tiến hành họp ĐHĐCĐ.
Cụ thể, sửa đổi Điều 33 theo hướng cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi có ít nhất 51% số cổ phần có quyền biểu quyết (quy định cũ là 65%). Trường hợp cuộc họp lần thứ 2 thì phải có ít nhất 33% số cổ phần có quyền biểu quyết (thay vì 51% như cũ) và được triệu tập trong vòng 30 ngày.
Còn tờ trình thứ 3 là sửa đổi Khoản 6, Điều 35, ngân hàng đề xuất sửa đổi việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thì quyết định của ĐHĐCĐ được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất trên 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (quy định cũ là 65%) tán thành.
Năm 2018 toàn hệ thống gặp nhiều khó khăn, không chia cổ tức
BKS của Ngân hàng nhận định, Eximbank bị ảnh hưởng nhiều bởi các vụ liên quan đến tiền gửi tại Chi nhánh TPHCM, PGD Đô Lương (CN Vinh), toàn hệ thống đã gặp nhiều khó khăn trong công tác huy động vốn, hoạt động tín dụng cũng bị liên đới do phải duy trì thường xuyên chính sách kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Do đó, một số chỉ tiêu kinh doanh quan trọng không đạt như kỳ vọng.
Tổng tài sản 2018 đạt 152,652 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2017, chỉ thực hiện được 86% kế hoạch năm. Vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 118,694 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2017, thực hiện được 80% kế hoạch.
Tổng dư nợ tín dụng đạt 104,118 tỷ đồng (không bao gồm trái phiếu VAMC), tăng 3% so với năm 2017, cũng chỉ thực hiện được 92%. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2018 chỉ còn 1.84% tổng dư nợ.
Lợi nhuận trước thuế của riêng Ngân hàng đạt 801 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế năm 2018 hợp nhất đạt 827 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 52% kế hoạch. Nguyên nhân lợi nhuận đạt thấp là do Eximbank đã trích bổ sung dự phòng 904 tỷ đồng (bao gồm trích bổ sung dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC theo quy định Thông tư số 08/2016/TT-NHNN ngày 16/06/2016 số tiền 514 tỷ đồng và trích bổ sung dự phòng khoản phải thu khó đòi liên quan đến 2 vụ việc tiền gửi của bà Chu Thị Bình và Nguyễn Thị Lam số tiền 390 tỷ đồng). Kết quả kinh doanh (chênh lệch thu chi) của Eximbank trước khi trích lập bổ sung các khoản dự phòng là 1,731 tỷ đồng.
Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là hơn 517 tỷ đồng. Theo tờ trình, Eximbank trình ĐHĐCĐ không thực hiện chia cổ tức năm 2018 do Eximbank thuộc “TCTD được NHNN chấp thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt không được chia cổ tức” để tạo nguồn xử ý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán”.
Trong báo cáo của BKS có nêu trong năm 2018, số lượng thành viên HĐQT, BKS có thay đổi so với năm 2017. Cụ thể, bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020 và ông Trần Lê Quyết thôi không đại diện vốn cho VCB, không còn là TV BKS từ ngày 02/08/2018. Đồng thời, năm 2018 cũng phát sinh giao dịch mua cổ phiếu EIB của bà Lương Thị Cẩm Tú với số lượng gần 13.8 triệu cổ phiếu.
Về "lùm xùm" xoay quanh ghế nóng Chủ tịch HĐQT và "ghế trống" Tổng Giám đốc Eximbank rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đã không được đề cập trong bất cứ tờ trình nào.
FILI