Xây dựng Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới
Xây dựng Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới
Yêu cầu đặt ra với đề án là vừa phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, vừa đảm bảo các yêu cầu của quản lý nhà nước về hải quan.
Dự kiến, đề án sẽ được triển khai thực hiện từ năm 2020. Ảnh minh hoạ
|
Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, đơn vị này đang tiến hành xây dựng Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo đó, nhiệm vụ của Tổng cục Hải quan là phải hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính nhằm quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đồng thời, phải thiết lập cơ chế thanh toán, bảo lãnh và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giao dịch và thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Lý do phải xây dựng đề án này, theo Tổng cục Hải quan, thương mại điện tử đã phát triển nhanh chóng tại Việt Nam trong những năm gần đây, với nhiều trang đặt hàng trực tuyến như Tiki, Lazada, Adayroi…
"Với đặc thù của thương mại điện tử là không giới hạn về không gian, thời gian, người dùng có thể nhanh chóng có đầy đủ thông tin để ra quyết định mua hàng. Thương mại điện tử xuyên biên giới vì vậy sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Khi đó, cơ quan hải quan, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề trong việc quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu", Tổng cục Hải quan lý giải.
Đi cùng với đó, số lượng tờ khải hải quan tăng lên nhanh chóng do các lô hàng thương mại điện tử thường có trị giá thấp, phần lớn người mua hàng là người tiêu dùng trực tiếp. Các vấn đề về phân loại hàng hóa, xác định xuất xứ hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn do khách hàng không thường xuyên nhập một loại hàng hóa.
Mặt khác, các thông tin yêu cầu để quản lý rủi ro cũng không đầy đủ, đồng thời phần lớn đối tượng mua hàng là không thường xuyên dẫn đến việc xây dựng hồ sơ quản lý tuân thủ cũng khó khăn hơn...
Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là các yêu cầu về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa giao dịch thông quan thương mại điện tử xuyên biên giới. Do các lô hàng thường có số lượng nhỏ, nếu các cơ quan quản lý vẫn áp dụng theo các quy định về chính sách mặt hàng sẽ đẫn đến không chỉ khó khăn cho người mua hàng mà còn tạo khối lượng công việc khổng lồ lên các cơ quan quản lý.
Đặc biệt thông thường người mua hàng là không thường xuyên nên thiếu các kiến thức chuyên sâu về hàng hóa cũng như quy định về kiểm tra chuyên ngành.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Tổng cục Hải quan đã được giao xây dựng đề án về quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Yêu cầu đặt ra với đề án là vừa phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, vừa đảm bảo các yêu cầu của quản lý nhà nước về hải quan, tránh việc lợi dụng chính sách về thương mại điện tử để trốn thuế, gian lận thương mại.
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành, không thể đưa quy định truyền thống để áp đặt vận dụng vào quản lý thương mại điện tử. Bởi trong môi trường điện tử, sự hiện diện của chứng từ không còn đơn thuần là những bản hợp đồng, và hoạt động thanh toán cũng không giống như các đơn hàng truyền thống.
Phó tổng cục trưởng cũng cho biết, đề án trước mắt phải giải quyết được các vấn đề về pháp lý, hạ tầng và quy trình thủ tục.
Theo kế hoạch, Đề án sẽ được hoàn thiện; xây dựng và ban hành các quy định về chính sách quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; các thủ tục hành chính, cơ chế thanh toán, bảo lãnh trong năm 2019 và sẽ triển khai thực hiện từ năm 2020.
Duyên Duyên