Mở hàng chục triệu ví điện tử, nhưng chỉ 4,2 triệu ví tiêu tiền…
Mở hàng chục triệu ví điện tử, nhưng chỉ 4,2 triệu ví tiêu tiền…
Con số được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ngày 1.4, tính đến thời điểm 31.12.2018, Việt Nam có khoảng 4,2 triệu ví điện tử (ĐT) kết nối tài khoản ngân hàng. Đây là con số không như mong đợi bởi theo thông tin từ các Cty vận hành ví ĐT tại Việt Nam hiện nay, hiện số ví được mở đã lên đến hàng chục triệu.
Tài khoản ví điện tử được kích hoạt nhiều nhưng tỉ lệ kết nối tài khoản ngân hàng còn thấp (ảnh: PK).
|
Theo con số từ Vụ Thanh toán thuộc NHNN, cả nước hiện có 26 tổ chức cung ứng dịch vụ ví ĐT với 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán bằng ví. Năm 2018, với 4,2 triệu ví ĐT đã được kết nối với tài khoản ngân hàng, hệ thống ngân hàng đã xử lý 214 triệu giao dịch với giá trị 91.000 tỉ đồng, giảm 4,5% so với năm 2017.
Trong khi thanh toán qua ví ĐT giảm thì thanh toán điện tử nói chung lại tăng khá mạnh. Năm 2018, hệ thống ngân hàng xử lý thanh toán điện tử 73 triệu tỉ đồng, trung bình mỗi ngày xử lý khoảng 300.000 tỉ đồng thanh toán điện tử, tăng hơn năm 2017 đến 25%.
Như vậy dù số lượng ví ĐT nhiều lên nhưng chưa vội mừng, vì chất lượng hoạt động (thể hiện qua giá trị giao dịch) chưa cao, ngược lại còn giảm.
Số lượng tài khoản ví ĐT đã được kích hoạt hiện lên đến hàng chục triệu ví. Đơn cử, MoMo dịp trong Tết đã công bố đạt mốc 10 triệu người dùng. Những ví còn lại, ví ít nhất cũng có từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn người dùng, nhiều hơn thì lên đến 2-3 triệu người dùng.
Câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” về việc sử dụng ví ĐT là người dùng mở nhiều nhưng ít người sử dụng nằm ở khúc mắc là tài khoản kết nối hiện chỉ duy nhất từ ngân hàng.
Nếu người dùng ví ĐT không kết nối với tài khoản ngân hàng, thì gần như không có cách nào thuận tiện khác để nạp tiền vào ví sử dụng chi trả cho các hóa đơn dịch vụ và tiêu dùng khác. Tuy nhiên, như Phó Giám đốc một Cty vận hành ví ĐT từng chia sẻ: “Hiện mới chỉ có khoảng 30% dân số có tài khoản ngân hàng, đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho việc thị trường ví điện tử tại Việt Nam phát triển chậm”.
Chính con số chỉ có 4,2 triệu ví ĐT trong tổng số hàng chục triệu ví được mở đã nói lên điều đó. Có ví, có tài khoản ngân hàng thì mới nạp tiền vào để chi tiêu cho các giao dịch. Còn nếu phải trực tiếp đến điểm giao dịch ví ĐT để nạp tiền vào ví thì không thuận tiện, mất thời gian. Những yếu tố rào cản này chính là nguyên nhân tạo ra các tài khoản ví ĐT “rác” mà người dùng đã đăng ký mở ra nhưng lại ít hoặc không sử dụng.
Cũng theo vị Phó Giám đốc trên, cần thúc đẩy nhanh lộ trình mở rộng các loại hình tài khoản phi ngân hàng để có thể dễ dàng, thuận lợi nạp tiền vào ví ĐT, từ đó góp phần giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế xuống nhanh hơn.
Thế Lâm