CTI: Kế hoạch đầu tư hơn 2,000 tỷ trong năm 2019 và lãi ròng gần 142 tỷ đồng
CTI: Kế hoạch đầu tư hơn 2,000 tỷ trong năm 2019 và lãi ròng gần 142 tỷ đồng
CTCP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (HOSE: CTI) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ 2019 với kế hoạch lãi ròng hợp nhất gần 142 tỷ đồng. Trước đó, Công ty dự kiến phát hành 80 tỷ đồng trái phiếu nhằm phục vụ cho mục đích phát triển mảng kinh doanh khai thác mỏ trong năm.
Năm 2019, CTI đặt kế hoạch với doanh thu hợp nhất là 1,305 tỷ đồng, tăng 42% và lợi nhuận sau thuế gần 142 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2018.
Trong quý 1/2019, CTI ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 192 tỷ đồng, tăng 2% và lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ đạt gần 24 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến trong năm 2019, tổng mức đầu tư của CTI là 2,050 tỷ đồng. Trong đó, cụ thể như sau:
Kế hoạch đầu tư năm 2019 của CTI
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của CTI
|
CTI cho biết, từ cuối 2019, Công ty sẽ triển khai thu phí dự án BOT nút giao đường 319 và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với doanh thu mang lại mỗi năm ước tính đạt 80 - 100 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, dự án đường chuyên dụng với nguồn thu ước tính 30 tỷ đồng/năm cũng sẽ bắt đầu thu phí từ quý 1.
Theo CTI, đây là dự án đường chuyên dùng cho các xe chở đá tại cụm mỏ Tân Cang, tỉnh Ðồng Nai (gồm 10 mỏ nhỏ, Cường Thuận IDICO sở hữu mỏ Tân Cang 8 có thời gian khai thác đến năm 2035) với lượt xe ra vào hàng ngày rất lớn.
Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 120 tỷ đồng, mức thu phí đã được phê duyệt bằng với mức giá thu phí của dự án Quốc lộ 51, thời gian thu phí 12 năm.
Ngoài ra, HĐQT CTI cũng ra nghị quyết về việc sẽ hoàn tất việc tiếp nhận chuyển giao dự án BOT Phan Thiết - Ðồng Nai, đồng thời thành lập doanh nghiệp dự án để tiếp nhận dự án cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1 Phan Thiết - Ðồng Nai theo hình thức hợp đồng BOT. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này vào khoảng 362 tỷ đồng, trong đó CTI góp tối thiểu 75% vốn và các đối tác khác tối đa 25% vốn.
CTI cho biết, đây là dự án tiềm năng, mang lại doanh thu và lợi nhuận ổn định, với doanh thu hàng năm dự kiến khoảng 300 tỷ đồng và tỷ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 12.5% từ mảng BOT. Ðáng chú ý, năm 2019 cũng là giai đoạn trung tu tiếp theo của dự án BOT này, dự kiến sẽ đem về thêm phần doanh thu quan trọng cho mảng hạ tầng của CTI trong thời gian tiếp theo.
Ðối với mảng khai thác đá, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị mà CTI hướng đến, trong bối cảnh nguồn cung đá xây dựng ở khu vực phía Nam ngày càng khan hiếm hơn và có dấu hiệu thiếu hụt so với nhu cầu, Công ty đã lên kế hoạch khai thác mạnh hơn “của để dành” này nhằm đón đầu, chủ động cung cấp đá cho các dự án đường cao tốc mà Công ty thực hiện, cũng như dự án sân bay Long Thành sẽ triển khai trong vài năm tới.
CTI hiện đang sở hữu 3 mỏ đá có tổng trữ lượng 52 triệu m3, còn thời hạn khai thác hơn 15 năm, với tổng công suất khai thác lên đến 1.6 triệu m3/năm, nhưng hiện mới chỉ khai thác khoảng 1/3 tổng công suất. Khoảng từ năm 2017 trở lại đây, Công ty đẩy mạnh hoạt động khai thác đá và bán ra bên ngoài, thay vì chỉ phục vụ nhu cầu nội bộ như trước đây. Mục tiêu sản lượng khai thác có thể tăng khoảng 20% trong năm 2019.
Nguồn vốn phục vụ cho mảng kinh doanh này được CTI lấy từ 80 tỷ đồng trái phiếu được dự kiến phát hành vào ngày 23/04/2019.
Ðáng chú ý, CTI đang tiếp cận các dự án đầu tư khu công nghiệp. Theo đó, Công ty sẽ sớm hoàn thành các thủ tục xin đầu tư cụm công nghiệp Tân An, quy mô 48,822 ha; cụm công nghiệp Trị An quy mô 48.7 ha và cụm công nghiệp Ðúc Gang 4.8 ha tại huyện Vĩnh Cửu nhằm có đủ pháp lý tiến hành các bước đầu tư tiếp theo về hạ tầng và mời gọi đầu tư khác.
FILI