75 tuổi vẫn đi làm có thể không còn là chuyện lạ ở Nhật Bản
75 tuổi vẫn đi làm có thể không còn là chuyện lạ ở Nhật Bản
Ở tuổi 75, bà Mikiko Kuzuno vừa mới bị sa thải và phải nộp đơn xin việc ở một nhà máy gần Tokyo. Bà khăng khăng đòi nộp đơn trực tiếp.
"Tôi yêu cầu nhà tuyển dụng nhìn tôi”, bà nói. “Tôi muốn họ thấy mình khoẻ mạnh thế nào. Một số người rất yếu”.
Hiện tại, bà Kuzuno(78 tuổi) đã làm việc ba năm trong một cơ sở nhỏ ở Warabi. Tại đây, bà làm công việc giặt và đóng gói khăn tay dùng để đưa cho các khách hàng tại nhà hàng. Công việc này đòi hỏi bà phải đứng suốt ca làm việc ba tiếng đồng hồ. Vậy mà bà chưa nghĩ đến việc nghỉ ngơi, một phần vì lý do tài chính và một phần bà cũng không thích quanh quẩn ở nhà.
Bà Mikiko Kuzuno
|
Đây có thể là tiêu chuẩn mới của Nhật Bản, trong đó người dân làm việc tới hơn 70 tuổi và có thể còn hơn thế, qua đó càng thể hiện danh tiếng quốc gia mê làm việc của Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe cũng tìm cách để những người như Kuzuno làm việc lâu hơn, để từ đó họ có thể góp phần tăng nguồn thu thuế và giảm bớt gánh nặng chi tiêu của Chính phủ khi xứ sở mặt trời mọc đối mặt với tình trạng dân số già hoá nhanh nhất thế giới.
Dân số già hoá nhanh đã khiến chi tiêu an sinh xã hội tăng vọt, chiếm một phần ba số tiền chi tiêu của Chính phủ trong năm tài khoá vừa kết thúc vào tháng 3/2019, phần lớn được tài trợ bằng nợ. Do đó, ông Abe đang thúc đẩy dự luật để các công ty xoá bỏ tuổi nghỉ hưu và nhiều biện pháp khác để giữ những người 70 tuổi tiếp tục làm việc.
Chưa dừng lại ở đó, Chính phủ Nhật cũng đang cân nhắc một lựa chọn mới cho phép trì hoãn nhận lương hưu đến năm 75 tuổi.
Chơi bóng cửa
Tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Nhật Bản cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và tuổi thọ 84 cũng ở mức hàng đầu thế giới, đồng hạng nhất với Thụy Sỹ, dựa trên số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, khi tỷ lệ sinh ngày càng giảm, dân số Nhật sẽ giảm gần một phần ba vào năm 2060, tại thời điểm đó hơn 40% người Nhật cũng trên 65 tuổi, theo Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia (NIPSSR).
"Chúng tôi cần thay đổi cấu trúc kinh tế xã hội để phù hợp với mô hình đời sống 100 năm”, Shinjiro Koizumi, nhà lập pháp lãnh đạo một uỷ ban của Đảng Dân chủ Tự do về vấn đề già hóa dân số, cho biết. “Đó là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi hoặc chúng tôi sẽ không thể đạt được chiến thắng để cải tổ an sinh xã hội, mang lại hy vọng cho thế hệ tiếp theo”.
Thế nhưng, khó mà khuyến khích để mọi người tăng tuổi lao động. Theo kết quả của một khảo sát của Văn phòng Nội các Nhật công bố hồi trong tháng 1/2019, 38% người tham gia khảo sát cho biết muốn tiếp tục làm việc sau 65 tuổi, trong khi hơn 50% người muốn nghỉ hưu trước độ tuổi đó.
Các công việc mà Nhật cần nhân sự nhiều nhất là trong các lĩnh vực thâm dụng lao động như xây dựng, chăm sóc y tế và dịch vụ giao nhận. Thế nhưng, các công việc này thường không thích hợp với người lớn tuổi. Khu vực nông thôn với tỷ lệ người trên 65 tuổi cao nhất cũng không có nhiều việc làm phù hợp với lực lượng lao động lớn tuổi này.
Một người đang mở rộng vòng tay chào đón những người lao động lớn tuổi là ông Atsushi Morishita (72 tuổi) – vị Chủ tịch kiêm sáng lập của Tempos Holdings, vốn vận hành 58 chuỗi nhà hàng. Ông được truyền cảm hứng từ cha của ông – một người đã đến tuổi cửu tuần nhưng vẫn làm việc tại trang trại.
"Ở Tokyo, ngay sau khi bước sang tuổi 65, mọi người lãng phí thời gian vào những việc như chơi bóng cửa hoặc một thứ gì đó. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ cung cấp việc làm cho họ", Morishita. Khoảng 25% nhân sự của ông có độ tuổi từ 60 trở lên.
Những người chủ doanh nghiệp phải hiểu rằng người lao động lớn tuổi thường có năng suất lao động thấp, vì vậy tiền lương và sản phẩm cần phải được điều chỉnh theo đó, ông nói.
“Ở công ty như Toyota đòi hỏi năng suất lao động cao, vì vậy, tôi không nghĩ họ có thể làm công việc ở đó”, ông nói. “Nhưng ở một công ty thoải mái như công ty chúng tôi, điều đó cũng chẳng sao. Chúng tôi vẫn chưa lỗ”.
Vấn đề hưu trí
Một nhân viên là ông Takayoshi Kimura (73 tuổi). Ông được nhận vào làm việc năm 58 tuổi và sau đó trở thành một trong những nhân viên bán hàng hàng đầu của một cửa hàng ở Tokyo. Ông đã phải đóng cửa doanh nghiệp gặp khó khăn của ông ở vùng thôn quê và đến Tokyo để tìm kiếm công việc, thậm chí phải rời xa vợ của mình – một người làm việc chăm sóc cho người lớn tuổi.
Ông Takayoshi Kimura
|
Ông Kimura thấy phấn khích khi gặp gỡ những nhà khởi nghiệp trẻ tuổi khi làm việc, trong khi những người bạn ở quê may mắn mới được thuê làm bảo vệ.
"Ở nông thôn, không có việc làm”, ông Kimura cho hay. Mặc dù vợ ông hối thúc ông trở về quê nhà, nhưng ông cho biết ông muốn làm việc đến năm 75 tuổi. Ông nói, ông vẫn sẽ ổn trong 20 năm tới.
Vẫn chưa rõ là việc khuyến khích những người trong độ tuổi nghỉ lưu tiếp tục làm việc sẽ làm giảm đáng kể phần trợ cấp hưu trí hay không, khi xét tới việc nhiều người vẫn chọn nhận khoản lương hưu mà vẫn tiếp tục làm việc.
Những người lao động lớn tuổi cho biết điều kiện sức khỏe tốt và niềm vui từ công việc khiến họ không muốn nghỉ hưu. Bà Kuzuno có thêm một động lực khác: Bà đang độc thân và quyết định không phụ thuộc vào hai người con gái của bà.
Mặc dù đã làm việc từ khi còn trẻ, nhưng phần lớn công việc của bà không đi kèm với những lợi ích hưu trí doanh nghiệp. Bà sống nhờ khoản tiền hưu trí ít ỏi và khoản tiền lương tại nhà máy.
“Tôi muốn làm việc khi còn có thể. Hai đứa con của tôi có những vấn đề riêng”, bà nói.
FiLi