Hơn một nửa doanh nghiệp nước ngoài dự định mở rộng đầu tư ở Việt Nam
Hơn một nửa doanh nghiệp nước ngoài dự định mở rộng đầu tư ở Việt Nam
Dù đánh giá tích cực về những thay đổi trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp FDI vẫn lo ngại về chất lượng lao động...
Khảo sát cho thấy tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp đã giảm đáng kể.
|
Cảm nhận của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về môi trường kinh doanh của Việt Nam đang tiếp tục xu hướng tích cực. Vốn FDI giải ngân tăng, vốn FDI đăng ký vẫn duy trì ở mức cao. Kết quả từ tác động bởi sự cải thiện chính sách, gánh nặng thực thi pháp luật nhẹ bớt, chi phí không chính thức cũng đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, một số lĩnh vực đòi hỏi nỗ lực cải thiện nhiều hơn nữa.
Điều tra PCI năm 2018 với 1.500 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại 20 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp FDI vẫn lạc quan vào môi trường kinh doanh. Hơn một nửa số doanh nghiệp FDI (53,1%) báo lãi trong năm 2018, trong khi số doanh nghiệp báo lỗ là 36,7%, gần bằng với mức của năm 2017. Bên cạnh đó, có 58,2% số doanh nghiệp cho biết sẽ tăng quy mô lao động và 56% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong 2 năm tới...
Gánh nặng thực thi quy định nhẹ bớt
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm bớt gánh nặng thực thi quy định đối với các doanh nghiệp FDI. Tỷ lệ các doanh nghiệp phải dành hơn 5% quỹ thời gian cho việc tìm hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính giảm khoảng 70% trong những năm 2012-2016 xuống còn 66,2% trong năm 2017 và 42,6% vào năm 2018.
Cùng với đó, tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp đã giảm đáng kể. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết bị thanh tra quá mức, phải tiếp từ 8 đoàn thanh, kiểm tra trở lên trong một năm đã giảm từ 4,6% trong năm 2016 xuống còn 3,4% trong năm 2017 và chỉ còn 1,4% vào năm 2018.
Mặc dù có những chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh, kiểm tra, các doanh nghiệp FDI cho biết vẫn gặp khó khăn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đơn cử việc thông quan hàng nhập khẩu trung bình vẫn mất hai ngày, trong khi thời gian thông quan hàng xuất khẩu tăng từ 1 lên 2 ngày trong năm 2018.
Theo các doanh nghiệp FDI, ba lĩnh vực thủ tục hành chính mà họ cho biết đang gặp phiền hà là hải quan (28%), bảo hiểm xã hội (26%) và thuế (25%). Tình trạng phải chi trả chi phí không chính thức có xu hướng giảm đáng kể. Xu hướng này đã được nhìn thấy trong báo cáo PCI năm ngoái.
Năm nay, xu hướng này rõ nét hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng "cán bộ Nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức" giảm từ 44,6% trong năm 2017 xuống còn 36,5% năm 2018. Tỷ lệ doanh nghiệp đã từng chi trả chi phí không chính thức cho các cán bộ thanh, kiểm tra giảm từ 44,9% trong năm 2017 xuống còn 39,9% vào năm 2018. Số doanh nghiệp cho biết đã phải chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục về đất đai đã giảm từ 17,5% trong năm 2017 xuống chỉ còn 6,8% vào năm nay.
Số các doanh nghiệp cho biết không phải trả bất kỳ khoản phí không chính thức nào tăng so với trước. Cụ thể, tỷ lệ này là 16,4% năm 2015, tăng dần lên 25,9% năm 2016, 31,3% năm 2017 và 37,5% vào năm ngoái. Đối với những doanh nghiệp phải chi trả cho loại chi phí này, thì gánh nặng đã giảm bớt.
Trong năm 2017, 2,6% số doanh nghiệp cho biết đã trả hơn 10% thu nhập hàng năm cho các chi phí không chính thức. Con số này đã giảm xuống chỉ còn 1,5% trong năm 2018. Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp dành từ 5-10% thu nhập cho chi phí này năm 2018 chỉ là 1,8%, giảm từ 3,8% trong năm 2017.
Lo ngại chất lượng lao động
Tuy nhiên, bức tranh không mấy sáng sủa khi doanh nghiệp muốn tìm kiếm lao động lành nghề, có kỹ năng cao như cán bộ kỹ thuật, giám sát và quản lý. 74% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi tuyển dụng vị trí cán bộ kỹ thuật. Số doanh nghiệp cho biết khó tuyển được các vị trí giám sát và quản lý là rất cao, lần lượt là 84% và 91%.
Năm 2014 chứng kiến sự sụt giảm đột ngột trong đánh giá của doanh nghiệp FDI về chất lượng đào tạo nghề tại địa phương. Tình hình không có nhiều biến chuyển kể từ thời điểm đó. Điểm số chất lượng đào tạo lao động do doanh nghiệp FDI đánh giá vẫn duy trì ở mức ổn định trong vòng 5 năm qua và vẫn chưa phục hồi trở lại của mức trước năm 2014.
Một vấn đề khác về lao động mà doanh nghiệp FDI phải đối mặt, đó là tình trạng lao động mà họ đã mất công đào tạo nghỉ việc. Điển hình, tỷ lệ lao động được doanh nghiệp đào tạo tiếp tục làm việc trên một năm giảm từ 76,1% năm 2013 xuống chỉ còn 63% năm 2017 và 2018.
Trong khi đó, 79% doanh nghiệp cho biết hài lòng với chất lượng giáo dục phổ thông, trong khi chỉ có 71% hài lòng với chất lượng đào tạo nghề. Cùng với vấn đề người lao động chuyển sang doanh nghiệp khác làm việc sau khi được đào tạo là tình trạng sụt giảm tỷ lệ lao động có hợp đồng lao động chính thức. Từ mức 95,3% năm 2013, con số này đã giảm dần xuống còn 85% năm 2018.
"Có thể thấy mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp ngày càng trở nên ngắn hạn và ít chính thức hơn", báo cáo nhận định. Báo cáo PCI 2017 đã cảnh báo nếu tiếp diễn có thể dẫn tới hai hậu quả.
Thứ nhất, do những kỹ năng được doanh nghiệp đào tạo thường mang tính đặc thù theo doanh nghiệp, vì thế người lao động khi chuyển việc sang công ty khác sẽ khó tận dụng tốt nhất những kỹ năng này.
Thứ hai và quan trọng hơn, tình trạng lao động bỏ việc nhiều sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đào tạo kỹ năng cho người lao động Việt Nam. Như vậy sẽ hạn chế tác động của hiệu ứng lan tỏa về kỹ năng và kiến thức từ khối doanh nghiệp FDI cũng như cản trở Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng. Mức độ cam kết thấp cùng kỹ năng đầu vào kém của lao động Việt Nam đang đặt các doanh nghiệp FDI vào tình thế nan giải.
VŨ KHUÊ