Chứng khoán Trung Quốc rớt mạnh khi Huawei ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng
Chứng khoán Trung Quốc rớt mạnh khi Huawei ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng
Chứng khoán châu Á “khoác” sắc đỏ trong ngày thứ Năm (23/05) khi nhà đầu tư lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Năm (23/05), thị trường chứng khoán Trung Quốc nhuốm sắc đỏ, chỉ số Shanghai Composite hạ 1.24% xuống 2,852.52 điểm và Shenzhen Component sụt 2.56% xuống 8,809.53 điểm. Shenzhen Composite cũng giảm 2.432% xuống 1,503.37 điểm.
Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông lao dốc 438.81 điểm (tương đương 1.58%) xuống 27,267.13 điểm.
Nguồn: CNBC
|
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 132.23 điểm (tương đương 0.62%) xuống 21,151.14 điểm. Cổ phiếu của ông lớn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung Softbank Group rớt 5.3% sau khi Reuters dẫn lại các nguồn tin cho biết một quan chức thuộc Bộ Tư pháp Mỹ đã đề xuất ngăn chặn thỏa thuận giữa T-Mobile và Sprint. Chỉ số Topix hạ 0.36% xuống 1,540.58 điểm.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 0.26% xuống 2,059.59 điểm, còn chỉ số ASX 200 của Australia hạ 18.9 điểm (tương đương 0.29%) xuống 6,491.8 điểm.
Trên thị trường Ấn Độ, chỉ số Nifty 50 tăng 0.7% sau khi chạm mức kỷ lục trước đó, khi việc đếm phiếu bầu đang diễn ra sau các cuộc bầu cử quốc gia. Theo kết quả khảo sát, nhiều khả năng là liên minh của Thủ tướng đương nhiệm Narenda Modi sẽ giành chiến thắng vang dội.
Cổ phiếu của các nhà cung ứng cho Huawei tụt dốc
Nhà đầu tư tiếp tục dõi theo diễn biến xoay quanh “gã khổng lồ” viễn thông Trung Quốc Huawei – vốn vừa được thêm vào danh sách đen của Mỹ trong tuần trước.
Cổ phiếu của các nhà cung ứng cho ông lớn công nghệ Trung Quốc Huawei rớt mạnh trong buổi chiều ngày thứ Năm (23/05) giữa lúc rắc rối liên tục diễn ra xoay quanh Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.
Ở Đài Loan, ông lớn sản xuất theo hợp đồng Hon Hai Precision Industry – thường được biết tới với cái tên Foxconn – và cổ phiếu của công ty sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing đều giảm hơn 3%. Ở Hồng Kông, Sunny Optical – nhà sản xuất mô-dun và ống kính của camera cho điện thoại thông minh – chứng kiến cổ phiếu rớt hơn 7%, còn Luxshare lao dốc 5.97% ở Thâm Quyến.
Thương mại Mỹ-Trung
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm vào ngày thứ Tư (22/05), do nỗi lo về thương mại gia tăng trong khi đà sụt giảm của cổ phiếu Qualcomm và nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng gây sức ép đến tâm lý thị trường.
Ngày 22/05, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo với các nhà làm luật rằng kế hoạch tới Bắc Kinh để đàm phán vẫn chưa được lên lịch, qua đó giảm bớt hy vọng sẽ có một giải pháp nhanh chóng tới chiến tranh thương mại.
“Những lời lẽ tấn công xuất hiện rất nhiều trong vài tuần qua, rõ ràng không chỉ ở phía Mỹ mà còn cả Trung Quốc”, Steve Brice, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Standard Chartered Private Bank, nói với CNBC.
“Không phải là vấn đề này không thể giải quyết được, phải không? Nó có thể được giải quyết, nhưng chỉ là những lời lẽ tấn công ngày càng nhiều và điều đó khiến việc tiến tới thỏa thuận trong ngắn hạn trở nên khó khăn hơn”, ông Brice cho hay.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản họp tháng 5 cho thấy các nhà hoạch định chính sách sẽ kiên nhẫn trong việc đưa ra động thái lãi suất trong tương lai. Cơ hội hạ lãi suất ngày càng ít vì các quan chức nhận thấy tình trang lạm phát yếu chỉ là tạm thời.
Thị trường tiền tệ và dầu
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 98.142 sau khi rơi xuống dưới 98 trong ngày hôm qua (22/05).
Đồng JPY – vốn được xem là đồng tiền trú ẩn an toàn – được giao dịch ở mức 110.18 đổi 1 USD sau khi tăng giá từ mức trên 110.5 đổi 1 USD trong phiên trước. Đồng AUD được “sang tay” ở mức 0.6868 USD sau khi chạm mức 0.6882 USD trước đó.
Giá dầu suy giảm trong phiên giao dịch châu Á ngày thứ Năm (23/05), trong đó hợp đồng dầu Brent tương lai lùi 0.89% xuống 70.36 USD/thùng và hợp đồng dầu WTI lùi 0.65% xuống 61.03 USD/thùng.
Fili