KBSV: VN-Index vượt lên 1,000 điểm vào cuối quý 2
KBSV: VN-Index vượt lên 1,000 điểm vào cuối quý 2
Trên cơ sở ổn định về mặt vĩ mô cũng như mức tăng trưởng vừa phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết, CTCK KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ hồi phục về cuối quý 2/2019 và duy trì trên mốc 1,000 điểm nhờ được hỗ trợ bởi xu hướng mua ròng của khối ngoại.
Mới đây, KBSV đã công bố báo cáo chiến lược quý 2/2019.
Thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn so với khu vực
Trong quý 1/2019, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh thứ 2 trong 6 thị trường trong khu vực được KBSV theo dõi (chỉ sau TTCK Trung Quốc). Trước đó, trong quý 4/2018, TTCK Việt Nam cũng là một trong những thị trường giảm sâu nhất. Theo KBSV, điều này phản ánh mức độ biến động mạnh của chỉ số VN-Index do đặc tính của TTCK Việt Nam có tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân lớn (chiếm 70%-80% giá trị giao dịch), khiến thị trường bị ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố tâm lý và thường phản ứng mạnh trước các yếu tố thông tin. Sau nhịp tăng điểm trong quý 1, P/E của TTCK Việt Nam đang ở mức trung bình trong khi ROE ở mức cao nhất so với các thị trường trong khu vực, kéo theo chỉ số P/B cao. Đáng chú ý, ROE của các doanh nghiệp Việt Nam cao có nguyên nhân chính do các doanh nghiệp sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính.
Về tổng thể, KBSV đánh giá TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn hơn so với các TTCK trong khu vực nhờ tăng trưởng EPS duy trì ở mức cao tương đối, cùng với hiệu quả hoạt động (thể hiện qua ROE) cao. Tuy nhiên, việc phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay khiến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn bởi biến động ở mặt bằng lãi suất, là yếu tố rủi ro hàng đầu cần được theo dõi chặt chẽ.
Thông tin trong nước trở nên trầm lắng
KBSV nhận định nếu quý 1 là giai đoạn cao điểm về yếu tố thông tin trong nước có tác động đến TTCK, trong đó có thể kể đến các thông tin liên quan đến các chỉ tiêu vĩ mô đạt được trong năm cũ cũng như chỉ tiêu cho năm mới, KQKD doanh nghiệp năm vừa qua, kế hoạch kinh doanh và các thông tin xuất hiện trong mùa đại hội cổ đông…, giai đoạn quý 2 thường là khá trầm lắng về mặt thông tin.
Đối với các chính sách vĩ mô, tiền tệ, quý 2 là giai đoạn thăm dò và đánh giá cho các điều chỉnh trong 2 quý cuối năm. Về phía doanh nghiệp, mùa đại hội cổ đông giai đoạn đầu quý, cùng với KQKD các doanh nghiệp quý 1 được công bố cũng sẽ tạo ra các điểm nhấn và xáo trộn nhất định trên thị trường trong tháng 4, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, mức độ tác động tích cực của mùa ĐHĐCĐ năm nay đến thị trường, theo KBSV đánh giá, sẽ không quá lớn do kế hoạch cũng như triển vọng kinh doanh 2019 của các doanh nghiệp nhìn chung sẽ có phần chậm lại sau 2 năm tăng trưởng đột biến. Trong giai đoạn tháng 5 và tháng 6, thông tin doanh nghiệp sẽ tương đối trầm lắng.
Hồi phục vào cuối quý 2 nhờ dòng vốn ngoại
Ở một khía cạnh khác, KBSV nhận định thị trường sẽ đón nhận nhiều thông tin có tầm ảnh hưởng đến từ ngoại biên. Trong đó, các thông tin chính liên quan đến các vấn đề như đàm phán thương mại Mỹ - Trung, diễn biến đường cong lợi suất của Mỹ, chính sách tiền tệ cũng như các dự báo về triển vọng kinh tế Mỹ, sự kiện Brexit, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, biến động giá dầu... Đây là những yếu tố tác động tương đối khó dự đoán cả về xu hướng lẫn mức độ ảnh hưởng.
Về triển vọng nâng hạng thị trường, các đánh giá, phân loại của MSCI về TTCK Việt Nam nhìn chung đã được dự báo từ trước và nhiều khả năng sẽ không tạo nên bất ngờ đáng chú ý nào. Việc tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index tăng từ 16.47% lên 25.8% (trong kịch bản cả Argentina và Kuwait cùng được nâng hạng) giúp thu hút tốt nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. KBSV nhận xét, dòng tiền đến từ các quỹ đầu tư thụ động có thể sẽ chưa có chuyển biến đáng chú ý ngay trong quý 2, tuy nhiên dòng tiền của các quỹ đầu tư chủ động sẽ giải ngân sớm để tìm kiếm cơ hội.
Nếu các yếu tố ngoại biên không chuyển biến xấu, KBSV kỳ vọng chỉ số VN-Index điều chỉnh giằng co vào đầu quý trước khi hồi phục về cuối quý và duy trì trên mốc 1,000 điểm nhờ được hỗ trợ bởi xu hướng mua ròng của khối ngoại, sự ổn định về mặt vĩ mô cũng như mức tăng trưởng vừa phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết.
FILI