Ủy ban Chứng khoán độc lập, thuộc Chính phủ là yêu cầu khách quan

17/04/2019 08:44
17-04-2019 08:44:35+07:00

Ủy ban Chứng khoán độc lập, thuộc Chính phủ là yêu cầu khách quan

Đó là quan điểm của Thường trực Uỷ ban Kinh tế khi thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chứng khoán sửa đổi.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật này đã được trình bày trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, chiều 16/4.

Tờ trình của Chính phủ cho biết, so với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 98 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 30 điều và giữ nguyên 8 điều.

Nâng cao vị thế là yêu cầu khách quan

Theo dự thảo Chính phủ trình thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan thuộc Bộ Tài chính.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong phiên họp mở rộng thẩm tra dự án luật, đa số ý kiến cho rằng vị trí, vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần được xác lập để cơ quan này có đủ thẩm quyền trực tiếp tổ chức, quản lý và giám sát toàn diện hoạt động đối với thị trường chứng khoán (là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; bổ nhiệm nhân sự của sàn giao dịch chứng khoán, tổ chức lưu ký và bù trừ chứng khoán).

Tuy nhiên, về mô hình tổ chức của Uỷ ban Chứng khoán nhà nước có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần độc lập, trực thuộc Chính phủ để khắc phục những bất cập hiện tại, giảm bớt các khâu trung gian, đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước mắt có thể trực thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên cần có lộ trình rõ ràng để chuyển thành cơ quan độc lập thuộc Chính phủ trong tương lai.

Quan điểm của Thường trực Ủy ban Kinh tế là, việc xác lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ là cần thiết.

Trong giai đoạn trước đây, việc uỷ ban này trực thuộc Bộ Tài chính là nhằm có sự hỗ trợ về chính sách, nguồn lực và các yếu tố để thúc đẩy thị trường. Qua đó, thị trường chứng khoán có bước phát triển nhanh, trở thành nguồn cung ứng vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, đến nay quy mô thị trường đã được mở rộng, với tốc độ tăng trưởng nhanh, cùng với những yêu cầu đổi mới và cấu trúc lại thị trường tài chính bảo đảm bền vững (bao gồm cả thị trường vốn và thị trường tiền tệ) theo hướng giảm áp lực đối với nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng, đòi hỏi phải lành mạnh hóa, nâng cao vai trò của thị trường vốn để thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn trung - dài hạn, phục vụ cho phát triển kinh tế.

Do vậy, việc nâng cao vai trò, vị thế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết trong giai đoạn hiện nay và thời gian sắp tới, cơ quan thẩm tra lập luận.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước độc lập sẽ đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO). Việc tiệm cận với thông lệ quốc tế sẽ giúp tăng sự minh bạch và góp phần nâng hạng thị trường, tạo niềm tin và thu hút nhiều hơn nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy phần lớn các nước quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có vị trí độc lập (121/128 quốc gia) và có đủ thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thị trường vốn.

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Chính phủ sẽ khắc phục được những tồn tại, bất cập hiện nay, giảm bớt các khâu trung gian trong xử lý các tình huống biến động bảo đảm tính chủ động, kịp thời cũng như trong quy trình ban hành văn bản pháp quy liên quan lĩnh vực chứng khoán. Việc quản lý thống nhất từ ban hành quy chế, cấp và thu hồi giấy phép, bổ nhiệm nhân sự, chủ động ngân sách và nguồn lực cũng sẽ tăng cường hiệu quả quản lý, tăng trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Điều này cũng phù hợp với các kiến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) hỗ trợ Chính phủ Việt Nam.

Với những lý do nêu trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, làm rõ vị trí, vai trò, mô hình tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Tài chính trong quản lý nhà nước đối với hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, bảo đảm thống nhất với tinh thần của Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 19/3/2019 của Chính phủ. Mà theo đó "Thể chế, pháp luật cần thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, xử lý kịp thời, hiệu quả, có tính bền vững cao đối với các vấn đề thực tiễn phát triển của đất nước".

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn thiếu niềm tin

Mộ trong những nội dung đáng chú ý được sửa đổi, bổ sung lần này là nhóm chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nội dung này được thể hiện tại điều 49 dự thảo luật.

Điều 49: Tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam

1. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư, hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

2. Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến cho rằng theo các quy định tại dự thảo luật thì nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không biết rõ được quy định về tỷ lệ mà mình được quyền sở hữu trên thị trường chứng khoán là bao nhiêu. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư hiện hành quy định về các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng lại không quy định về tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Do vậy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn thiếu niềm tin để tham gia và đẩy mạnh đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định giao Chính phủ hướng dẫn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài về cơ bản tương đồng với quy định hiện hành của Luật Đầu tư, bảo đảm tính linh hoạt về hướng dẫn chính sách.

Thực tế, trên thị trường chứng khoán giao dịch mua bán chứng khoán diễn ra liên tục trong ngày và có thể ngay lập tức làm thay đổi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư, cũng như tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình thêm về biện pháp kỹ thuật để quản lý giao dịch chứng khoán phù hợp với Luật Đầu tư, cơ quan thẩm tra phân tích.

Nguyên Lê

VNEconomy





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

VBMA đề xuất lược bỏ quy định trái phiếu phát hành ra công chúng phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán

Ngày 09/09, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật, trong đó có Luật Chứng khoán, với điểm nóng trao đổi nhằm...

Bộ Tài chính đề xuất thời gian thu, hoàn trả tiền sử dụng dịch vụ lĩnh vực chứng khoán

Các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ có trách nhiệm thanh toán cho VNX, HNX, HOSE và VSDC trước ngày 31/01 hàng năm đối với các khoản thu định kỳ hàng năm và chậm...

Bộ Tài chính đề xuất mới về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư hướng dẫn giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công...

Chỉnh sửa quy tắc xây dựng rổ cổ phiếu VN Diamond

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa ban hành Quy tắc xây dựng và quản lý chỉ số các cổ phiếu Kim cương Việt Nam (VN Diamond Index) phiên bản 3.0 nhằm thay...

Bộ Tài chính đề xuất mở rộng các tỷ lệ hạn chế đầu tư của quỹ đại chúng

Trước thực trạng nhiều quỹ đầu tư đang vướng phải việc bị vượt hạn mức đầu tư thụ động, Bộ Tài chính đã đưa đề xuất mở rộng hạn chế đầu tư từ 10% lên 15% đối với...

Làm rõ quy định về CCP để thúc đẩy nâng hạng thị trường

Bộ Tài chính lên kế hoạch sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, làm rõ quy định về CCP nhằm tạo hành lang pháp lý triển khai cơ chế bù trừ và thanh...

Bộ Tài chính muốn siết điều kiện trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp

Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Về hoạt động chào bán chứng khoán (cổ phiếu và...

Luật hóa thêm nhiều hành vi thao túng chứng khoán

Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi một số điều của của Luật Chứng khoán và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Trong đó, bổ sung thêm một số hành vi bị...

Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 27/08

Danh sách các mã cổ phiếu tăng và giảm mạnh nhất những phiên gần đây theo số liệu thống kê của Vietstock.

Luật hóa quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán theo hướng luật hóa quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán từ Nghị định 156/2020/NĐ-CP.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98