Công ty châu Âu làm ăn ở Trung Quốc than khó!
Công ty châu Âu làm ăn ở Trung Quốc than khó!
Các công ty châu Âu hoạt động tại Trung Quốc cho biết việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn so với năm ngoái, với sản lượng bị chậm lại, tiền lương tăng, chiến tranh thương mại và các yếu tố khác làm tăng thêm thách thức trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo một cuộc khảo sát về niềm tin kinh doanh được Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc công bố vào hôm thứ Hai, 53% số người được hỏi cho biết việc kinh doanh đã trở nên khó khăn hơn. Hồi năm ngoái, số người nói điều tương tự là 48%.
Suy thoái kinh tế Trung Quốc được xếp là mối quan tâm hàng đầu trong cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng Giêng và tháng Hai vừa qua. Kể từ đó, nền kinh tế này tiếp tục mất đà, với mức tiêu thụ nội địa và xuất khẩu yếu, gây ra những vấn đề cho tăng trưởng.
Mối quan tâm lớn nhất tiếp theo là suy thoái kinh tế toàn cầu và chi phí lao động gia tăng, do hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đầu năm nay, các công ty Mỹ đã liệt kê những lo ngại tương tự, xem “căng thẳng song phương” chỉ đứng sau các vấn đề tồn tại lâu nay như chi phí lao động, giải thích chính sách không nhất quán và thực thi pháp luật thiếu công bằng.
Hơn 1/3 trong số 585 công ty châu Âu trả lời khảo sát cho biết họ đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc dành cho nhau trong cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, vì nhiều công ty châu Âu ở Trung Quốc nhắm vào thị trường nội địa của nước này, nên phần lớn họ đã không bị ảnh hưởng.
Chỉ có 6% các công ty đã chuyển đi hoặc đang xem xét chuyển những khâu sản xuất có liên quan ra khỏi Trung Quốc, nhưng bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào cũng sẽ “gây tổn thất nặng nề cho tâm lý kinh doanh, dẫn đến việc thắt chặt đầu tư”, phòng thương mại cho biết trong báo cáo.
Các công ty châu Âu tiếp tục phàn nàn về những hạn chế trong việc tiếp cận thị trường và các trở ngại pháp lý, hai vấn đề mà các công ty nước ngoài phải đối mặt lâu nay.
Phòng này cũng nhấn mạnh đến “thâm hụt cải cách” - trong đó cải cách và mở cửa của Trung Quốc đã không theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.
“Một trong những thiếu sót quan trọng của chương trình cải cách Trung Quốc là một số lời hứa cải thiện môi trường kinh doanh cho các công ty quốc tế của những quan chức cấp cao đã không chuyển thành hành động cụ thể”.
Báo cáo cũng nhấn mạnh những lo ngại liên tục về chuyển giao công nghệ bắt buộc, với 20% số người được hỏi nói rằng họ cảm thấy bị buộc phải chuyển giao công nghệ để duy trì việc tiếp cận thị trường, tăng gấp đôi so với con số 10% trong năm 2017, và là một vấn đề đặc biệt trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị cao như hóa chất và dầu khí, thiết bị y tế, dược phẩm và xe hơi.
FILI