Quốc hội Anh tiếp tục tranh cãi, Brexit vẫn bế tắc
Quốc hội Anh tiếp tục tranh cãi, Brexit vẫn bế tắc
Cuộc “ly hôn” lịch sử giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit, vẫn chưa thể tìm ra lối thoát...
Thủ tướng Anh Theresa May rời văn phòng ở số 10 phố Downing, London, ngày 1/4 - Ảnh: Reuters.
|
Cuộc "ly hôn" lịch sử giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit, vẫn chưa thể tìm ra lối thoát, khi Quốc hội Anh ngày 1/4 một lần nữa không quyết được giải pháp thay thế cho thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May.
Theo tin từ Reuters, sau khi thỏa thuận Brexit của bà May bị Quốc hội bác bỏ lần thứ ba vào hôm thứ Sáu tuần trước bất chấp việc bà May hứa sẽ từ chức Thủ tướng nếu thỏa thuận được thông qua, hướng đi của Brexit càng thêm phần mờ mịt.
Trong một nỗ lực nhằm phá vỡ thế bế tắc, Quốc hội Anh ngày thứ Hai tiến hành một cuộc bỏ phiếu để chọn ra 1 trong 4 giải pháp thay thế cho thỏa thuận Brexit của bà May. Tuy nhiên, tất cả 4 giải pháp này đều không hội đủ số phiếu cần thiết.
Trong đó, giải pháp có số phiếu cao nhất là đề xuất giữ Anh trong một liên minh hải quan với EU. Chỉ cần có thêm 3 phiếu là giải pháp này đạt đa số phiếu.
Đề xuất tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý xác nhận đối với bất kỳ thỏa thuận Brexit nào đạt 280 phiếu thuận và có 292 phiếu chống.
Cả hai giải pháp trên đều bị Chính phủ của bà May phản đối.
Đối với giải pháp thứ nhất, điều đó đồng nghĩa Anh phải từ bỏ quyền tự do ký kết thỏa thuận thương mại riêng với các quốc gia khác trên thế giới mà nhiều nghị sỹ hoài nghi EU trong Đảng Bảo thủ cầm quyền từ lâu mong muốn.
Đối với giải pháp thứ hai, bà May cho đó là sự phản bội đối với những cử tri đã được hứa rằng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 sẽ được thực thi, và có thể một cuộc trưng cầu dân ý nữa sẽ chẳng giải quyết được điều gì.
Sau khi kết quả cuộc bỏ phiếu được công bố, Bộ trưởng phụ trách Brexit, ông Steven Barclay, nói rằng lập trường mặc định hiện nay là Anh sẽ rời EU vào ngày 12/4 mà không có thỏa thuận nào, và đây chính là kịch bản "ác mộng" đối với các doanh nghiệp quốc tế.
"Lựa chọn duy nhất còn lại là tìm ra một cách sao cho Anh rời EU với một thỏa thuận", ông Barclay nói với Quốc hội Anh, đồng thời phát tín hiệu rằng bà May có thể đưa thỏa thuận Brexit của bà ra bỏ phiếu tại Quốc hội lần thứ tư trong tuần này để chắc chắn Anh ra khỏi EU có thỏa thuận.
Bà May muốn Brexit có thỏa thuận diễn ra trước ngày 23/5 - thời điểm bắt đầu bầu cử nghị viện châu Âu. Nếu không, tình hình sẽ trở nên bấp bênh hơn và đó là điều mà Chính phủ của bà May đang cố hết sức để tránh.
"Nếu Hạ viện nhất trí với một thỏa thuận Brexit trong tuần này, thì chúng ta sẽ không phải tham gia bầu cử nghị viện châu Âu", ông Barclay nói.
Trong lúc Chính phủ và Quốc hội Anh tiếp tục tranh cãi, các doanh nghiệp "chịu trận".
Hai hãng sản xuất ôtô vào hàng lớn nhất ở Anh là BMW và Peugeot cho biết do Brexit bị trì hoãn, họ sẽ triển khai kế hoạch đóng cửa một số nhà máy tại Anh vào tuần tới. Kế hoạch này đã được hai hãng vạch ra từ trước nhằm giảm thiểu sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng xuyên biên giới trong trường hợp Brexit không thỏa thuận xảy ra vào ngày 29/3.
Thế bế tắc chính trị ở London buộc bà May phải xin EU cho trì hoãn Brexit. Nhưng với tình hình hiện nay, Anh sẽ phải rời EU không có thỏa thuận vào ngày 12/4 trừ phi bà May đưa ra được một lựa chọn khả thi hơn khi các nhà lãnh đạo khối tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp về Brexit vào ngày 10/4.
Nghị sỹ Bảo thủ Mark Francois, một người có quan điểm hoài nghi về EU, nói với Reuters: "Những gì diễn ra vào buổi tối ngày hôm nay tại Hạ viện là một nỗ lực chống lại người dân Anh, và nỗ lực đó đã thất bại. Tôi cho rằng khả năng Brexit không thỏa thuận giờ đây là rất cao".
AN HUY