Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có thể về đích vào tháng 7
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có thể về đích vào tháng 7
EVFTA có thể sớm được phê chuẩn sau khi Nghị viện châu Âu (EP) kết thúc bầu cử và bắt đầu nhiệm kỳ mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Cộng hòa Pháp Edouard Philippe tại Paris - Ảnh: TTXVN.
|
"Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có thể được phê chuẩn vào tháng 6, tháng 7 tới, tức là sau khi Nghị viện châu Âu (EP) kết thúc bầu cử và bắt đầu nhiệm kỳ mới", Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP, ông Bernd Lange khẳng định tại cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chuyến công du kéo dài 10 ngày, từ 28/3 đến 8/4 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, với điểm nhấn là thúc đẩy quá trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã tiếp tục thắp lên niềm hy vọng của Việt Nam về khả năng cán đích của hiệp định này.
Ủng hộ mạnh mẽ đối với Việt Nam
Tại hàng loạt các cuộc tiếp xúc, làm việc của Chủ tịch Quốc hội với lãnh đạo Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện Pháp, Bỉ, Chủ tịch EP, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP, Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Các nhà lãnh đạo đều khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Việt Nam.
Chủ tịch EP Antonio Tajani chia sẻ, ông đã làm tất cả những gì có thể để việc phê chuẩn và ký kết nhưng chưa được thực hiện sớm như mong muốn. Hiện nay, EP đang chuẩn bị bầu cử, ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, các vấn đề liên quan đến các Hiệp định quan trọng này sẽ được xem xét.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Jean - Claude Juncker nói rằng, cá nhân ông luôn yêu mến Việt Nam. Khi còn trẻ, lần đầu tiên ông xuống đường biểu tình chính là để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thấu hiểu việc Việt Nam đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh nên Chủ tịch EC đánh giá rất cao hành trình xây dựng và phát triển đất nước đầy ấn tượng của Việt Nam trong những năm qua.
Chủ tịch EC cho biết đã ký và gửi EVFTA tới Hội đồng châu Âu. Theo quy trình, Hội đồng châu Âu sẽ đệ trình Nghị viện châu Âu để phê chuẩn hiệp định này. Mặc dù hai bên đã đồng thuận rất cao về quan điểm phê chuẩn EVFTA càng sớm càng tốt nhưng hiệp định này cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn mới có thể đi vào thực hiện. Tương tự như vậy, Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) còn cần nhận được sự đồng thuận của các nghị viện thành viên trong khối EU.
Là người đặc biệt nỗ lực thúc đẩy cho tiến trình ký kết EVFTA, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP, ông Bernd Lange bày tỏ, "tôi cảm thấy tiếc khi do tình hình hiện nay, EU đang phải tập trung xử lý một số vấn đề như Brexit nên tiến trình ký kết và phê chuẩn hiệp định này đã bị chậm lại. Tuy nhiên, EP đã sẵn sàng và đã lên lịch trình cụ thể cho việc ký kết, phê chuẩn EVFTA. Việc ký kết, phê chuẩn EVFTA có thể diễn ra vào tháng 6, tháng 7 tới, tức là ngay sau khi EP kết thúc bầu cử và bắt đầu nhiệm kỳ mới".
Việt Nam sẵn sàng đối thoại để rút ngắn khoảng cách
Ông Bernd Lange còn thấy hết sức ấn tượng trước sự cởi mở của Việt Nam trong việc trao đổi và giải quyết các điểm còn vướng mắc thông qua các cuộc đối thoại; đồng thời, cảm ơn Việt Nam vì đã rất thiện chí như vậy.
Chẳng hạn trong sửa đổi Bộ luật Lao động để phù hợp hơn với các quy định về tiêu chuẩn lao động quốc tế, theo nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội, là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam có trách nhiệm hoàn thiện pháp luật về lao động để ngày càng bảo đảm tốt hơn các quyền lợi của người lao động. Bộ luật Lao động hiện nay của Việt Nam đã được xây dựng trên tinh thần bảo vệ lợi ích của người lao động và thể hiện những giá trị tốt đẹp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhận thức trong một số vấn đề về lao động giữa hai bên có thể còn có những khác biệt nhất định nhưng Quốc hội Việt Nam sẽ nghiêm túc xem xét kỹ lưỡng các quy định có liên quan đến 3 Công ước của Tổ chức ILO theo khuyến nghị của EU, EP.
"Quốc hội Việt Nam sẵn sàng đón Ủy ban Thương mại quốc tế và các cơ quan của EP sang làm việc, đối thoại để rút ngắn khoảng cách của sự khác biệt và đi đến nhận thức chung. Mọi vấn đề cụ thể nếu còn có quan điểm khác nhau thì Việt Nam cũng sẵn sàng cung cấp thông tin và đối thoại. Nếu thuộc phạm vi của Quốc hội, trong xây dựng pháp luật thì Quốc hội Việt Nam sẵn sàng đối thoại, còn nếu thuộc phạm vi của các cơ quan thực thi pháp luật thì Quốc hội Việt Nam cũng sẽ giám sát và có trả lời cụ thể", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
"Thời gian qua, Việt Nam đã trao đổi thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng với các cơ quan của EU về các vấn đề mà EU quan tâm và đang triển khai nhiều hoạt động cụ thể, như Quốc hội sẽ xem xét, sửa đổi Bộ luật Lao động ngay trong kỳ họp tháng 5 tới; các cơ quan của Việt Nam đã có các phiên đối thoại với EU về vấn đề nhân quyền; triển khai hàng loạt biện pháp chống các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý...", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Nguyên Mẫn