Bạn nên đầu tư bao nhiêu tiền?
Bạn nên đầu tư bao nhiêu tiền?
“Tôi nên đầu tư bao nhiêu tiền?” – đó là câu hỏi của rất nhiều nhà đầu tư mới, thậm chí nhà đầu tư cũ. Một nhà đầu tư cá nhân nhiều năm kinh nghiệm đã chia sẻ cách chị phân chia thu nhập cho các khoản đầu tư với chúng tôi.
Tối thứ Sáu, trong một căn phòng riêng biệt, ấm áp tại một quán cà phê ở trung tâm Sài Gòn, bằng giọng chậm rãi, chị N kể giai đoạn chứng khoán liên tục tăng giá cách đây hơn 10 năm, chị từng dồn tiền vào đầu tư chứng khoán do “mua đâu thắng đó, ham quá”. Sau đó, thị trường giảm mạnh, cổ phiếu gần như biến thành giấy trắng, đẩy gia đình chị vào cảnh khó khăn. Qua kinh nghiệm cá nhân cũng như của nhiều người, chị thấy không nên dồn hết thu nhập vào đầu tư.
Chị chia sẻ:
“Trường hợp thu nhập chỉ đủ sống (dưới 20 triệu đồng/tháng), bạn nên chia tiền thành 6 khoản theo công thức 6 chiếc lọ.
Khoản 1: Chi tiêu cần thiết (nhà cửa, ăn uống, hóa đơn, mua sắm...) - chiếm 55% thu nhập. Nếu nhu cầu vượt quá khả năng tài chính thì cắt giảm nhu cầu hoặc tìm cách kiếm thêm tiền. Khoản 2: Tiết kiệm – 10% thu nhập. Khoản 3: Học – 10% thu nhập. Học là một phần của sự nghiệp nên phải học cả đời. Bạn có thể học nâng cao, ngoại ngữ, đầu tư - kinh doanh… Khoản 4: Hưởng thụ - chiếm 10% thu nhập. Hãy tự thưởng cho bản thân 10% thu nhập để ăn uống, vui chơi, làm đẹp, du lịch… Khoản 5: Cho đi – chiếm 5% thu nhập. Không nhất thiết làm từ thiện, bạn có thể mua quà cho bạn bè, anh chị em, nhân viên, đồng nghiệp... để tự thấy có ý nghĩa với người xung quanh. Nếu không có tiền, có thể giúp đỡ người khác...
Khoản 6: Đầu tư – chỉ còn lại 10% thu nhập. Mục đích đầu tư là để tiền đẻ ra tiền, ngay cả khi bạn đang ngủ, nhằm tạo ra thu nhập thụ động. Vì vậy, đây còn được gọi là quỹ tự do tài chính. Bạn có thể đầu tư coin, chứng khoán... Tuy nhiên, đầu tư luôn tồn tại song song cơ hội và rủi ro. Do đó, khoản này có ít thì đầu tư ít, không vay mượn, không lấy tiền từ các khoản khác thêm vào. Như vậy, khoản này có mất đi cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn và gia đình. Nhưng một khi sinh lời, theo thời gian, nó sẽ nhiều hơn thu nhập làm công ăn lương của bạn.
Trường hợp thu nhập cao, bạn có thể chia thu nhập làm 2 phần: 50% sử dụng cho 5 khoản đầu tiên của công thức trên gồm tiêu dùng hàng ngày, tiết kiệm, học, hưởng thụ, cho đi; 50% còn lại dành để đầu tư, chia tiếp thành 3 khoản:
- 40% dành cho Đầu tư an toàn: Mua nhà đất, chứng khoán bluechip,... Khoản đầu tư này có lợi nhuận không cao, có thể coi là của để dành.
- 30% dành để Đầu tư kinh doanh: Mở công ty, góp vốn, buôn bán...
- 30% dành cho Đầu tư mạo hiểm: Coin, lướt sóng chứng khoán... Đây là khoản đầu tư 1 vốn 10 lời, thậm chí 100 lời”.
Đầu tư chính là khoản để dành cho tương lai. Câu chuyện “đầu tư bao nhiêu” hoàn toàn không mới nhưng để nhắc nhở nhau biết đâu là giới hạn, để việc đầu tư không có quá nhiều áp lực.
FILI