Nước Anh lại đối mặt với nguy cơ Brexit không thỏa thuận
Nước Anh lại đối mặt với nguy cơ Brexit không thỏa thuận
Trong tuần này, tương lai chính trị của Anh vẫn giữ nguyên sự bất ổn khi các cuộc họp giữa hai Đảng nhằm giải quyết vấn đề Brexit vẫn chưa đề ra được thỏa hiệp nào về những vấn đề quan trọng đáng lẽ đã phải được giải quyết.
Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk (phải), trong một buổi họp diễn ra vào năm 2017. Nguồn: CNBC
|
Trong khi đó, tại châu Âu, mọi ánh mắt đang đổ dồn vào các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), những người sẽ họp mặt vào ngày thứ Tư (10/04) tới để quyết định xem có nên cho nước Anh thêm thời gian để rời khỏi khối liên minh này hay không.
Tuần trước, Thủ tướng Anh Theresa May đã yêu cầu gia hạn quá trình Brexit đến ngày 30/06/2019, nhưng có những dấu hiệu khá rõ ràng cho thấy châu Âu đang bất đồng về việc cho Anh thêm thời gian, đặc biệt Pháp tỏ ra không mấy thích thú với việc gia hạn thêm cho Brexit.
Đa số nhà làm luật Anh đã từ chối bản thỏa thuận của bà May đến ba lần, đồng thời gạt bỏ kịch bản Brexit không thỏa thuận, và lại không thể đưa ra lựa chọn thay thế. Hiện tại, bà May đang phải nhờ đến đối thủ chính trị của bà, lãnh đạo Đảng Lao động Jeremy Corbyn, để tìm cách thoát khỏi bế tắc cho quá trình Brexit.
Tuy nhiên, những cuộc họp của hai đảng này vẫn chưa đem lại kết quả gì nhiều và đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục họp vào ngày thứ Hai (08/04).
Vì vậy, nếu EU từ chối yêu cầu gia hạn đến ngày 30/06/2019 của Anh (hoặc phản đối đề nghị gia hạn dài hơn) thì Anh có thể phải đối mặt với việc đưa ra sự lựa chọn rõ ràng vào ngày thứ Sáu (12/04) – rời khỏi EU mà không có thỏa thuận hoặc thu hồi toàn bộ quá trình rời khỏi EU (còn được gọi là Điều 50).
Sự bất ổn về chính trị và tình hình rối loạn hiện nay của Anh đã khiến các chính trị gia và công chúng thất vọng với khoảng thời gian kéo dài của quá trình Brexit. Vốn dĩ, Anh được ấn định sẽ rời khỏi khối liên minh vào ngày 29/03/2019, nhưng đã được gia hạn thêm thời gian vì không có bản thỏa thuận nào được phê chuẩn.
Các cuộc bầu cử của Quốc hội châu Âu sắp diễn ra vào cuối tháng 5/2019 là một sự kiện trọng đại của EU và quá trình Brexit đang là một nguồn gây xao nhãng phức tạp mà không ai mong muốn đối với các cuộc bầu cử này. Thế nên, không chắc các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ đưa ra những quyết định gì trong cuộc họp sắp diễn ra vào ngày thứ Tư (10/04).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Donald Tusk đã đề nghị gia hạn cho Brexit thêm một năm nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng nếu Anh được gia hạn thêm thời gian thì phải đi kèm với những điều kiện thật cứng rắn.
Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho biết trong ngày thứ Bảy (06/04) rằng không có khả năng các lãnh đạo EU sẽ phủ quyết đề xuất gia hạn thêm thời gian cho Brexit, nhưng nếu nước nào bất kỳ không đồng ý “sẽ không được tha thứ vì quyết định đó”.
Holger Schmieding, Chuyên gia kinh tế tại Berenberg Bank, nói rằng ngân hàng này hy vọng EU “sẽ miễn cưỡng gia hạn thêm thời hạn Brexit cho nước Anh” bởi vì giải pháp thay thế “một Brexit cứng với nhiều sự hỗn loạn về chính trị hơn nữa ở đất nước mà sau này vẫn sẽ là quốc gia láng giềng của nước mình, thì quá tệ”.
“Hầu hết những bình luận thận trọng đến từ những nhà lập pháp EU đều đi theo hướng đó. Tuy nhiên, để đi đến quyết định thống nhất về việc gia hạn thêm cho quá trình Brexit của Anh tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp diễn ra vào ngày 10/04 là không dễ dàng đối với EU. Việc này sẽ làm nảy sinh những mối lo ngại nghiêm trọng và những nguy cơ kéo theo cực kỳ tồi tệ”, ông Schmieding cho biết trong một báo cáo ngày thứ Hai (08/04).
“EU có thể sẽ hỏi tại sao việc gia hạn thêm một thời gian nữa lại giúp Anh đi đến nhất trí được, trong khi lần gia hạn đầu tiên không đem lại kết quả gì”.
Bà May đã chịu nhiều chỉ trích từ những thành viên ủng hộ Brexit trong chính Đảng Bảo thủ của bà và cả từ Đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland (DUP) vì bà đã dựa vào sự ủng hộ từ trước đến giờ của Chính phủ thiểu số này.
Tuy nhiên, bà May đã bảo vệ cho quyết định đàm phán với Đảng lao động. Vào ngày Chủ nhật (07/04), bà phát biểu trong video trên Twitter rằng bà không thấy viễn cảnh Quốc hội chấp nhận bản thỏa thuận Brexit của bà sau khi đã ba lần từ chối nó và “lựa chọn mà nước Anh sắp phải đối mặt hoặc là rời khỏi EU với một bản thỏa thuận hoặc là sẽ không có chuyện rời khỏi EU nữa”.
"Con mèo của Schrodinger"
Brexit đã trở thành yếu tố chính gây ảnh hưởng đến Bảng Anh trong nhiều tháng qua và vào ngày thứ Sáu (05/04) vừa qua, đồng tiền này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tuần tại mức 1.2987 USD khi Pháp và Hà Lan bày tỏ sự nghi ngờ đối với kế hoạch gia hạn Brexit của bà May. Đến ngày thứ Hai (08/04), Bảng Anh đã hồi phục lại ở mức 1.3064 USD. Chỉ số FTSE 100 của Luân Đôn giảm trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai.
Simon Derrick, Chiến lược gia tiền tệ tại BNY Mellon, đã ví tình trạng lơ lửng của Bảng Anh với một thí nghiệm tưởng tượng có tên là “Con mèo của Schrodinger” – đặt một con mèo vào trong một chiếc hộp với những thứ có thể giết chết nó và đóng nắp lại, người quan sát không thể biết được con mèo sống hay chết (và vì vậy con mèo đều đang sống và đang chết) trước khi chiếc hộp được mở ra.
Tương tự như vậy, số phận của Bảng Anh không thể biết trước được cho đến cuối tuần này, ông Derrick trả lời với CNBC vào ngày thứ Hai (08/04).
“Bảng Anh cứ như là đồng tiền của Schrodinger”, ông ấy trả lời trên chương trình “Squawk Box Europe”.
“Bảng Anh có thể lên tới 1.50 USD hoặc xuống 1.10 USD tùy thuộc vào kết quả của Brexit nhưng bạn không thể biết được nó sẽ ở mức nào đến khi việc đó diễn ra. Cho đến khi bạn mở chiếc hộp đó ra thì bạn sẽ không biết được và Brexit chính là chiếc hộp đó”.
Ông Derrick nhấn mạnh rằng tỷ giá 1.30 USD là mức trung bình của Bảng Anh so với USD kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 “và hiện giờ, chúng ta đang mắc kẹt tại mức giá này”.
“Hoàn toàn có khả năng vào cuối tuần này, chúng ta sẽ đến được thời điểm thật sự mở chiếc hộp đó ra”, ông Derrick nói thêm.
Có một “khả năng hoàn toàn hợp lý” rằng Thủ tướng May sẽ phải đến dự hội nghị thượng đỉnh với Ủy ban châu Âu vào ngày thứ Tư (10/04) với một bàn tay trắng, ông Derrick cho biết, và cũng “hoàn toàn có khả năng rằng Pháp, Tây Ban Nha và có thể là cả Bỉ sẽ áp dụng câu ‘không thỏa thuận, không gia hạn’ và chúng ta đều đang mong mỏi đến cuối tuần này để đưa ra quyết định”, ông Derrick nói.
“Những lựa chọn hiện có, hoặc là Brexit không thỏa thuận hoặc không Brexit nữa… Hoàn toàn có khả năng sẽ là Brexit không thỏa thuận, cũng hoàn toàn có thể sẽ không có vụ Brexit nữa”, ông Derrick nói.
Fili