Dưa lê ở Nghệ An tấp đống cho bò ăn vì sâu bệnh
Dưa lê ở Nghệ An tấp đống cho bò ăn vì sâu bệnh
Dưa bị cháy lá, quả tự thối ngay trên cây khi chưa thu hoạch nên người dân buộc phải bán giá rẻ.
Một góc cánh đồng dưa xã Diễn Kỷ. Ảnh: Nguyễn Hải.
|
Đang vào mùa thu hoạch nhưng hàng chục hộ dân trồng dưa lê ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đứng, ngồi không yên bởi nhiều diện tích dưa bị sâu bệnh, quả thối.
Cầm theo xô nhựa nhặt từng quả dưa lê bị thối trên ruộng, bà Nguyễn Thị Thủy (56 tuổi) nói, gia đình có hơn 2 sào dưa được gieo gần 3 tháng trước. Từ khi cây dưa cao gần nửa mét thì bắt đầu thấy hiện tượng cháy lá, phát triển chậm. Dù dưa ra quả nhưng không to và bóng bẩy, tới lúc sắp thu hoạch thì tự thối.
"Dưa hỏng nên người không ăn được, chỉ bán cho các hộ nuôi dê với giá 10 kg khoảng 20.000 đồng; nếu không bán hết đành vứt đi", bà Thủy nói và cho biết hai sào dưa chỉ thu được chừng 2 triệu đồng.
Người dân hái dưa bị mắc bệnh để bán với giá rẻ. Ảnh: Nguyễn Hải.
|
Nhiều hộ khác cũng gặp tình trạng như vườn dưa của bà Thủy, các luống dưa chỉ còn xơ xác lá vàng, quả xếp theo dãy trên mặt đất nhưng đều bị thối một phần. Đầu ruộng, nhiều đống dưa hỏng được người dân gom để đem vứt hoặc chở về cho trâu bò, dê ăn.
Theo các hộ trồng dưa, nếu không bị hư hỏng thì mỗi sào sẽ cho thu hoạch 9 tạ dưa, bán ra được hơn 10 triệu đồng; sau khi trừ chi phí thu lời khoảng 7 triệu đồng. Tuy nhiên, với tình trạng trên, các hộ trồng dưa chưa bù được chi phí bỏ ra.
"Nhiều năm nay chúng tôi mua giống của một đại lý ở huyện Diễn Châu và không bị sâu bệnh, năm nay mất mùa mà không hiểu nguyên nhân nên rất lo lắng", một người dân nói.
Quả dưa bị thối ngay trên cây. Ảnh: Nguyễn Hải.
|
"Toàn xã Diễn Kỷ có hơn 100 hộ trồng với diện tích 6,5 ha dưa lê, trong đó khoảng 50 hộ bị thiệt hại; hàng chục tấn quả hư hỏng. Nguyên nhân là thời tiết năm nay nắng ấm hơn những năm trước, không phải do giống dưa", lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Diễn Châu nói.
Dưa bị hỏng gom từng đống đầu bờ. Ảnh: Nguyễn Hải.
|
Theo vị này, huyện chưa có cơ chế hỗ trợ cho những hộ bị thiệt hại. Vì vậy, ông khuyến cáo người dân phun thuốc phòng bệnh nấm đối kháng vào ruộng trước lúc gieo hạt, giúp hạn chế tình trạng cây mắc bệnh. "Lâu nay giá thành thuốc phòng bệnh nấm đối kháng khoảng 100.000 đồng/sào nên người dân ít dùng vì sợ đội chi phí", ông nói.
Nguyễn Hải