Chính sách thuế phải bảo đảm đời sống người dân
Chính sách thuế phải bảo đảm đời sống người dân
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, UBND TP.HCM cũng kiến nghị mở rộng thêm các loại thuế khác.
Chẳng hạn, loại thuế bảo vệ môi trường, bổ sung vào diện chịu thuế đối với pin, ắc quy, các loại thuốc bảo quản thực vật. Vì đây là những hàng hóa mà quá trình sản xuất, sử dụng gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, kiến nghị này cũng nêu rõ dư địa mở rộng cơ sở thuế tài sản hiện nay ở VN chủ yếu nằm ở thuế đối với bất động sản. Theo đó, hiện nay VN mới đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng phi nông nghiệp mà chưa đánh thuế đối với nhà và công trình kiến trúc trên đất (bất động sản). Chưa hết, UBND TP.HCM cũng cho rằng nên mở rộng cơ sở thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Đó là giảm bớt một số khoản thu nhập được trừ không tính vào thu nhập chịu thuế và các khoản thu nhập miễn thuế cũng như duy trì mức giảm trừ gia cảnh hiện nay trong một thời gian thích hợp trong tương lai...
Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Makerting TP.HCM, nếu để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thì việc mở rộng cơ sở thuế hay mở rộng đối tượng chịu thuế TNCN cũng được. Thế nhưng quan trọng nhất là xây dựng ngưỡng chịu thuế và các bậc thuế như thế nào cho phù hợp với đại đa số người dân. Bởi chính sách thuế vẫn phải đảm bảo được đời sống của người dân.
Ví dụ ở nhiều nước phát triển, thuế TNCN là đảm bảo người nào có thu nhập sẽ phải đóng thuế. Nhưng bù lại chính sách về an sinh xã hội, từ học hành đến các dịch vụ công thì người dân đều được hưởng lợi. Hoặc thu nhập dưới mức quy định thì được hỗ trợ thêm nhiều chi phí khác như thuê nhà...
Chưa kể liệu giải pháp mở rộng đối tượng chịu thuế TNCN có mang lại hiệu quả thu thuế hay không vì vẫn đi kèm với việc mở rộng đối tượng chịu thuế thì phải đi kèm chi phí hành thu. Do đó, việc đề xuất các chính sách về thuế phải thận trọng, tính đến hiệu quả thực hiện chứ không thể đề xuất khơi khơi.
Còn luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH luật Việt Á, đánh giá giải pháp chống xói mòn thuế cần được triển khai sớm hiện nay là làm sao cho người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ. Ngoài hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hiện nay còn có khoảng 2 triệu hộ đang hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hóa, dịch vụ các lĩnh vực khác nhau. Các hộ kinh doanh chủ yếu thực hiện đóng thuế khoán, dù rằng có những hộ doanh thu lên đến hàng tỉ đồng mỗi tháng. Thế nhưng, các hộ kinh doanh thường không xuất hóa đơn cho người tiêu dùng, điều này dẫn đến thất thu thuế. Bộ Tài chính cần có những giải pháp như xổ số hóa đơn để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng.
Luật sư Châu Huy Quang chia sẻ thêm rằng việc chống “xói mòn” ngân sách là liên quan mật thiết đến việc chống thất thu ngân sách theo chính sách thuế hiện hữu. Đồng thời quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn chi ngân sách, chống tham ô, thất thoát trong chi tiêu ngân sách, hơn là mở rộng đối tượng nộp thuế theo hướng tận thu.
T.Xuân - M.Phương