VEA chính thức bãi nhiệm TGĐ Trần Ngọc Hà sau nhiều lùm xùm
VEA chính thức bãi nhiệm TGĐ Trần Ngọc Hà sau nhiều lùm xùm
HĐQT Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, UPCoM: VEA) vừa quyết định bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà từ ngày 29/03.
* "Thông tin quyền TGĐ VEAM vướng nghi án bỏ trốn ra nước ngoài là hoàn toàn bịa đặt"
* Bất ngờ: Ông Trần Ngọc Hà - CEO của VEAM có nguy cơ bị tạm dừng quyền điều hành
Được biết, ông Trần Ngọc Hà liên quan đến thương vụ tự quyết mua lô hàng 3,000 bộ linh kiện phụ tùng ô tô của VEA. Hiện Bộ Công Thương đang xem xét hoạt động của VEA, trong đó có việc xác minh liên quan đến thương vụ mua 3,000 bộ linh kiện phụ tùng ô tô xe Hyundai để sản xuất và tiêu thụ của VEA.
Trước đó, VEA cho hay, năm 2017 Chính phủ có quyết định chính thức về việc các doanh nghiệp phải chuyển sang sản xuất các dòng xe có tiêu chuẩn EURO4. Theo đó từ 1/1/2018 các nhà máy ô tô phải áp dụng quy định này riêng các dòng xe EURO2 đã được sản xuất trước thời hạn trên thì vẫn được bán ra thị trường và sử dụng bình thường.
Tháng 9/2017, Tổng giám đốc của VEAM đã đồng ý để nhà máy Ô tô VEA ký hợp đồng mua 3,000 bộ linh kiện về để sản xuất và tiêu thụ. Cơ sở để CEO của VEA “đơn phương” phê duyệt thương vụ mua bán khủng trên là Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Trong đó, Điều 149 về Hội đồng quản trị quy định: "Hội đồng quản trị có các quyền và nghĩa vụ: Thông qua hợp đồng mua bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc giá trị khác".
Còn điều 157 quy định giám đốc, tổng giám đốc có các quyền nghĩa vụ gồm: "Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hàng ngày của công ty mà không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị". Điều này cũng được thể hiện trong Điều lệ hoạt động của VEA năm 2017.
Chiếu theo quy định kể trên, trong ý kiến giải trình của mình, lãnh đạo VEA cho rằng lô hàng 3,000 bộ linh kiện có giá trị 1,600 tỷ đồng so với tổng giá trị tài sản của VEA trên 17,000 tỷ đồng là "hoàn toàn có cơ sở và phù hợp với thẩm quyền của Tổng giám đốc".
“Việc đồng ý cho VEA mua lô hàng 3,000 bộ linh kiện ô tô là cần thiết, không vượt thẩm quyền Tổng giám đốc, không gây thất thoát hay tồn tại gì nên không làm ứ đọng vốn, tạo công ăn việc làm và đời sống cho cán bộ cộng nhân viên…”, văn bản giải trình của VEA nêu.
Dù vậy, VEA cũng thừa nhận việc Tổng giám đốc khi đồng ý để Giám đốc Nhà máy ô tô VEA ký hợp đồng mua mà không có văn bản, ý kiến ủy quyền là có "thiếu sót" về thủ tục hành chính và cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Liên quan đến Quyền Tổng giám đốc Ngô Văn Tuyển, trước đó, Chủ tịch HĐQT VEAM - ông Bùi Quang Chuyện cũng đã có lý giải các thông tin xung quanh việc vị này đi nước ngoài chữa bệnh.
Fili
Tài liệu đính kèm: |
1.VEA_2019.4.2_6c3da04_2019.04.01_CV_208_vv_thong_bao_thay_doi_nhan_su_gui_So_GDCK_HN.pdf |