Vì sao hóa đơn điện 'nhảy múa'?

23/04/2019 08:41
23-04-2019 08:41:13+07:00

Vì sao hóa đơn điện 'nhảy múa'?

Ít thì tăng gấp đôi, nhiều thì gấp ba hoặc thậm chí cao hơn nữa, nhiều người dân TP.HCM phát hoảng khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4-2019.

Việc tăng giá bán điện cộng với nắng nóng khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt. Ảnh nhỏ: Tiền điện của nhà chị Ngọc Minh tháng 4 tăng gấp 2-3 lần tháng 3 - Ảnh: Q.Đ. - TỰ TRUNG

Ngành điện giải thích tiền điện tăng chủ yếu do ba nguyên nhân: giá điện tăng, nắng nóng kéo dài và số ngày sử dụng điện trong tháng nhiều hơn.

Đồng loạt tăng

Chị Huỳnh Ngọc Minh sống tại chung cư Miếu Nổi, P.3, Q.Bình Thạnh, cho biết "bị sốc" khi nhận được hóa đơn tiền điện tháng 4 với số tiền phải trả tăng hơn 3 lần so với tháng trước đó. Chia sẻ chuyện này với nhiều người quen, đồng nghiệp, chị Minh mới biết nhiều người cũng "chịu chung số phận".

Lục lại các phiếu thông báo tiền điện từ cuối năm 2018 qua đầu năm 2019, chị Minh cho biết mỗi tháng tiêu thụ điện từ 81 kWh đến khoảng 120 kWh, tương ứng với số tiền điện hằng tháng khoảng 140.000 - 210.000 đồng. Qua tháng 3 tiền điện tăng nhẹ lên hơn 240.000 đồng và đến hóa đơn tháng 4, tiền điện tăng vọt lên tới 738.000 đồng (gấp 3 lần so với tháng trước).

"Nhà tôi có hai mẹ con, một máy lạnh, tủ lạnh nhỏ xíu. Bình thường hằng ngày con tôi đi học, tôi thì đi làm tận 7-8h tối mới về, máy lạnh bật đến khoảng 4h sáng mỗi ngày là tắt. Đã nhiều năm nay sống ở đây, chưa bao giờ tiền điện lại tăng nhiều như vậy" - chị Minh nói.

Không riêng gì chị Minh, anh Sơn sống tại đường Nguyễn Văn Luông, P.11, Q.6 cho hay do nhà sử dụng đến 3 máy lạnh nên mỗi tháng phải trả 2,8 - 2,9 triệu đồng tiền điện. Nhưng hóa đơn tiền điện tháng 3 (ngày ghi điện nhà anh Sơn 25 hằng tháng - PV) tiền điện đã tăng lên gần 3,8 triệu, anh Sơn cũng lo lắng hóa đơn trong tháng 4 này tiền điện có thể còn tăng hơn nữa.

Trong khi đó anh Thật, nhà tại khu dân cư Bình Hưng, huyện Bình Chánh, cho hay nhà anh cũng có 3 máy lạnh, cũng "giật mình" khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4 đến 3,7 triệu đồng. "Tôi nghĩ điện vừa tăng giá, rồi nắng nóng..., nếu có tăng thì chỉ tăng gấp đôi, chứ đâu ngờ tăng nhiều như vậy. Hỏi thăm hàng xóm mới biết nhiều trường hợp cũng giống như mình" - anh Thật thông tin.

Không chỉ tiền điện tăng, anh Sơn còn bất ngờ với phiếu thông báo tiền điện tháng 3 khác lạ hơn so với những phiếu thông báo trước đó. Tờ phiếu thông báo này chỉ ghi chỉ số điện mà không nói số tiền cụ thể.

"Tôi thắc mắc thì nhân viên ghi điện chỉ bảo tải app, nhập mã khách hàng gì đó sẽ biết cụ thể chứ phiếu thông báo lần này không ghi số tiền" - anh Sơn cho hay. Nhiều người dân khác đặt vấn đề với cách thông báo như trên, liệu ngành điện có mập mờ gì trong cách tính tiền điện? Việc này cũng gây khó cho những người phải trực tiếp đi đóng tiền điện vì không biết phải cầm theo bao nhiêu tiền cho đủ.

Khách hàng đóng tiền điện tại Điện lực Ninh Kiều, TP Cần Thơ ngày 22-4 - Ảnh: LÊ DÂN

3 nguyên nhân

Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC), có ba nguyên nhân dẫn đến hóa đơn tiền điện ở TP.HCM tăng. Nguyên nhân đầu tiên là từ ngày 20-3-2019, Bộ Công Thương có quyết định 648 điều chỉnh giá điện.

Theo đó, mức giá bình quân tăng 8,36% (từ 1.740,65 đồng/kWh tăng lên 1.864,44 đồng/kWh). Chỉ với mức tăng này, một khách hàng sử dụng điện khoảng 350 kWh thì tiền điện tăng thêm hơn 48.000 đồng so với mức giá cũ.

Một chuyên gia ngành điện cho rằng việc sử dụng điện càng nhiều, tiền điện càng tăng cao vì cách tính tiền điện cho đối tượng sinh hoạt hiện nay đang áp dụng theo lũy tiến bậc thang. Lượng điện sử dụng nhiều càng rơi vào bậc thang giá cao.

Ví dụ một trường hợp sử dụng 200 kWh/tháng, với đơn giá mới khách hàng phải trả là 409.200 đồng. Còn nếu sử dụng lượng điện gấp đôi, tức 400 kWh thì số tiền trả lại nhiều hơn gấp đôi - tương ứng là 999.900 đồng.

Nguyên nhân thứ 2 và là nguyên nhân chủ yếu khiến tiền điện tăng là nhu cầu sử dụng điện tăng do nắng nóng. Ông Nguyễn Duy Quốc Việt - phó tổng giám đốc EVN HCMC - cho hay từ đầu tháng 3, tại các tỉnh thành Nam Bộ, trong đó có TP.HCM đã xuất hiện nắng nóng, nhiều thời điểm nhiệt độ ngoài trời lên trên 37 độ C. Điều này khiến nhu cầu sử dụng điện năng tăng cao, nhất là máy lạnh.

Ghi nhận trên hệ thống lưới điện cho thấy nếu như ngày 27-3, sản lượng điện sử dụng thực tế trên toàn địa bàn TP.HCM đạt 83,45 triệu kWh/ngày thì qua đến giữa tháng 4 sản lượng này đã tăng đến 86 triệu kWh/ngày.

Theo dự báo, tình hình nắng nóng tiếp diễn trong các tháng 4, 5 và 6. Vì vậy, ông Việt dự báo hóa đơn tiền điện của khách hàng sử dụng điện trong các tháng này sẽ tiếp tục tăng.

Tuy nhiên mức tăng cụ thể ra sao tùy vào từng trường hợp do nhu cầu sử dụng khác nhau. Riêng các hộ dân phản ảnh tăng hơn 3 lần, đại diện EVN HCMC cho biết sẽ kiểm tra từng trường hợp và sẽ thông tin cụ thể.

Một nguyên nhân khác, theo ông Việt, trong tháng 2-2019 chỉ 28 ngày nhưng từ tháng 3 trở đi có 30 hoặc 31 ngày. Điều này cũng khiến số ngày tiêu thụ điện từ tháng 3 trở đi nhiều hơn ít nhất 2 ngày so với tháng 2, khiến lượng điện sử dụng nhiều hơn cũng góp phần làm cho tiền điện của khách hàng tăng hơn trước.

3 lý do được cho làm tăng giá điện, có trường hợp tăng hơn 3 lần - Đồ họa: T.ĐẠT

 

Sẽ in rõ tiền điện trong phiếu thông báo

Liên quan việc phiếu thông báo tiền điện tháng 3 và tháng 4 không ghi tiền điện, ông Nguyễn Duy Quốc Việt cho biết do có thay đổi giá bán điện từ ngày 20-3 nên trong thông báo tiền điện tháng 4-2019 EVN HCMC không thông tin kịp thời số tiền chính xác trên thông báo tiền điện gửi cho khách hàng vào ngày ghi điện (do phiếu thông báo tiền điện in từ máy post cầm tay - PV). EVN HCMC gửi lời xin lỗi và rất mong quý khách hàng thông cảm vì sự bất tiện này.

Kể từ ngày 1-5, việc in thông báo chỉ số tiêu thụ điện cũng như tiền điện sẽ được thực hiện trở lại như trước đây.

Sử dụng điện đúng nhu cầu

Nhiều thiết bị làm mát được người dân TP.HCM sử dụng nhiều hơn do thời tiết nắng nóng kéo dài - Ảnh: TỰ TRUNG

Trước ý kiến cho rằng việc sử dụng thiết bị điện, đặc biệt hệ thống máy lạnh, không có gì thay đổi nhưng lượng điện tiêu thụ hằng tháng vẫn tăng dẫn đến tiền điện tăng, ông Trần Nguyên Châu - giảng viên Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM - cho rằng đây là một thực tế có thật.

"Giống như một chiếc xe máy càng chở nặng thì càng tốn nhiều xăng hơn. Máy lạnh cũng vậy, khi hoạt động trong môi trường nóng bức với nhiệt độ trên 36 độ C thì tiêu tốn nhiều điện hơn trong môi trường khoảng 30 độ C dù nhiệt độ ở cùng mức" - ông Châu ví von.

Cụ thể hơn, ông Châu cho hay hiện nay mỗi máy lạnh đều có hệ thống cảm biến nhiệt. Cảm biến này sẽ giúp hệ thống làm lạnh hoạt động theo yêu cầu (người mở máy lạnh và đặt nhiệt độ bao nhiêu - PV).

Ở thời điểm thời tiết nóng bức, hệ thống làm lạnh gần như hoạt động liên tục không "ngủ" hoặc "ngủ" rất ít, vì vậy tiêu tốn điện năng sẽ nhiều hơn.

"Điều này lý giải vì sao cùng mở máy lạnh ở cùng mức nhiệt độ nhưng ở thời điểm thời tiết nóng - mát khác nhau thì lượng điện tiêu thụ sẽ khác nhau" - ông Châu giải thích.

Ông Châu tư vấn việc mở nhiệt độ ở ngưỡng tối ưu đồng thời sử dụng thêm quạt công suất nhỏ để "không khí lạnh" trong phòng được lưu thông đều vẫn hiệu quả kinh tế hơn so với việc bật máy lạnh ở mức nhiệt độ thấp.

Cao bất thường

Hóa đơn tiền điện tháng 4 của một hộ dân ở TP.HCM - Ảnh: V.H

Nhận được thông báo tiền điện tháng 3-2019, nhiều người sử dụng điện tại các tỉnh thành miền Tây như Cần Thơ, Kiên Giang… té ngửa vì tiền điện họ đóng tăng gấp rưỡi, thậm chí tăng gấp đôi so với tháng trước, dù giá điện tăng từ ngày 20-3.

Bà Trần Thị Phương Lan (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, Cần Thơ) cho biết tiền điện tháng 2 của gia đình hơn 1 triệu nhưng tiền điện tháng 3 phải đóng hơn 1,5 triệu đồng, dù nhà không sắm thêm thiết bị điện. "Một căn nhà khác của tôi ở phường Hưng Lợi, tiền điện cũng tăng từ 310.000 lên 699.000 đồng trong tháng 3-2019" - bà Lan nói và thắc mắc liệu điện lực có tính giá điện tăng cho cả tháng 3?

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thanh (phường An Bình, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) cho biết ông thanh toán qua ngân hàng nên không biết chỉ số điện của tháng 3-2019 là bao nhiêu, nhưng ngân hàng trừ tiền hết 895.000 đồng, cao hơn 199.000 đồng so với tháng 2-2019.

Ông Phan Trọng Trang, trưởng phòng kinh doanh Công ty Điện lực Cần Thơ, cho biết giá điện tăng từ ngày 20-3 nhưng đến nay công ty chưa tiếp nhận phản ảnh của người dân nào trên địa bàn Cần Thơ về tiền điện tăng bất thường.

Trước đó, công ty đã có văn bản nhắc nhở nhân viên ghi điện, nếu số điện khách hàng tăng từ 30% phải báo ngay cho khách hàng biết, đồng thời nhân viên kỹ thuật phải kiểm tra cho khách.

Công ty Điện lực Cần Thơ thực hiện tính giá điện thay đổi từ ngày 20-3 theo giá điện mới, từ ngày 19-3 về trước vẫn tính theo giá cũ.

Ông Trang lý giải thắc mắc của khách hàng về hóa đơn tiền điện tăng gần gấp đôi có thể do trong kỳ hóa đơn tháng 4-2019 (tháng thay đổi giá bán điện mới) trùng với đợt nắng nóng kéo dài. Nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng cao dẫn đến lượng điện tiêu thụ tăng nên tiền điện chi trả cao hơn so với tháng trước.

Còn tại TP Rạch Giá, Kiên Giang, mấy ngày gần đây khi nhiều khách hàng bắt đầu nhận hóa đơn và thanh toán tiền điện kỳ 1-4, ngay lập tức rất nhiều người tỏ ra bức xúc vì thấy lượng điện tiêu thụ và số tiền thanh toán đều tăng ít nhất 50% so với kỳ trước.

Tại chung cư 444 Ngô Quyền (dự án nhà ở xã hội của Rạch Giá), hàng chục hộ dân cho biết tiền điện nhà mình tăng cao bất thường. Bà Trần Thu Hương, ngụ căn hộ loại 3 phòng trên tầng 3 tòa chung cư này, cho biết tháng 3-2019 tiền điện gia đình bà là 390.000 đồng. Sang tháng 4, con số này vọt lên gần 650.000 đồng, dù không hề phát sinh thêm bất cứ loại thiết bị điện nào khác.

Tương tự, ông Trần Văn Bảo, ngụ căn hộ loại 1 phòng đơn tại chung cư 444 Ngô Quyền, cũng bức xúc khi thấy hóa đơn tiền điện của mình từ 1.259.000 đồng vọt lên 1.677.000 đồng. Ông Bảo bức xúc vì ngoài việc vẫn sử dụng điện như thường thì tháng này ông đi công tác xa nhà tới 20 ngày, tức là chỉ sử dụng điện 10 ngày nhưng số tiền phải trả lại tăng 40%.

Đại diện chi nhánh Điện lực Rạch Giá (trực thuộc Công ty Điện lực Kiên Giang) cho biết từ đầu tháng 4 tới nay, mỗi ngày phòng chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp này tiếp nhận hàng chục cuộc gọi, thậm chí là đơn khiếu nại của khách hàng khi thấy tiền điện tăng vọt.

Một nhân viên của Điện lực Rạch Giá tên Trương Thanh N. cho hay thông thường khi có khiếu nại của khách hàng thì chi nhánh Điện lực Rạch Giá lập tức cử nhân viên đi kiểm tra.

LÊ DÂN - KHOA NAM

QUANG KHẢI

Tuổi Trẻ





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Phá ổ nhóm chiếm đoạt tài sản dưới hình thức lừa đầu tư “sàn BO”

Từ ngày 13-19/9/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Bắc Kạn đã ra quyết định khởi tố đối với 13 bị can về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông...

Chuyển đổi xanh: Cơ chế, chính sách là quan trọng

Các chuyên gia đồng tình cho rằng các yếu tố về quy định, chính sách là một trong những vấn đề quan trọng trong quá trình xây dựng nền kinh tế hướng đến Net Zero.

Khuyến khích các doanh nghiệp Singapore hợp tác và đầu tư vào Việt Nam

Việt Nam đề nghị Singapore nỗ lực phối hợp triển khai các sáng kiến mới nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Singapore đưa ra các đề xuất hợp tác mới và tăng cường...

Công ty con của KBC đề xuất Tập đoàn The Trump Organization đầu tư vào Hưng Yên

Với thế mạnh về đầu tư bất động sản, khách sạn và sân golf, Tập đoàn The Trump Organization bày tỏ mong muốn hợp tác, đầu tư tại Hưng Yên.

Vụ Xuyên Việt Oil: Chuyện ‘rút ruột’ tiền mang đi hối lộ

Trên đường đến khu vực làm việc của Vụ Thị trường trong nước, ông Nguyễn Văn Thắng kiểm tra thấy có 300.000 USD và đã lấy ra 1 cọc tiền USD gồm 5 thếp (50.000 USD...

Xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2

Vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm trở thành một trong những vụ án kinh tế lớn và phức tạp nhất thời gian gần đây.

Đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau bão Yagi

Trưởng Ban pháp chế VCCI nhận định đây là thời điểm rất cần những chính sách kinh tế phù hợp để doanh nghiệp các tỉnh miền Bắc nhanh chóng tái thiết, khôi phục sản...

Truy tố ông Lê Đức Thọ cùng 14 bị can vụ Xuyên Việt Oil

Trong số 15 bị can vụ Xuyên Việt Oil bị truy tố, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre (từ tháng 7/2021 - 9/2023) Lê Đức Thọ bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây...

Thị trường hồi phục, xuất khẩu nông sản, công nghiệp chế biến tăng trưởng cao

Bộ Công Thương đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung vào các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều...

Bộ Công Thương nói gì về livestream hàng giá rẻ nhưng không rõ nguồn gốc?

Cử tri phản ánh nhiều người bán hàng online livestream trực tiếp với lời mời gọi, giá rẻ, chào hàng hấp dẫn nhưng nguồn gốc không rõ ràng.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98