Ba yếu tố có thể tạo ra làn sóng bán tháo kế tiếp trên Phố Wall
Ba yếu tố có thể tạo ra làn sóng bán tháo kế tiếp trên Phố Wall
Một chuyên gia trên Phố Wall đang lên tiếng cảnh báo, xuất hiện ba yếu tố có thể châm ngòi cho làn sóng bán đổ bán tháo kế tiếp trên thị trường chứng khoán Mỹ trước khi kết thúc tháng 5/2019 và đẩy các chỉ số chính trên Phố Wall rơi mạnh ngay khi mùa hè vừa mới bắt đầu.
Masanari Takada, Chiến lược gia tại Nomura, cho hay, nỗi lo sợ về suy thoái, các vụ đặt cược vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thận trọng hơn và sự gia tăng độ biến động trên thị trường vào cuối tháng 5/2019 là ba yếu tố có thể làm hoang mang các nhà đầu tư cổ phiếu.
“Nhà đầu tư nên tập trung vào khả năng suy giảm của chứng khoán toàn cầu trong ngắn hạn khi tâm lý nhà đầu tư đang đi xuống”, Takada cho biết trong báo cáo gửi tới khách hàng. “Chúng tôi nghĩ đợt sóng bán tháo kế tiếp có thể đang tới gần và khi các quỹ cân bằng rủi ro sắp tái cân bằng danh mục vào cuối tháng 5/2019 (có lẽ sẽ bán cổ phiếu và mua trái phiếu), chúng tôi nghĩ tốt nhất là nên cảnh giác với bất kỳ đà tăng nào của mức độ biến động trong tuần tới”.
Đầu tiên, những “tay chơi” ngắn hạn trên thị trường như các quỹ phòng hộ vĩ mô đã bắt đầu bán cổ phiếu Mỹ và chuyển sang mua trái phiếu, khuyến khích những tổ chức và cá nhân khác làm theo, vị chuyên gia này nói thêm. Một số trader cũng xem ngưỡng 2,820 điểm của S&P 500 là ngưỡng quan trọng, nếu rớt mốc này thì đó là tín hiệu kỹ thuật để cắt lỗ.
Chứng khoán Mỹ chịu nhiều áp lực trong vài ngày gần đây vì nhà đầu tư lo ngại thương chiến Mỹ-Trung có thể kéo dài hơn dự báo và kìm hãm tăng trưởng GDP mạnh hơn mọi người vẫn nghĩ. Nhà đầu tư đã thể hiện nỗi tức giận của mình qua đà giảm 1% của Dow Jones và 1.3% của S&P 500 trong tuần này.
Nhà đầu tư có lẽ cũng không muốn mua cổ phiếu sau khi biên bản họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được tung ra, Nomura cho hay. Mặc dù nhà đầu tư vẫn tin là Fed nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất ít nhất một lần trước khi kết thúc năm 2019, nhưng quan điểm lạc quan hơn từ biên bản họp tháng 5/2019 của Fed đã làm thay đổi khả năng xảy ra đợt giảm lãi suất. Một số thành phần tham gia thị trường tin rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp sẽ không để thị trường tài chính giảm quá mức trước khi buộc phải hạ lãi suất để ngăn chặn đà rơi.
“Sự thay đổi trong quan điểm có thể dẫn tới sự thay đổi trong niềm tin của các nhà đầu tư theo trường phái cơ bản – những người kỳ vọng vào sự hỗ trợ của Fed, nhưng cùng lúc đó, thị trường có thể chuyển động theo tin xấu theo cách có thể buộc Fed phải hạ lãi suất để phòng ngừa”, Takada cho hay.
Cuối cùng, vị chuyên gia này cảnh báo đà tăng của mức độ biến động có thể gây ám ảnh tới trader trước khi tháng 5 chấm dứt. Dựa trên xu hướng lịch sử, các hợp đồng phái sinh dựa trên mức độ biến động thường tăng gấp đôi trong tháng 5/2019, ám chỉ tới khả năng tăng vọt của mức độ biến động trong 5 phiên giao dịch tới, theo Nomura.
Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào ngày thứ Sáu (24/05), nhưng vẫn suy giảm trong tuần qua khi nhà đầu tư lo ngại thương chiến Mỹ - Trung đang làm tổn thương tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 95.22 điểm lên 25,585.69 điểm, chỉ số S&P 500 nhích 0.1% lên 2,826.06 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tiến 0.1% lên 7,637.01 điểm. Các chỉ số chứng khoán phục hồi nhẹ từ đà giảm mạnh hôm thứ Năm (23/05) sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vào chiều ngày thứ Năm rằng cuộc chiến thương mại đang diễn ra có thể kết thúc nhanh chóng.
“Chúng tôi vẫn nghĩ các nhà đàm phán sẽ đạt được một thỏa thuận, nhưng rõ ràng nó sẽ mất nhiều thời gian và khó khăn hơn nhiều so với những gì mà các nhà đầu tư đã nghĩ cách đây vài tuần”, Kate Warne, Chiến lược gia đầu tư tại Edward Jones, cho hay. “Tuy nhiên, bất cứ tia hy vọng nào cho thấy tiến trình đang được thực hiện sẽ giúp chứng khoán phục hồi”.
FiLi