Bloomberg: Đàm phán thương mại Mỹ-Trung không mấy tiến triển
Bloomberg: Đàm phán thương mại Mỹ-Trung không mấy tiến triển
Vào lúc 0h01 ngày thứ Sáu (10/05 – giờ Mỹ), Mỹ đã nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25%, qua đó làm căng thẳng thương mại giữa hai bên thêm phần kịch tính.
Trước đó, khi vừa đặt chân đến Washington, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã hối hả trao đổi với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong khoảng 90 phút trong ngày thứ Năm (09/05). Sau đó, ba vị quan chức lại cùng nhau tổ chức bữa ăn tối làm việc đến khoảng 20h40 ngày thứ Năm (09/05 – giờ Mỹ).
Mặc dù các cuộc đàm phán tiếp tục trong ngày thứ Sáu (10/05), nhưng một số người thân cận với cuộc đàm phán cho biết họ không quá hy vọng sẽ có bước đột phá nào sau cuộc đàm phán lần này. Bloomberg dẫn lại nguồn tin thân cận cho biết các quan chức Mỹ không chắc là liệu ông Lưu Hạc có thẩm quyền để đưa ra bất kỳ cam kết nào hay không. Vẫn còn chưa rõ liệu Trung Quốc đã giải quyết xong cuộc tranh cãi nội bộ hay chưa. Chính cuộc tranh cãi nội bộ đã dẫn tới việc Trung Quốc rút lại những cam kết trước đó với Mỹ.
Trước cuộc đàm phán, ông Lưu nói với hãng thông tấn Trung Quốc rằng ông tới Mỹ dưới nhiều áp lực, nhưng với “sự chân thành”. Ông cảnh báo rằng động thái nâng thuế của Mỹ sẽ không phải là giải pháp và gây bất lợi cho cả đôi bên.
Trước đó trong ngày thứ Năm (09/05), ông Trump đã xoa dịu thị trường khi cho biết vẫn còn khả năng tiến tới một thỏa thuận trong tuần này, mặc dù ông vẫn khẳng định sẽ nâng thuế với hàng hóa Trung Quốc. Phát biểu tại một sự kiện ở Washington, ông Trump cũng cho biết ông có thể trao đổi qua điện thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Vào cuối ngày thứ Năm (09/05), Mỹ và Trung Quốc chẳng hề thực hiện cuộc gọi nào cả và hai bên cũng không lên kế hoạch gọi điện, theo một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump.
Ông Trump đã đưa ra tín hiệu lạc quan hơn khi được hỏi liệu ông có trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay không. “Vâng, ông ấy mới vừa gửi cho tôi một lá thư tuyệt đẹp, tôi vừa nhận nó và tôi có lẽ sẽ trao đổi với ông ấy qua điện thoại”, ông Trump chia sẻ.
“Thế nhưng, phương án thay thế của chúng tôi là phương án xuất sắc. Đó là phương án thay thế mà tôi đã nói trong nhiều năm qua. Chúng ta sẽ nhận hơn 100 tỷ USD mỗi năm. Chúng ta chưa từng lấy 10 xu từ Trung Quốc”, ông Trump cho biết, ý muốn nói tới việc áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
Sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm chao đảo các thị trường tài chính trên khắp thế giới, khi nhà đầu tư – vốn trước đó nuôi hy vọng về việc hai bên tiến tới một thỏa thuận – nay lại phải đối mặt với sự thất vọng tràn trề. S&P 500 đã giảm 4 phiên liên tiếp, sắp rơi vào chuỗi lao dốc tồi tệ nhất trong năm nay.
“Thỏa thuận đình chiến thương mại – một trong những trụ cột giữ lại tâm lý lạc quan trên thị trường – dường như có thể vụn vỡ. Chúng ta sẽ chờ xem diễn biến đàm phán thương mại sẽ như thế nào trong ngày thứ Sáu (10/05). Giả sử như chẳng thể tiến tới giải pháp nhanh chóng và Mỹ nâng thuế, con số dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ bị điều chỉnh xuống, trong đó tác động lớn nhất là với Trung Quốc và các quốc gia láng giềng ở châu Á”, Tom Orlik, Trưởng bộ phận kinh tế tại Bloomberg Economics, cho hay.
Trung Quốc tranh cãi về việc ông Trump cho rằng Trung Quốc không giữ đúng lời hứa. Thế nhưng, họ cũng truyền tải tín hiệu cho biết để tiến tới thỏa thuận thì cần có thêm thời gian.
“Chắc chắn là có sự thất vọng và bực tức ở Trung Quốc”, Zhu Ning, Phó Giám đốc của Viện Nghiên cứu Tài chính Quốc gia ở Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh, nhận định. “Chúng tôi cứ ngỡ là hai bên đang đàm phán rất tốt đẹp và sẽ có thỏa thuận”.
FiLi