Tòa bác khiếu nại của Vinaconex, HĐQT mới bị dừng hoạt động
Tòa bác khiếu nại của Vinaconex, HĐQT mới bị dừng hoạt động
Theo tin từ TAND quận Đống Đa, ngày 2/4/2019, TAND quận Đống Đa đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Công ty cổ phần XNK xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dừng thực hiện nghị quyết phiên họp bất thường Đại hội đồng cổ đông của công ty.
Theo đó, ngày 28/3/2019, Vinaconex đã có đơn khiếu nại đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ-BPKCTT ngày ngày 27/3/2019 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa. Vinaconex cho rằng, quyết định này của tòa có hiệu lực ngay và lập tức đình chỉ toàn bộ hoạt động của HĐQT, BKS của Vinaconex, làm đình trệ hoạt động của Công ty, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Công ty đã lấy dẫn chứng về việc giảm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán với số tiền mất đi là 1.236 tỷ đồng.
Trong văn bản này, Vinaconex cũng nêu, việc Tòa án dụng biện pháp dừng thực hiện nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông mà không cho các bên có cơ hội giải trình, đối thoại là vội vàng.
Tuy nhiên, trong quyết định trả lời khiếu nại của Vinaconex, TAND quận Đống Đa cho rằng việc buộc Vinaconex dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019 cho đến khi có quyết định cuối cùng của Tòa là phù hợp với quy định của pháp luật và cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của người yêu cầu và các cổ đông của Vinaconex và để tránh các hậu quả có thể xảy ra gây thiệt hại cho Vinaconex và các cổ đông.
Căn cứ nhận định này, một lần nữa tòa xác định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ-BPKCTT ngày ngày 27/3/2019, dừng thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Vinaconex ngày 11/1/2019 về việc bầu 7 thành viên HĐQT và 5 thành viên Ban kiểm soát là có căn cứ pháp luật. Từ đó, TAND quận Đống Đa đã bác đơn khiếu nại của Vinaconex.
Với việc TAND quận Đống Đa bác đơn khiếu nại, giữ nguyên quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì lập tức HĐQT và Ban kiểm soát mới được bầu ngày 11/1/2019, với các thành viên chủ yếu là người của nhóm cổ đông An Quý Hưng sẽ phải dừng thực hiện quyền lực của mình tại Vinaconex. Hậu quả pháp lý này cũng đã được chính Luật sư Lê Thanh Sơn, luật sư của Vinaconex khẳng định trong phiên họp bất thường giữa Vinaconex và các cổ đông, báo chí chiều 1/4/2019.
Theo Luật sư Lê Thanh Sơn, theo đúng quy định của pháp luật, khi Tòa án áp dụng biện pháp ngăn chặn, buộc Công ty dừng thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019 thì đồng nghĩa với việc HĐQT hiện nay của Công ty không được phép hoạt động.
Cũng theo ông Lê Thanh Sơn giải thích, khi quyết định của Tòa án đang có hiệu lực thì HĐQT mới được bầu theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019 không được phép tiếp tục hoạt động. Nếu HĐQT này hoạt động sẽ là phạm luật; các quyết định của HĐQT hiện nay không có giá trị.
Những vấn đề pháp lý quan trọng khi quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dừng thực hiện nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Vinaconex sẽ được Báo Pháp luật Việt Nam cập nhật trong các số báo tiếp theo.
Xem thêm:
* VCG bị buộc tạm dừng thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ về bầu HĐQT và BKS
* VCG kiến nghị Tòa hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời và yêu cầu bồi thường thiệt hại
* BĐS Cường Vũ và Star Invest không đủ cơ sở pháp lý để buộc dừng Nghị quyết ĐHĐCĐ của VCG?
* Cổ đông lớn Vinaconex bất đồng bởi dự án 2 tỷ USD
* Dự án nghìn tỉ Splendora là nguyên nhân nội bộ Vinaconex lục đục?
Bình Minh