Hy vọng về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung chưa đủ để khiến chứng khoán châu Á đột phá
Hy vọng về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung chưa đủ để khiến chứng khoán châu Á đột phá
Chứng khoán châu Á rơi vào trạng thái trái chiều trong buổi sáng ngày thứ Sáu (05/04) khi nhà đầu tư đợi chờ thêm thông tin chi tiết về thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tính tới lúc 10h40 ngày thứ Sáu (05/04 – giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tiến 69.42 điểm (tương đương 0.32%), khi cổ phiếu Fanuc – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – tăng 1.52%, còn Topix cũng tiến 0.37%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 10h40 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Chứng khoán Nhật Bản diễn biến tích cực sau khi dữ liệu cho thấy chi tiêu hộ gia đình tại xứ sở hoa anh đào tăng yếu hơn dự báo trong tháng 2/2019, tăng 1.7% so với cùng kỳ năm trước. Con số này thấp hơn ước tính trung vị 2.1% của các chuyên gia kinh tế, Reuters ghi nhận.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi chỉ nhích nhẹ 0.02%. Cổ phiếu Samsung Electronics – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – giảm 0.11% sau khi Công ty cảnh báo lợi nhuận quý 1/2019 có thể giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số ASX 200 của Australia giảm 40.40 điểm (tương đương 0.65%), khi hầu hết lĩnh vực đều giảm.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tạm ngưng hoạt động trong ngày thứ Sáu (05/04) nhân dịp lễ.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho biết Mỹ và Trung Quốc đã có một sự đồng thuận mới về văn bản thỏa thuận thương mại, dựa trên nguồn tin từ Tân Hoa Xã.
Trong tuần này, ông Lưu Hạc đã dẫn một phái đoàn tới Washington để gặp các quan chức Mỹ nhằm tổ chức thêm một vòng đàm phán cấp cao mới khi hai bên cố gắng hết sức để chấm dứt tình trạng căng thẳng thương mại kéo dài. Trong ngày thứ Năm (04/04), ông Lưu Hạc đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Phòng Bầu dục.
Tờ Wall Street Journal đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ thông báo ngày diễn ra hội nghị thương mại thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, vào cuối ngày thứ Năm, qua đó giúp nâng cao tâm lý thị trường. Tuy nhiên, CNBC sau đó đưa tin rằng những điểm như cơ chế thực thi bất kỳ thỏa thuận nào vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.
Tuy nhiên, một chuyên viên phân tích cho biết trên chương trình “Street Signs” rằng bất kỳ thỏa thuận nào có lẽ cũng không toàn diện như những gì ông Trump nói và thỏa thuận cũng không giải quyết tất cả vấn đề.
“Hãy nhớ, chúng ta đã có thay đổi về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) – về cơ bản chỉ là thay đổi về cái tên. Bạn biết là ông Trump hứa hẹn những điều lớn lao và ông ấy sẽ nói chúng ta sẽ có một thảo thuận. Đúng là sẽ có một vài động thái xảy ra. Nhưng tôi nghĩ, cách thức vận hành kinh tế cơ bản của Trung Quốc sẽ không thể ngày một ngày hai mà thay đổi được”, Fraser Howie, Chuyên viên phân tích độc lập, cho hay.
Thị trường tiền tệ và dầu
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 97.289 sau khi tăng từ mức 97 trong ngày hôm qua.
Đồng JPY – vốn được xem là đồng tiền trú ẩn an toàn – được giao dịch ở mức 111.68 đổi 1 USD sau khi dao động quanh mức 111.5 đổi 1 USD trong phiên trước. Đồng AUD được sang tay ở mức 0.7119 USD sau một phiên đầy biến động trong ngày hôm qua (04/04) và dao động quanh mức 0.711 USD.
Giá dầu suy giảm trong phiên giao dịch châu Á ngày thứ Sáu (05/04). Hợp đồng dầu Brent tương lai giảm 0.35% xuống 69.16 USD/thùng, sau khi có lúc vượt ngưỡng 70 USD/thùng trong phiên trước, còn hợp đồng dầu WTI tương lai giảm nhẹ xuống 62.06 USD/thùng.
Khi giá dầu đi lên trong năm nay giữa lúc nguồn cung dầu thô bị thắt chặt, Libya – một nhà sản xuất lớn thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu thô (OPEC) đang ở gần bờ vực chiến tranh.
FiLi