SBS liệu có hồi sinh khi cuối cùng đã tìm được đối tác sáp nhập sau nhiều năm?
SBS liệu có hồi sinh khi cuối cùng đã tìm được đối tác sáp nhập sau nhiều năm?
Thông tin CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBS) tìm một đối tác để sáp nhập/hợp nhất được đưa ra từ đầu năm 2013 nhưng mãi đến hôm nay, Ban lãnh đạo SBS mới thức công bố danh tính đối tác. Câu hỏi là liệu phương án này có đủ sức hồi sinh SBS?
* Phượng hoàng hồi sinh hay “những con chim ẩn mình chờ chết”!?
Trong thông tin mời họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 công bố gần đây, SBS cũng đưa ra các tờ trình và tài liệu liên quan tới vấn đề hợp nhất Công ty và kế hoạch kinh doanh sau hợp nhất. Theo nội dung tờ trình, khả năng cao việc hợp nhất sẽ được thực hiện theo phương pháp phát hành cổ phiếu để hoán đổi.
Trong báo cáo thường niên 2018, SBS cho biết, tháng 12/2018, Công ty đã tiến hành các thương lượng, thủ tục nhằm tiến hành hợp nhất với Công ty chứng khoán HVS Việt Nam (HVS) nhằm tái cấu trúc triệt để tình hình tài chính.
Việc thực hiện hợp nhất với HVS được coi là nội dung trọng tâm trong định hướng phát triển của SBS.
Các tờ trình của SBS trong ĐHĐCĐ thường niên 2019 sắp tới
|
Công ty cho biết, trong các năm trước đây, HĐQT đã khởi động dự án sáp nhập/hợp nhất với một công ty chứng khoán có điều kiện tương đồng, xử lý triệt để các vấn đề tài chính, tiến tới khôi phục hoàn toàn hoạt động của SBS. Công ty cũng cho rằng, với các điều kiện hiện nay, SBS hoàn toàn có đủ yếu tố cần thiết cho việc xử lý lỗ lũy kế.
Song song với việc tái cấu trúc, SBS vẫn tiếp tục nhiệm vụ duy trì, giữ vững ổn định hoạt động, đảm bảo an toàn hệ thống giao dịch, an toàn tiền gửi nhà đầu tư và không gây biến động trên thị trường.
Về tình hình hoạt động kinh doanh năm 2018, SBS ghi lãi sau thuế hơn 705 triệu đồng, tăng gần 30% so với năm trước. Trong năm, các khoản mục doanh thu và chi phí hoạt động của Công ty đều giảm mạnh so với năm trước. Mặt khác, chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức cao gần 60 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước. Về mặt cơ cấu doanh thu, lãi từ các khoản cho vay, phải thu và doanh thu nghiệp vụ môi giới đóng vai trò chủ đạo.
Tính đến cuối năm 2018, SBS ghi nhận tổng tài sản trên 444.1 tỷ đồng, giảm gần 4% so với đầu năm. Tại thời điểm này, Công ty ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 1,310 tỷ đồng.
Nói về HVS, kể từ ngày Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã thực hiện ngừng hoạt động giao dịch đối với HVS để thực hiện thủ tục chấm dứt tư cách thành viên bắt buộc. Đến ngày 17/09/2018, Sở đã chính thức có quyết định chấm dứt tư cách thành viên giao dịch với công ty này.
Trước đó, UBCKNN đã từng có quyết định về việc đình chỉ hoạt động môi giới của HVS do tình trạng vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định (vốn góp của chủ sở hữu cuối quý 1/2018 ghi nhận 50.2 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ đạt 15 tỷ đồng) từ ngày 13/06 đến 12/08/2018.
Theo báo cáo tài chính năm 2018, HVS có tổng tài sản hơn 9.6 tỷ đồng, giảm 40% so với đầu năm. Đồng thời, lỗ lũy kế ở mức hơn 40 tỷ đồng. Về mặt hoạt động kinh doanh, Công ty ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 284 triệu đồng và lỗ ròng hơn 6 tỷ đồng trong năm.
FILI