Sacombank thúc đẩy cho vay lúa gạo
Dịch vụ
Sacombank thúc đẩy cho vay lúa gạo
Tại Hội nghị "Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 12/2018, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn quốc tăng khoảng 21.4% so với cuối năm 2017.
Trong đó, dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm 17.24% và cuối tháng 1/2019 tăng khoảng 0.3% so với cuối năm ngoái.
Riêng đối với ngành lúa gạo, tổng dư nợ cho vay trong năm 2018 đạt khoảng 99,000 tỷ đồng, tăng 29,789 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Tại thời điểm cuối tháng 1/2019, dư nợ ngành lúa gạo đạt khoảng 100,000 tỷ đồng, trong đó đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 50%, tăng 0.8% so với cuối năm 2018.
Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu của thương nhân sản xuất, kinh doanh lúa gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý. Các ngân hàng cũng đã cam kết giảm 0.5% lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, thể hiện sự quyết liệt và đồng hành của ngân hàng trong việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và góp phần cho tăng trưởng kinh tế.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước, trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, bà con nông dân, Sacombank đã lên kế hoạch cân đối đủ nguồn vốn cho sản xuất, thu mua, tiêu thụ lúa gạo với lãi suất và thời hạn cho vay hợp lý, tập trung cho vay các doanh nghiệp tại địa bàn đồng bằng Sông Cửu Long. Sacombank cũng chủ động tiếp cận và tiếp thị, cho vay mới, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đối với các khách hàng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thu mua, tạm trữ, chế biến, xuất khẩu lúa, gạo vụ Đông – Xuân 2019; và tăng cường cho vay trung dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp củng cố, mở rộng diện tích kho chứa bảo quản, chế biến lúa, gạo tại khu vực Tây Nam Bộ. Đặc biệt, từ cuối tháng 3/2019, Sacombank tham gia dự án VnSAT của Ngân hàng Thế giới. Một phần của dự án nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và chế biến lúa gạo chất lượng cao. Đối tượng được vay theo dự án này là các doanh nghiệp có vốn tư nhân hoặc đang trong quá trình cổ phần hóa sang quyền sở hữu tư nhân và các khách hàng có phương án kinh doanh và sử dụng nguồn nguyên liệu từ 8 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long gồm: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang. Mục đích sử dụng vốn của các món vay thuộc dự án là nhằm đầu tư nâng cấp nhà máy, thiết bị chế biến lúa gạo, bao gồm: chi phí đầu tư một phần hay toàn bộ hạng mục của nhà máy chế biến gạo như kho chứa, máy móc thiết bị…, chi phí sửa chữa, duy tu, tháy thế liên quan đến hoạt động sản xuất lúa gạo hiện tại hoặc chi phí để hoàn vốn chi phí đầu tư bằng vốn tự có của doanh nghiệp. Theo đó, tính đến hết năm 2018, tổng dư nợ cho vay của Sacombank đạt hơn 15,000 tỷ đồng, riêng tại Khu vực Tây Nam Bộ đạt hơn 8,000 tỷ đồng.
Bằng việc triển khai các gói vay và tham gia dự án VnSAT của Ngân hàng Thế giới, Sacombank tiếp tục cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, bà con nông dân trong việc thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp nói chung và hoạt động sản xuất, chế biến lúa gạo nói riêng.
FILI