Quý 1: Nông lâm ngư nghiệp xuất siêu 1,55 tỷ USD
Quý 1: Nông lâm ngư nghiệp xuất siêu 1,55 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 3/2019 đạt 3,3 tỷ USD; đưa tổng giá trị xuất khẩu quý đầu năm của toàn ngành lên 8,8 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản giảm 13,4%; thủy sản tăng 0,5%; lâm sản tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý 1, xuất khẩu rau quả bất ngờ suy giảm.
|
Hiện đang nổi lên 4 thị trường lớn nhất của nông lâm thủy sản là: Trung Quốc chiếm 19,3% trong tổng thị phần xuất khẩu toàn ngành; Mỹ chiếm 17,6%; Nhật Bản chiếm 9,7%; Hàn Quốc chiếm 6,3%.
Xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm giá trị
Trước hết mặt hàng gạo, xuất khẩu tháng 3/2019 đạt 658 nghìn tấn với giá trị đạt 281 triệu USD, đưa kết quả 3 tháng đầu năm lên 1,43 triệu tấn và 593 triệu USD, giảm 3,5% về lượng và giảm 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo xuất khẩu bình quân quý 1 năm nay giảm tới 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 40,2% thị phần, tăng 80,9% về lượng và tăng 60,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trong tháng 3, giá lúa, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng do triển khai chương trình thu mua tạm trữ 200 ngàn tấn gạo, 80 ngàn tấn lúa vụ đông xuân đang diễn ra. Tuy nhiên, tuần cuối tháng xu hướng tăng giá có phần chững lại.
Xuất khẩu rau quả bất ngờ suy giảm. Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 3/2019 ước đạt 294 triệu USD, đưa kim ngạch rau quả 3 tháng đầu năm 2019 ước đạt 879 triệu USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 73,1% thị phần. Tuy vậy, xuất khẩu rau quả sang thị trường này giảm 14,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cà phê tháng 3/2019 đạt 166 nghìn tấn, đem về 289 triệu USD. Lũy kế quý 1 đạt 483 nghìn tấn và 841 triệu USD, giảm 14,2% về lượng và giảm 22,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá cà phê xuất khẩu bình quân giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đức và Hoa Kỳ vẫn là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 12,4% và 9,7%.
Xuất khẩu tiêu tháng 3/2019 ước đạt 36 nghìn tấn, với giá trị đạt 81 triệu USD; đưa kết quả xuất khẩu mặt hàng này cả quý đầu năm lên 72 nghìn tấn và 182 triệu USD, tăng 19,3% về lượng nhưng giảm 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân giảm 27,3% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất với 42,7% thị phần.
Ở mặt hàng điều, tháng 3/2019 đã xuất khẩu 28 nghìn tấn, đem về 219 triệu USD. Lũy kế quý 1 đạt 76 nghìn tấn và 609 triệu USD; tăng 2,1% về lượng nhưng giảm 19,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân giảm 20,1% so với cùng kỳ 2018. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 31,4%, 14,4% và 11,1% trong tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.
Xuất khẩu cao su, đồ gỗ, thịt tăng mạnh
Trong bối cảnh sụt giảm xuất khẩu nhiều loại nông sản và cây công nghiệp, mặt hàng cao su có vẻ sáng sủa hơn trong năm nay. Khối lượng cao su xuất khẩu tháng 3/2019 đạt 112 nghìn tấn với giá trị đạt 155 triệu USD; đưa kết quả xuất khẩu 3 tháng đầu năm lên 349 nghìn tấn và 461 triệu USD; tăng 32,8% về lượng và tăng 18,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 64,2%, 9,3% và 3,4%.
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 3/2019 ước đạt 47 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng này cả quý 1/2019 đạt 129 triệu USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 3/2019 ước đạt 645 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm lên 1,8 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 52,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Lâm sản vẫn đang nổi lên là ngành đạt tăng trưởng cao về giá trị xuất khẩu. Trong tháng 3/2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 872 triệu USD. Lũy kế cả quý 1 đạt 2,3 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2018. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam chiếm 79% tổng giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng này của nước ta.
Nhập khẩu nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp trong tháng 3/2019 ước đạt 2,55 tỷ USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu toàn ngành nông nghiệp là 7,25 tỷ USD tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, đến thời điểm này, ngành nông nghiệp đạt giá trị thặng dư thương mại 1,55 tỷ USD.
CHU KHÔI