Bộ Công Thương: Giá điện đáng lẽ còn tăng cao hơn
Bộ Công Thương: Giá điện đáng lẽ còn tăng cao hơn
Mỗi kWh điện bình quân mới điều chỉnh chưa tính cả khoản chênh lệch tỷ giá hơn 3.260 tỷ đồng từ mua bán điện của các nhà máy.
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng giải trình việc tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% từ 20/3, sau quá trình kiểm tra, rà soát tại các đơn vị điện lực. Trong báo cáo này, Bộ Công Thương dẫn các cơ sở pháp lý cho thấy quá trình đề xuất và phương án tăng giá điện bán lẻ vừa qua đều được cơ quan này báo cáo Thủ tướng, Chính phủ xem xét, quyết định.
Đề cập tới giá thành sản xuất điện, Bộ Công Thương cho biết, các yếu tố đầu vào đã khiến chi phí mua điện năm 2019 tăng khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong đó, giá than bán cho điện (2 lần tăng từ đầu năm 2019 và giá than trộn nội địa với nhập khẩu) làm chi phí mua điện tăng hơn 7.330 tỷ đồng. Chi phí tăng do giá khí và dầu gần 7.390 tỷ; tỷ giá và chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua bán điện khoảng 5.050 tỷ đồng...
Bộ Công Thương lưu ý, mức tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% vừa qua chưa gồm chênh lệch tỷ giá mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện, hơn 3.260 tỷ đồng. "Nếu bổ sung thêm chi phí này, tổng chênh lệch tỷ giá mua bán điện hơn 7.090 tỷ đồng và khi đó giá bán lẻ điện bình quân 2019 sẽ khoảng 1.879,9 đồng một kWh, tương đương tỷ lệ tăng 9,26%", Bộ Công Thương nêu.
Đánh giá biểu điện bậc thang là cần thiết, được nhiều nước trên thế giới áp dụng, tuy nhiên tới đây biểu giá bậc thang sẽ được tính toán lại để giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ.
Nhân viên ngành điện kiểm tra công tơ khách hàng. Ảnh: PV
|
Giải thích về những phản ánh tiền điện cao gấp đôi, ba lần sau tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 20/3, Bộ Công Thương cho biết, kết quả kiểm tra thực hiện quyết định tăng giá điện thì công tác ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện trong tháng thay đổi giá, áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện ... được các đơn vị thực hiện đúng quy trình kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), quy định của Chính phủ.
"Việc chốt chỉ số công tơ, phát hành hóa đơn tiền điện tại một số khách hàng sử dụng điện sản xuất lớn cho thấy, các đơn vị đã thực hiện đúng quy định", Bộ Công Thương khẳng định.
Ngành điện tiếp nhận, giải đáp hơn 71.500 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hoá đơn tiền điện, trong đó hơn 14.540 thắc mắc về chỉ số công tơ, hoá đơn tiền điện.
Cũng theo cơ quan này, số lượng khách hàng có địa chỉ cụ thể thắc mắc trên các phương tiện thông tin đại chúng không nhiều và đều được giải đáp đầy đủ. Bộ này kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện công tác thông tin, phản ánh chính xác, khách quan, không đưa thông tin trái chiều về giá điện.
Đồng thời, Bộ Thông tin cần có các biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội.
Từ ngày 20/3, giá điện bán lẻ bình quân đã tăng thêm 8,36%, lên mức 1.864,44 đồng một kWh. Gần một tháng sau đó, nhiều hộ gia đình phản ánh hoá đơn tiền điện tăng cao đột biến, gấp đôi, ba lần. Giải thích về hiện tượng này, ngành điện đưa ra 3 nguyên nhân từ yếu tố thời tiết nắng nóng, sản lượng dùng điện các hộ tăng và một phần do tăng giá bán lẻ điện. Thủ tướng sau đó đã có chỉ đạo yêu cầu Thanh tra Chính phủ cùng các bộ thanh tra việc tăng giá, phương pháp tính và thu tiền của các hộ dùng điện, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6. |
Anh Minh