“Bơm tiền để cứu tỷ giá chỉ có tác dụng trong ngắn hạn”
“Bơm tiền để cứu tỷ giá chỉ có tác dụng trong ngắn hạn”
Chuyên gia nói với VnEconomy rằng nếu muốn giữ biến động trong biên độ hẹp nhà điều hành phải bơm "dăm bảy" tỷ USD để ổn định thị trường.
Tỷ giá VND/USD liên tục tăng trong những ngày qua
|
Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy chu kỳ thâm hụt cán cân thương mại và cán cân vãng lai của Việt Nam đang quay trở lại sau nhiều năm liên tục thặng dư.
Số liệu cho thấy, từ năm 2011 trở về trước, Việt Nam liên tục trong trình trạng thâm hụt cán cân thương mại. Đặc biệt, giai đoạn 2008-2010, thâm hụt đạt mức cao khi tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm do tác động của đợt khủng hoảng tài chính - tiền tệ năm 2008.
Nếu trong năm 2003 thâm hụt thương mại vào khoảng 2,581 tỷ USD thì đến năm 2008 mức thâm hụt lên đến 12,782 tỷ USD, gấp 5 lần so với năm 2003. Năm 2009 mức thâm hụt là 15,412 tỷ USD, gấp 5,9 lần. Trong năm 2010, cán cân thương mại vẫn tiếp tục nghiêng về nhập siêu với mức thâm hụt vào khoảng trên 12 tỷ USD.
Tuy nhiên, kể từ năm 2011 đến nay, cán cân thương mại của Việt Nam đã đảo chiều từ thâm hụt sang thặng dư, đạt mức 6,8 tỷ USD vào cuối năm 2018. Điều này đã góp phần duy trì cán cân vãng lai của Việt Nam liên tục dương trong thời gian này.
(Nguồn: Tổng cục Hải quan)
|
Song theo ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, điều đáng chú ý trong giai đoạn 2011-2018, trong số 8 năm thặng dư cán cân vãng lai thì có 4 quý cán cân này bị thâm hụt trong đó riêng năm 2018 đã có 2 quý.
“Từ khi Mỹ - Trung “khai hoả” chiến tranh thương mại, cán cân vãng lai của Việt Nam liên tục đi xuống. Sức mua của người tiêu dùng toàn cầu giảm do tâm lý cảnh giác với cuộc chiến và lo ngại về tương lai bấp bênh. Xu hướng này tiếp tục kéo sang những tháng đầu năm 2019 khi xuất khẩu quý 1/2019 không quá khả quan trong khi triển vọng xuất khẩu quý 2/2019 có thể giảm. Đó là hàng loạt dấu hiệu cho thấy cán cân vãng lai đang bị kéo xuống”, ông Nghĩa nói.
(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)
|
Nhưng vấn đề, theo ông Nghĩa, cán cân vãng lai không chỉ bị kéo xuống mà nguy cơ xuất hiện chu kỳ thâm hụt cán cân vãng lai ngày càng rõ nét khi bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến khó lường.
“Trong khi chiến tranh Mỹ - Trung vẫn rất căng thẳng, nguy cơ bùng phát chiến tranh tiền tệ đang tiềm ẩn… thì cán cân vãng lai đang có dấu hiệu suy yếu, thâm hụt và kéo dài. Đây đều là “đại” vấn đề tác động tới tỷ giá”, ông Nghĩa phân tích.
Kể từ đầu năm tới nay, tỷ giá VND/USD đã tăng khoảng 0,8-0,9% trong đó chỉ trong vòng 1 tháng từ 22/4-22/5, tỷ giá VND/USD trên thị trường biến động mạnh và liên tục với mức tăng 0,4%.
Trong khi đó, cũng trong khoảng thời gian này, tỷ giá VND/CNY giảm 2,3% khi Trung Quốc giảm giá đồng nội tệ nhằm giảm bớt thiệt hại do hàng hoá xuất khẩu vào Mỹ tăng lên do bị đánh thuế cao.
Kể từ đầu năm tới nay, xu hướng nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam tăng khá mạnh. Số liệu từ Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, tính đến tháng 5/2019, nhập siêu từ thị trường này đã lên tới 16,2 tỷ USD, bằng 68% mức nhập siêu cả năm 2018 (23,9 tỷ USD). Điều này cho thấy Nhân dân tệ (CNY) phá giá đang là một nhân tố làm tăng lượng mua bán hàng hoá từ nước này sang Việt Nam khi hàng hoá Trung Quốc trở nên rẻ hơn.
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
|
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, CNY đang tiến tới hoàn tất tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2018 với mức giảm dự kiến khoảng 2,5%. Trong tháng, có thời điểm CNY chạm đáy tháng 5/2019 với mức giá dịch 6,92 CNY “ăn” 1 USD.
“Nhưng theo tôi, đây chưa hẳn là đáy của đồng CNY trong năm 2019 khi CNY đang dần trượt dần về mốc 7 CNY đổi 1 USD và có thể chạm ngưỡng trong những ngày sắp tới”, ông Hiếu dự báo.
Dưới sức ép phá giá CNY của Trung Quốc đang tăng theo diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thâm hụt thương mại và thâm hụt cán cân vãng lai càng trở nên trầm trọng hơn. Những yếu tố này sau đó sẽ quay ngược trở lại tạo áp lực lên tỷ giá của Việt Nam.
Vì thế, theo ông Nghĩa, tỷ giá tăng là xu hướng tất yếu trong thời gian tới nếu không cán cân thương mại của Việt Nam sẽ tiếp tục thiên lệch theo hướng bất lợi. Nhưng vấn đề đặt ra là tỷ giá tăng mức nào sẽ hợp lý với bối cảnh thế giới và tình hình trong nước?
Hiện có rất nhiều quan điểm về biên độ tăng của tỷ giá VND/USD nhưng theo ông Nghĩa mức tăng phù hợp trong năm 2019 nên dao động trong khoảng 3-4%.
“Nếu tỷ giá tăng với biên độ hẹp hơn, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải mất "dăm bảy" tỷ USD để bơm ra thị trường can thiệp. Nhưng thương mại còn tiếp tục sụt giảm do sức cạnh tranh kém đi. Cán cân vãng lai thâm hụt sẽ nhiều hơn. Áp lực tỷ giá năm sau càng mạnh hơn trong khi nguồn lực ngoại tệ dự trữ sẽ bị sụt giảm sau những đợt bơm tiền bình ổn thị trường và khả năng mua dự trữ ngoại tệ khó khăn hơn”, ông Nghĩa phân tích.
Trong khi đó, với biên độ tăng từ 3-4%, theo vị chuyên gia, “Ngân hàng Nhà nước sẽ không phải tung ngoại tệ, trong khi, tỷ giá tăng sẽ kích thích xuất khẩu hàng hoá, từ đó hỗ trợ cán cân thương mại và cán cân vãng lai thặng dư. Ngân hàng Nhà nước thậm chí có thể còn mua được ít ngoại tệ để dự trữ”.
Hiện nay, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam ước tính khoảng 65 tỷ USD, tăng gấp 2,3 lần so với mức dự trữ ngoại tệ cuối năm 2015. Nếu nhìn vào những đợt tung ngoại tệ để bình ổn tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong lịch sử, mức dự trữ ngoại tệ có nhiều thời điểm rơi xuống đáy do thị trường “ngốn” một lượng lớn ngoại tệ.
Thời điểm nửa cuối năm 2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, dự trữ ngoại hối được Ngân hàng Nhà nước công bố là 20,7 tỷ USD. Nhưng với tình trạng nhập siêu kéo dài từ năm 2008-2010, ngân hàng đã phải bán ngoại tệ để can thiệp trường. Đến tháng 1/2011, quy mô dự trữ ngoại hối, theo số liệu của một số tổ chức nghiên cứu tổng hợp lại, đã rơi xuống đáy và chỉ còn khoảng 12,58 tỷ USD.
“Vì thế, theo tôi, bơm tiền để “cứu” tỷ giá chỉ có tác dụng trong ngắn hạn trong khi áp lực trong trung hạn là rất lớn”, ông Nghĩa khuyến nghị.
Ngân Hà