Về đâu, con tôm Quảng Trị?
Về đâu, con tôm Quảng Trị?
Hơn 20 năm, con tôm sú và tôm thẻ chân trắng được người dân Quảng Trị đưa vào nuôi trồng để kiếm kế sinh nhai, nhưng đến bây giờ vẫn mãi loay hoay, trồi sụt...
Ông Nguyễn Phương Nam, một người dân Triệu Phước (H.Triệu Phong) chuẩn bị để bắt đầu vụ tôm mới. NGUYỄN PHÚC
|
Cho dù từ năm 2017, con tôm đã được tỉnh Quảng Trị “quy hoạch” là một trong số vật nuôi chủ lực để phát triển kinh tế nông nghiệp toàn tỉnh.
Phập phù theo từng vụ
Nuôi tôm, ai cũng biết đó như là một “canh bạc” với trời. Vốn đầu tư lớn, người nuôi tôm khi đã “trúng” thì nhà lầu, xe hơi không mấy hồi nhưng khi đã “bể” thì tán gia bại sản. Nghề nuôi tôm ở Quảng Trị cũng vậy, người nuôi loại thủy sản này luôn phải nín thở theo từng thời vụ.
Xã Triệu Phước (H.Triệu Phong) có lẽ là địa phương nhiều đổi thay nhất, có cơm no áo ấm nhờ... con tôm. Ông Nguyễn Văn Vui, Phó chủ tịch UBND xã Triệu Phước, thông tin từ năm 2001 trở lại đây, nghề nuôi tôm ở địa phương phát triển mạnh. Hiện, riêng vụ 1, toàn xã có 189 hộ nuôi (tính cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng) với diện tích xấp xỉ 150 ha, sản lượng hơn 201 tấn, doanh thu gần 23 tỉ đồng. “Hồ tôm ở địa phương chủ yếu là hồ đất, cải tạo từ ruộng nên diện tích lớn nhất cũng chỉ 1 đến 2 ha/hồ. Chính vì thế, dân Triệu Phước nuôi tôm trúng nhiều hơn trật”, ông Vui nói.
Thôn Dương Xuân là thôn nuôi tôm nhiều và “trúng” nhiều nhất ở Triệu Phước. Thôn có 46 hộ nuôi tôm trên diện tích gần 30 ha. Ông Trần Văn Dương, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Dương Xuân, cũng là một hộ nuôi tôm từ năm 2003, cho biết mỗi năm ông nuôi 2 vụ tôm và trúng đều. “Vụ gần nhất thu về 2,6 tấn tôm, lãi ròng 260 triệu. Gom góp sau mấy vụ cũng vừa cất căn nhà hơn 1 tỉ”, ông Dương nói. Tuy nhiên, ông Dương cũng kể lại rằng, khoảng năm 2006 - 2009, cả thôn Dương Xuân... tan hoang vì thua lỗ trong vuông tôm. “Đó là những năm vừa dịch bệnh vừa thiên tai. Lúc đó tôi cũng định bỏ nghề nhưng sau đó suy nghĩ lại, còn có rất nhiều người khác thì đã bỏ hẳn”, ông Dương cho hay.
Không may mắn như dân Triệu Phước, người nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn (H.Vĩnh Linh) thường bết bát qua nhiều mùa vụ. Ở đây, dịch bệnh xảy ra rất thường xuyên. Nguyên nhân, địa phương này chủ yếu nuôi tôm ở cửa sông, lại thường làm hồ không kỹ, sau 4, 5 vụ đầu... trúng thì những vụ sau lập tức xuất hiện dịch bệnh. Hay tại xã Triệu Lăng (H.Triệu Phong), nơi từng xảy ra việc ồ ạt nuôi tôm, nhiều hộ gia đình đã nhận... cái kết đắng. “Đó là cái giá của việc nuôi tôm theo phong trào, nuôi tôm mà chưa nắm vững được kỹ thuật...”, một người nuôi tôm thua lỗ nhìn nhận.
“Hết cửa” mở rộng diện tích...
Có một thực tế mà những người trong ngành thủy sản Quảng Trị thừa nhận đó chính là nghề nuôi tôm ở địa phương này còn rất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định và dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh và biến động thị trường; các vùng nuôi tôm trên địa bàn cũng hình thành một cách tự phát, mang tính phong trào và không có quy hoạch...
Theo Chi cục Thủy sản Quảng Trị, địa phương có chiều dài bờ biển hơn 75 km vùng bãi ngang ven biển và 2 vùng cửa sông lớn là Cửa Tùng và Cửa Việt, có nguồn nước mặn và lợ thuận lợi cho việc phát triển nuôi tôm trên địa bàn. Tổng diện tích có khả năng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh khoảng 1.500 - 2.000 ha. |
Theo ông Phạm Văn Hòa, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị), diện tích nuôi tôm (cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng) của Quảng Trị năm 2018 xấp xỉ 1.300 ha, cho tổng sản lượng hơn 4.500 tấn. Và dù con tôm đã được tỉnh này định hướng là một trong những vật nuôi chủ lực phát triển kinh tế nhưng việc mở rộng diện tích nuôi tôm hiện nay coi như... hết cửa.
“Quỹ đất để phát triển nuôi tôm ở vùng bãi ngang ven biển hiện nay đã... kẹt cứng. Ở phía nam, thuộc H.Hải Lăng và H.Triệu Phong thì hầu hết đã dính quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, còn ở phía bắc thuộc H.Gio Linh cũng vướng dự án du lịch lớn đang được triển khai của tỉnh”, ông Hòa nói.
Chính vì thế, hướng phát triển nuôi tôm ở địa bàn, muốn tăng sản lượng, theo ông Hòa là phải tăng cường áp dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật để tăng năng suất.
Các công nghệ nuôi mới có thể áp dụng như: nuôi tôm 2 giai đoạn; nuôi tôm thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học; nuôi tôm trong nhà kín; nhà lưới... Tuy nhiên, ông Hòa cũng thừa nhận nếu không có nhà nước hỗ trợ hoặc nếu không phải là doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản lớn thì rất khó áp dụng công nghệ cao vào nuôi tôm vì việc này đòi hỏi chi phí cao.
Không thể mở rộng diện tích, khó áp dụng công nghệ cao... nhưng Quảng Trị vẫn đặt mục tiêu đến năm 2025 sản lượng nuôi tôm nước lợ đạt 8.800 tấn (tăng gần gấp đôi sản lượng năm 2018) liệu có khả thi?
Nguyễn Phúc