“Con tàu đắm” NOS: Nơi “chôn” hàng ngàn tỷ đồng của các ngân hàng
“Con tàu đắm” NOS: Nơi “chôn” hàng ngàn tỷ đồng của các ngân hàng
CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (UPCoM: NOS) đang là doanh nghiệp có khoản vay nợ tài chính lớn nhất nhì trong ngành vận tải biển. Lẽ thường thì có vay ắt có trả, nhưng NOS làm sao có thể trả các khoản nợ vay trên cho các ngân hàng trong điều kiện Công ty còn chưa thể kinh qua vùng sóng lặng?
Ngân hàng nào đang kẹt trong những khoản vay của NOS?
Tính đến ngày 31/03/2019, NOS đang gánh gần 816 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn và hơn 2,194 tỷ đồng vay nợ dài hạn.
Trong gần 700 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn trả của NOS, ngân hàng Vietcombank (VCB) cho vay gần 147 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) hơn 52 tỷ đồng, SeABank chi nhánh Hải Phòng hơn 253 tỷ đồng, Agribank gần 186 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDBank) Sở giao dịch và chi nhánh Hải Phòng lần lượt là 5 tỷ đồng và 54 tỷ đồng.
Khoản vay chi tiết dài hạn ở Vietcombank (VCB) hơn 851 tỷ đồng, SeABank chi nhánh Hải Phòng gần 194 tỷ đồng, Agribank gần 947 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDBank) Sở giao dịch và chi nhánh Hải Phòng lần lượt là 76 tỷ đồng và 111 tỷ đồng.
Theo như thuyết minh, NOS có đến 3 khoản vay dài hạn tại Agribank, trong đó có 2 khoản vay bằng USD và 1 khoản vay bằng VND và được thế chấp bằng tàu Ngọc Sơn, tàu Nosco Glory và tàu Sun.
Còn với những khoản vay ngắn hạn, NOS vay với mục đích để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh, ngoài ra 2 khoản vay ngắn hạn để giải quyết công nợ tránh bắt giữ tàu Nosco Victory và giải phóng tàu EASTERN SUN đang bị bắt giữ tại Ấn Độ do liên quan đến khoản tiền tranh chấp của tàu NEWPHOENIX khi NOS đang quản lý khai thác.
NOS lại có nhiều khoản vay bằng đồng ngoại tệ (USD), trong tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang chưa đến hồi kết thì diễn biến tỷ giá biến động không ngừng kéo theo giá trị các khoản nợ vay cũng không-đứng-yên-một-chỗ.
Ngoài những tổ chức tín dụng mà NOS vay nợ, Công ty còn nợ tiền của chính những người nội bộ như Chủ tịch HĐQT, 2 phó giám đốc và 1 cá nhân có liên quan đến Chủ tịch, đáng nói ở đây là cá nhân này - Trịnh Tiên Sơn lại cho NOS vay ngắn hạn hơn 11 tỷ đồng (BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2018).
Trả nợ theo kiểu "lấy đầu này đắp đầu kia"
Theo nguồn từ Báo cáo thường niên năm 2018, nợ phải trả trong năm của NOS không giảm do nguồn thu từ khai thác chỉ bù đắp một phần chi phí trực tiếp để vận hành tàu mà không thanh toán các khoản nợ vay được. Bên cạnh đó, khoản nợ cho nhà cung cấp tăng lên. Hiện tại, NOS đã và đang tiếp tục làm việc với các tổ chức tín dụng để áp dụng cơ chế cơ cấu nợ và miễn giảm lãi vay cho các dự án đầu tư tàu biển.
Để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, ngoài những chính sách thiết thực và cụ thể như giảm chi phí, thắt chặt định mức và liên tục rà soát định mức tiêu hao nhiên liệu vật tư, NOS còn không ngừng đề nghị các tổ chức tín dụng hỗ trợ các cơ chế khoanh, giãn nợ và không tính phạt các khoản đầu tư dự án tàu biển và cả việc thực hiện bán nợ để xóa gốc, lãi vay cũng đã được Công ty triển khai.
Trong năm 2018, NOS phải huy động từ nguồn tiền vay cá nhân để có dòng tiền hoạt động kinh doanh. Do sức ép của các ngân hàng, tổ chức tín dụng và chủ nợ rất lớn nên Công ty luôn phải cân đối kế hoạch thanh toán cho các chủ nợ nhằm tránh việc bắt giữ tàu và không phát sinh tranh chấp pháp lý xảy ra. Dòng tiền để trả nợ vay chủ yếu là vay khách hàng cá nhân khi đến hạn.
Nguồn: VietstockFinance
|
Còn về hoạt động kinh doanh, NOS tiếp tục mang về khoản lỗ đến 336 tỷ đồng kết thúc năm 2018, đây là năm thứ 7 liên tiếp Công ty báo lỗ chỉ vì lý do kinh doanh dưới giá vốn. Như vậy, khoản lỗ lũy kế của NOS gần chạm mốc 3,900 tỷ đồng kéo vốn chủ sở hữu âm đến 3,634 tỷ đồng, khoản lỗ lũy kế đấy đã gấp 15 lần vốn góp chủ sở hữu (hơn 200 tỷ đồng).
Hiện tại, giá cổ phiếu NOS vẫn đang đi ngang ở mức đáy 300 đồng/cp, trong khi ở thời điểm mới lên sàn là 10,000 đồng/cp (11/01/2011), tương đương bay hơi gần 97% thị giá cổ phiếu. Theo dõi các giao dịch nội bộ thì gần 2 năm (2017 và 2018), cổ phiếu NOS không được giao dịch, lần cuối gần đây chỉ là giao dịch Công đoàn NOS bán thành công 2,000 cp NOS vào ngày 16/12/2016. Như vậy, cổ phiếu NOS khá ‘ế’ trên thị trường cũng như không có sự sang tay trong giao dịch nội bộ.
Ngân hàng đã rục rịch để thu hồi khoản cho vay tại NOS?
Được biết, tính đến tháng 4/2019, đội tàu của Công ty có 4 tàu là tàu Oriental Glory, Phương Đông 05, Phương Đông 06, Phương Đông 10. Tuy nhiên, theo kế hoạch đến giữa năm 2019, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (cổ đông lớn nhất, sở hữu 49% vốn NOS) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDBank) sẽ thu hồi tàu Phương Đông 10 để xử lý tài sản đảm bảo, do vậy đội tàu của NOS sẽ chỉ còn lại 3 tàu, điều này dẫn đến doanh thu và sản lượng vận tải dự kiến của Công ty sẽ giảm so với năm 2018.
Cụ thể, tổng doanh thu đạt hơn 211 tỷ đồng, trong đó doanh thu Formosa đạt 100 tỷ đồng, 91 tỷ đồng kỳ vọng đến từ doanh thu vận tải biển và 19 tỷ đồng từ doanh thu thanh lý tài sản, kế hoạch lỗ trước thuế gần 389 tỷ đồng, nặng hơn con số lỗ 336 tỷ đồng năm rồi. Theo BCTC mới nhất cho quý 1/2019, trong 3 tháng đầu năm, NOS đã giảm lỗ hơn 85% so với cùng kỳ về gần 21 tỷ đồng do các chi phí đều giảm, đặc biệt thoát khỏi kinh doanh dưới giá vốn.
Ngoài VDBank, thì chưa thấy tín hiệu thu hồi nợ từ các chủ nợ của NOS. Đối mặt với những khó nhằn trên, NOS vẫn không có kế hoạch giải thể để không làm đau cổ đông mà cứ hoạt động dật dờ trên sàn chứng khoán.
Còn đối với các chủ nợ, đặc biệt là ngân hàng hay các tổ chức tín dụng có thể nhận được khoản trả nợ cho NOS vay không khi tình hình hoạt động trong năm 2019 được dự báo khó khăn với Công ty?
FILI