Sắc xanh lụi tàn, chứng khoán châu Á bỗng quay đầu giảm điểm
Sắc xanh lụi tàn, chứng khoán châu Á bỗng quay đầu giảm điểm
Chứng khoán châu Á bỗng quay đầu giảm điểm trong buổi sáng ngày thứ Tư (24/04) mặc dù hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lên kỷ lục mới trong đêm qua.
Tính tới lúc 10h50 ngày thứ Tư (24/04 – giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản quay đầu giảm nhẹ, trong khi chỉ số Topix gần như đi ngang.
Cổ phiếu Nissan Motor lao dốc hơn 2.5% sau khi Reuters dẫn lại thông tin từ truyền thông Nhật Bản rằng Công ty sắp giảm dự báo lợi nhuận trong năm tài chính kết thúc trong tháng 3/2020.
Ở Trung Quốc, thị trường chứng khoán Trung Quốc bỗng quay đầu giảm mạnh, cụ thể, chỉ số Shanghai Composite giảm 34.99 điểm (tương đương 1.09%). Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hạ 245.6 điểm (tương đương 0.82%).
Nguồn: CNBC
|
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi lùi 22.77 điểm (tương đương 1.03%), trong đó cổ phiếu của công ty sản xuất chip điện tử SK Hynix giảm hơn 2%.
Trong khi đó, chỉ số ASX 200 của Australia tiến 57.8 điểm (tương đương 0.91%) khi phần lớn lĩnh vực đều tăng.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng mạnh vào ngày thứ Ba (23/04) để ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục khi Phố Wall hân hoan trước lợi nhuận quý 1 mạnh hơn dự báo từ một số công ty lớn của Mỹ.
Cụ thể, chỉ số S&P 500 tiến 0.9% lên 2,933.68 điểm, vượt qua kỷ lục trước đó là 2,930.75 điểm. Chỉ số này cũng khép phiên ngay dưới mức cao kỷ lục trong phiên là 2,940.91 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1.3% lên 8,120.82 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 145.34 điểm lên 26,656.39 điểm và chỉ cách mức cao mọi thời đại 1.1%.
Đà tăng trong ngày thứ Ba hướng đến mức đóng cửa cao mọi thời đại diễn ra chưa đầy 6 tháng sau khi lao dốc hồi cuối tháng 12/2018, vốn đã khiến S&P 500 chứng kiến năm có thành quả tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, chứng khoán nhanh chóng đảo chiều khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thay đổi chính sách tiền tệ trong khi lập trường xung quanh các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung được cải thiện.
Đây là tuần bận rộn nhất của mùa báo cáo lợi nhuận. Còn hơn 140 công ty thuộc S&P 500 sẽ báo cáo kết quả lợi nhuận quý 1 của họ.
Cho đến nay, phần lớn kết quả đều vượt qua kỳ vọng. Có đến hơn 78% số công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo có kết quả vượt qua dự báo từ các nhà phân tích, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Đà tăng trong ngày thứ Ba (24/04) nối dài chuỗi leo dốc ấn tượng của cổ phiếu Mỹ, trong đó chỉ số S&P 500 đã tăng 25% so với mức đáy thiết lập trong Đêm Vọng Giáng sinh. Các trader nhận thấy chất xúc tác mới để mua cổ phiếu khi mùa báo cáo tài chính bước vào giai đoạn cao điểm. Dù vậy, dữ liệu kinh tế quan trọng chuẩn bị được công bố, cụ thể là dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 1/2019 của Mỹ dự kiến được công bố vào ngày thứ Sáu (24/04).
Nhà đầu tư đang vui mừng “một loạt báo cáo lợi nhuận rất tuyệt vời, phần lớn đều vượt dự báo, cũng như một số nhận định khá tốt về ước tính tương lai từ các CEO”, Jim Paulsen, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Leuthold Weeden, nhận định. “Tâm lý tích cực đôi chút đã thúc đẩy chứng khoán Mỹ lên tầm cao mới”.
Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên đỉnh cao mới trong năm vào ngày thứ Ba (23/04), khi nhà đầu tư phản ứng với động thái cứng rắn của Mỹ đối với thị trường dầu mỏ Iran.
Cụ thể, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex tiến 75 xu (tương đương 1.1%) lên 66.30 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn cộng 47 xu (tương đương 0.6%) lên 74.51 USD/thùng.
Giá dầu đã xóa bớt đà tăng trong phiên giao dịch châu Á sáng ngày thứ Tư (24/04), khi hợp đồng dầu Brent tương lai lùi 0.55% xuống 74.10 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI tương lai hạ 0.56% xuống 65.93 USD/thùng.
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 97.633 sau khi tăng mạnh từ mức 97.5 trong phiên trước.
Đồng JPY được giao dịch ở mức 111.94 đổi 1 USD sau khi dao động trên 112 đổi 1 USD trong phiên hôm qua. Đồng AUD được “sang tay” ở mức 0.7046 USD sau khi lên mức cao hơn 0.7102 USD hôm qua.
FiLi