Người chăn nuôi heo hoảng loạn khi virus dịch tả heo lan rộng
Người chăn nuôi heo hoảng loạn khi virus dịch tả heo lan rộng
Hơn 80% nông trại tại Trung Quốc đã quyết định không tái đàn, theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Trong ngày Chủ nhật (21/04), có nguồn tin xác nhận rằng virus dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 6 trang trại ở Hải Nam. Virus dịch tả đã lan rộng ra khắp Trung Quốc kể từ khi được ghi nhận lần đầu trong tháng 8/2018, trong đó hơn 1 triệu con heo đã bị tiêu hủy.
“Những người chăn nuôi chưa bao giờ có tâm lý hoảng loạn như thế này”, Wang Junxun, Phó Giám đốc tại Văn phòng chăn nuôi và dịch vụ thú y thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, cho hay tại hội nghị ở Bắc Kinh vào cuối tuần trước.
Trung Quốc – vốn sản xuất ra gần một nửa lượng thịt heo trên thế giới – chứng kiến số lượng heo giảm mạnh nhất từ trước đến nay trong vài tháng vừa qua, ông Wang nhận định. Trong tháng 3/2019, số lượng đàn heo nái có năng suất của Trung Quốc đã giảm 21% so với cùng kỳ năm trước sau đà giảm 19% trong tháng 2/2019, dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho thấy. Bên cạnh việc châm ngòi cho đà tăng vọt của giá thịt heo, sự bùng phát của dịch tả cũng làm giảm nhu cầu đậu nành – một nguồn thức ăn dành cho chăn nuôi, trong đó Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới.
Thiếu đi các biện pháp an toàn về mặt sinh học tại nhiều nông trại có quy mô nhỏ, cùng với số lượng lớn heo sống đang được vận chuyển từ xa, được cho là nguyên nhân dẫn tới sự lan rộng của dịch tả, Wang nhận định. Sự bùng phát dịch tả heo ở Hải Nam trong ngày Chủ nhật (21/04) diễn ra sau dịch tả bùng phát ở hai trang trại khác – vốn được Bộ Nông nghiệp Trung Quốc xác nhận trong ngày thứ Sáu (19/04).
Dự báo tới tháng 9/2019, kim ngạch nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc có thể giảm xuống 85-86 triệu tấn, Chen Gang, Phó Chủ tịch của Hiệp hội Ngành Công nghiệp Dầu Thực vật Trung Quốc, cho hay. Con số này dưới mức dự báo 88 triệu tấn của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Sự suy giảm về lượng đàn heo sẽ làm giảm nhu cầu sữa đậu nành – một sản phẩm từ đậu nành – lần đầu tiên trong nhiều năm, ông Chen cho biết.
Thích ăn thịt heo
“Nếu sự tự tin của những người chăn nuôi không thể phục hồi thì điều này sẽ gây tổn thương tới người tiêu dùng”, ông Wang nhận định. Nguồn cung thịt heo có thể suy giảm và giá sẽ chạm mức kỷ lục trong 6 tháng cuối năm 2019, trước khi thắt chặt thêm vào năm 2020, ông Wang chia sẻ.
Người dân Trung Quốc rất thích ăn thịt heo, trong đó thịt heo chiếm tới hơn 60% lượng tiêu thụ thịt và sự ưa chuộng của người dân dành cho loại thịt này đang gây áp lực lên các cơ quan chức trách để đảm bảo sẽ có đủ nguồn cung cho người dân, ông Wang nhận định.
Mặc dù việc tăng cường nhập khẩu có thể khỏa lấp sự thiếu hụt về nguồn cung, nhưng khối lượng thương mại toàn cầu có thể không đủ để lấp đầy khoảng trống về nguồn cung của Trung Quốc, Zhu Zengyong, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc thuộc Viện Thông tin Nông nghiệp, cho hay.
Nếu nguồn cung thịt heo nội địa của Trung Quốc giảm 10%, quốc gia này sẽ cần nhập khẩu hơn 2 triệu tấn thịt heo, ông Zhu cho biết tại hội nghị ở Bắc Kinh. Việc khối lượng thịt heo thương mại hàng năm (9 triệu tấn) chỉ tương đương 2 tháng tiêu thụ của người Trung Quốc, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Trong các loại thịt thay thế, việc mở rộng chăn nuôi gia cầm của Trung Quốc cũng đang bị hạn chế.
Sản lượng thịt gà Trung Quốc có thể tăng 2.4% trong năm 2019, trong khi lượng tiêu thụ có thể tăng 2.6%, dữ liệu về triển vọng từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho thấy.
FiLi