Làm giàu từ lan rừng
Làm giàu từ lan rừng
“Trồng chơi ăn thật” là câu nói cửa miệng của giới chơi lan rừng ở Di Linh (Lâm Đồng), đôi khi bán được một giò lan cũng bằng tiền lương cả năm trời của một công chức.
K'Nam trong vườn lan rừng. Lâm Viên
Anh K’Nam (ngụ tổ dân phố Ka Minh, TT.Di Linh, H.Di Linh) mới chơi lan chuyên nghiệp hơn 1 năm nay, nhưng khu vườn nhỏ của anh cũng có mặt hàng chục loại lan rừng khác nhau. Với khoảnh đất 100 m2 cạnh vườn cà phê, K’Nam đầu tư lắp ráp khu vườn trồng lan khá kiên cố, có hệ thống tưới phun tự động, bên trên là lớp lưới vừa che mát, vừa chống trộm.
K’Nam chia sẻ: “Sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tôi bán giò lan Giã Hạc trắng được hơn 40 triệu đồng, gần bằng tiền lương cả năm trời khi tôi còn làm ở cơ quan cũ”. K’Nam giải thích: “Giã Hạc xuân Di Linh là giống lan đặc hữu, là thương hiệu riêng của giới chơi lan rừng dành cho loài lan Giã Hạc xuất xứ ở cao nguyên Di Linh. Điểm đặc biệt của loài hoa này là nở hoa khoe sắc vào mùa xuân, trong khi Giã Hạc nơi khác thường nở vào mùa hè”.
Anh Phạm Thế Quyền (ngụ TT.Di Linh), người có nhiều năm chơi lan, cho biết thêm Giã Hạc có hàng trăm loại khác nhau, nhưng quý nhất vẫn là loài lan đột biến về màu sắc cánh hoa. Ở Di Linh hiện có các loại Giã Hạc quý là Giã Hạc trắng và tím, đặc biệt Giã Hạc 5 cánh trắng Di Linh rất có giá trị và được giới sành lan tìm mua với giá vài trăm triệu đồng/giò. “Thông thường các loại Giã Hạc quý được giới mua bán lan định giá bằng chiều dài mỗi cành, cứ 1 cm có giá 500.000 - 600.000 đồng, hoặc vài triệu đồng tùy loại”, anh Quyền nói.
Khởi đầu, anh Quyền chơi lan như một thú vui và đam mê, đến khi phát hiện ở Di Linh có một số loài lan quý hiếm, anh đã sưu tầm và chuyển hướng kinh doanh lan rừng. Việc nhân giống lan rừng đều được thực hiện tại nhà bằng phương pháp thủ công hoặc trong phòng thí nghiệm. Theo tính toán của anh Quyền, với loại lan quý như Giã Hạc hay giống phong lan rừng thường, người dân có thể thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng mỗi năm nhờ bán cây giống hoặc giò lan đã có hoa. Mức thu này gấp nhiều lần so với trồng cà phê, mỗi sào (1.000 m2) trồng lan rừng có thể cho thu nhập bằng 10 ha cà phê.
Anh Phạm Văn Tuấn, chủ vườn lan Minh Quang (TT.Di Linh), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Lan Di Linh, là người tiên phong nhân giống lan rừng bằng phương pháp gieo hạt, đồng thời nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy quy mô công nghiệp. Anh Tuấn cho biết, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, anh lập 2 khu vườn ươm cây con cung cấp giống của 3 loại lan chính ở Di Linh gồm: Giã Hạc, Kim Điệp, Long Tu. “Tuy không thể sánh bằng cây giống từ rừng nhưng cây con tạo ra bằng phương pháp nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cũng đạt chuẩn nên được thị trường chấp nhận. Đây cũng là giải pháp để bảo tồn những loại lan rừng quý hiếm của Di Linh hay một số vùng khác trước nguy cơ mai một”, anh Tuấn chia sẻ.
Nhờ trồng hoa lan, đặc biệt là lan rừng quý hiếm, nhiều người dân ở H.Di Linh (Lâm Đồng) có nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng cà phê. Hiện nay, ở Di Linh đã hình thành nhiều vườn lan có tiếng, không chỉ để thỏa chí đam mê mà còn phục vụ khách chơi lan.
Lâm Viên